Hủy
Thế giới

Financial Times phát hiện lỗi số liệu nghiêm trọng trong cuốn "Tư bản thế kỷ 21" của Piketty

Chủ Nhật | 25/05/2014 15:11

 
 
Giáo sư người Pháp-Piketty đã rơi vào vết xe đổ như nghiên cứu nợ công/GDP của 2 giáo sư ĐH Havard hồi năm ngoái và lần này cũng vì một lỗi Excel.

"Tư bản trong thế kỷ 21" là cuốn sách bán chạy nhất trong nhiều tuần gần đây của nhà kinh tế học người Pháp - Thomas Piketty.

Tuy nhiên, theo cuộc điều tra của Financial Times, ngôi sao mới nổi trong giới kinh tế học - tác giả Piketty đã mắc lỗi dữ liệu trong những bảng tính Excel đưa ra trong cuốn sách của mình.

Financial Times đã tìm thấy những lỗi không giải thích được trong những bảng tính Excel của Piketty.

Chủ đề trung tâm trong nghiên cứu của giáo sư Piketty là sự bất bình đẳng trong của cải (tài sản và thu nhập) đang gia tăng và nguy cơ quay trở về mức cao kỷ lục như những gì đã diễn ra gần nhất từ ngay trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Lỗi sai trong bảng tính Excel của Piketty trong cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21". Ảnh: FT
Lỗi sai trong bảng tính Excel của Piketty trong cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21". Ảnh: FT

Điều tra mới của Financial Times đã làm giảm bớt độ thuyết phục của kết luận này, bởi có rất ít bằng chứng trong dữ liệu gốc của Piketty để có thể chứng minh rằng, tỷ lệ tài sản của nhóm người giàu nhất trong xã hội đang tăng lên.

Trong cuốn sách bán chạy của mình, Piketty đã đưa ra nguồn dữ liệu chi tiết cho những ước tính về mức độ bất bình đẳng của cải tại châu Âu và Mỹ trong suốt 200 năm qua. Tuy nhiên, trong bảng tính Excel của Piketty, Financial Times đã phát hiện ra lỗi sao chép từ những ô ghi dữ liệu gốc và từ những công thức không chính xác.

Sau đó, Financial Times đã sửa những lỗi này và đơn giản hóa dữ liệu cho bộ số liệu tại châu Âu thì kết quả cuối cùng cho thấy, không tồn tại xu hướng gia tăng bất bình đẳng của cải từ sau năm 1970.

Đồ thị so sánh tính toán cho Anh trong 200 năm (1810-2010) của Piketty so với tính toán lại của Financial Times. Ảnh: FT
Đồ thị so sánh tính toán cho Anh trong 200 năm (1810-2010) của Piketty so với tính toán lại của Financial Times. Ảnh: FT

Chẳng hạn, trong tính toán lại của Financial Times cho nước Anh trong khoảng thời gian 200 năm (1810-2010), đường màu màu đỏ cho thấy mức độ bất bình đẳng trong nắm giữ của cải của 1% người giàu nhất và 10% người giàu nhất đều giảm xuống vào cuối giai đoạn nghiên cứu, thay vì tăng lên theo tính toán (đường màu đỏ) của Piketty.

Tính toán lại của Financial Times so với tính toán của Piketty cho trường hợp của nước Mỹ, trong vòng 200 năm (1810-2010). Ảnh: FT
Tính toán lại của Financial Times so với tính toán của Piketty cho trường hợp của nước Mỹ, trong vòng 200 năm (1810-2010). Ảnh: FT

Tương tự, trường hợp của Mỹ cũng cho thấy mức độ bất bình đẳng giảm xuống (theo tính toán lại của Financial Times) trong khi đó, theo tính toán của Piketty, mức độ bất bình đẳng tăng lên vào cuối thời kỳ, cùng với tỷ lệ nắm giữ của cải tăng lên của lần lượt 1% và 10% người giàu nhất nước Mỹ.
Sau khi phát hiện lỗi sai này, Financial Times đã liên lạc với tác giả Piketty nhận được câu trả lời rằng, ông đã sử dụng tập dữ liệu hết sức đa dạng và không đồng nhất, kể cả những dữ liệu cần thiết để làm nên những số liệu điều chỉnh từ dữ liệu thô.

"Tôi không hề nghi ngờ chuỗi dữ liệu lịch sử của tôi có thể được điều chỉnh tốt hơn và sẽ được cải thiện tốt hơn trong tương lai ... nhưng tôi sẽ lấy làm bất ngờ nếu bất kỳ kết luận chính nào về xu thế phát triển trong dài hạn của phân phối của cải lại bị ảnh hưởng nhiều bởi những điều chỉnh cải thiện số liêu mới này".

Năm ngoái, thế giới đã bị sốc vì công trình nghiên cứu nổi tiếng về quan hệ nợ công/GDP với tăng trưởng kinh tế của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff bị phát hiện mắc sai sót lớn vì lỗi Excel "sơ đẳng".
Trong trả lời gần đây của Piketty với Financial Times, giáo sư Piketty cho biết, nhiều dữ liệu gần đây (không nằm trong cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông) còn cho thấy "sự gia tăng tỷ lệ nắm giữ của cải của những người giàu nhất nước Mỹ trong những thập kỷ gần đây thậm chí còn lớn hơn so với những gì tôi đã chỉ ra trong cuốn sách".

Việc phát hiện ra lỗi Excel làm ảnh hưởng đáng kể đến những kết luận của công trình nghiên cứu đã từng xảy ra, mà gần đây nhất là trường hợp của nghiên cứu về nợ công và tăng trưởng do hai giáo sư đại học Harvard là Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff thực hiện. Về sau, lỗi Excel này được một nghiên cứu sinh kinh tế đại học Massachusetts phát hiện.

Reinhart và Rogoff đã phải đính chính lại nghiên cứu của mình, tuy nhiên luận điểm chính trong nghiên cứu của họ cũng bị các chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bác bỏ trong một nghiên cứu công bố hồi đầu năm nay.

Nguồn Theo DVO/ Financial Times


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới