Hệ quả đến từ bùng nổ dân số thành thị của Ấn Độ
Mỏ than do South Eastern Coalfields điều hành ở Chhattisgarh, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.
Liên Hiệp Quốc cho biết, dù Trái đất đang nóng lên nghiêm trọng, nhưng nhiều chính phủ trên thế giới vẫn kiên trì coi than, dầu và khí đốt là nguồn phát triển kinh tế, an ninh năng lượng và sức mạnh địa chính trị.
Do đó, sản lượng nhiên liệu hóa thạch của thế giới vào năm 2030 sẽ cao gấp đôi mức cần để giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC so với mức tiền công nghiệp.
Một trong những quốc gia đóng góp vào con số trên sẽ là Ấn Độ, nước đang đốt một lượng than và dầu ngày càng lớn để đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỉ dân, thậm chí còn có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng than trong nước vào năm 2030.
Ông Siddharth Singh, Nhà phân tích đầu tư năng lượng tại IEA cho biết, để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Ấn Độ không nhất thiết phải trả giá bằng sự tăng trưởng. Ông Singh cho biết đã có “những dấu hiệu cho thấy mối liên hệ lỏng lẻo giữa phát triển kinh tế và lượng khí thải carbon”.
Ấn Độ chưa dừng lại
Dữ liệu của IEA cho thấy Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3 thế giới, mặc dù mức sử dụng năng lượng và lượng khí thải bình quân đầu người thấp hơn 1/2 mức trung bình thế giới.
Điều đó có thể thay đổi nhanh chóng. Nhờ thu nhập tăng, nhu cầu năng lượng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, với 80% nhu cầu vẫn được đáp ứng bởi than, dầu và sinh khối rắn. IEA cho biết trong 3 thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Điều này không có gì lạ khi Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ ít nhất 6% mỗi năm trong vài năm tới và có thể trở thành quốc gia thứ 3 có GDP hàng năm là 10.000 tỉ USD vào năm 2035.
Khi phát triển và hiện đại hóa, dân số đô thị sẽ tăng lên, dẫn đến việc xây dựng nhà ở, văn phòng, cửa hàng và các tòa nhà khác gia tăng.
Chính phủ Thủ tướng Modi cũng đang cố gắng thúc đẩy sản xuất trong nước và điều đó đã dẫn đến sự phát triển của cơ sở hạ tầng, tức nhu cầu về than và thép tăng vọt, vốn là những nguồn phát thải carbon khổng lồ.
Nhu cầu điện cũng được dự đoán sẽ tăng vọt trong những năm tới do mức sống được cải thiện.
IEA cho biết vào năm 2050, tổng nhu cầu điện từ máy điều hòa không khí dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt tổng mức tiêu thụ năng lượng trên toàn châu Phi hiện nay. Than chiếm gần 70% sản lượng điện cả nước và khó có khả năng thay đổi trong thời gian tới.
Mục tiêu xanh khổng lồ
Chính phủ Thủ tướng Modi đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng.
Họ cam kết rằng năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vào cuối thập kỷ này. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đạt 500 GW công suất phát điện từ nhiên liệu không hóa thạch vào thời điểm đó, tăng từ khoảng 173 GW năm ngoái.
Ấn Độ đã đưa ra một chương trình thúc đẩy sản xuất trong nước trong các lĩnh vực quan trọng bao gồm mô-đun năng lượng mặt trời và pin tế bào hóa học tiên tiến. Theo IEA, nếu chương trình này thành công, Ấn Độ có thể khẳng định vị thế xuất khẩu các mô-đun năng lượng mặt trời của mình.
Đồng thời nếu có thể đáp ứng các cam kết, quốc gia này cũng sẽ đưa ra một lộ trình tăng trưởng mới, cho phép các nước đang phát triển trở nên giàu có và đồng thời trở nên xanh hơn.
Tỉ phú xanh
Những người giàu nhất Ấn Độ, bao gồm ông Mukesh Ambani và Gautam Adani, đang đầu tư hàng tỉ USD vào năng lượng sạch, mặc dù họ đã xây dựng đế chế của mình dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
Ông Tim Buckley, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Tài chính Năng lượng Khí hậu có trụ sở tại Sydney, cho biết: “Có lẽ chưa bao giờ có thời điểm nào tốt hơn bây giờ để Ấn Độ phát triển bền vững”.
Có 2 lý do chính, thế giới đang chứng kiến mức đầu tư chưa từng có vào công nghệ sạch sau khi Nga tấn công Ukraine và năng lượng mặt trời ngày càng rẻ hơn.
Nhưng nguồn vốn vẫn còn là một vấn đề lớn. IEA cho biết, đầu tư vào năng lượng cần tăng gần gấp 3 vào cuối thập kỷ này để Ấn Độ đi đúng quỹ đạo đạt được mục tiêu không phát thải. Chính phủ ông Modi muốn các quốc gia giàu có tài trợ khí hậu nhiều hơn nữa.
Cách đây hơn một thập kỷ, thế giới phát triển đã đồng ý chuyển ít nhất 100 tỉ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để hỗ trợ cả 2 trong quá trình chuyển đổi xanh và nỗ lực thích ứng với khủng hoảng khí hậu. Cam kết đó đã được tái khẳng định trong Thỏa thuận Paris 2015, nhưng mục tiêu chưa bao giờ đạt được.
Có thể bạn quan tâm:
EU cấm tiêu hủy quần áo tồn kho
Nguồn CNN
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư