Kẻ được người mất khi phá giá nhân dân tệ
Ngày 12/8, Trung Quốc tiếp tục gây rúng động thị trường tài chính quốc tế khi phá giá nhân dân tệ ngày thứ 2 liên tiếp. Ngân hàng trung
ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ thêm 1,6% sau khi phá giá 1,9% hôm 11/8.
Tuy vẫn còn chưa rõ là nhân dân tệ có tiếp tục giảm hay không, song giới đầu tư đã bắt đầu đánh giá về kẻ được người mất trước động thái của PBOC.
Người mất
Ngành hàng không Trung Quốc
Phần lớn nợ của các hãng hàng không đều bằng USD. Nhân dân tệ mất giá sẽ làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Cổ phiếu hãng hàng không China Southern Airlines giảm 18% tại Hong Kong, mức giảm lớn nhất kể từ 2001. Cổ phiếu của China Eastern Airlines mất 1,6%, giảm sâu nhất trong 7 năm qua.
China Southern Airlines ước tính nhân dân tệ giảm 1% thì lợi nhuận hàng năm của hãng giảm 767 triệu nhân dân tệ (121 triệu USD).
Các nhãn hàng xa xỉ châu Âu
Là một đối tác thương mại quan trọng của EU, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc trở thành nguồn lợi ích chính của các nhà sản xuất hàng xa xỉ. Tuy nhiên, nhân dân tệ yếu đi khiến giá xe hơi của Đức, đồng hồ Thụy Sĩ và túi xách của Pháp trở nên đắt đỏ hơn.
Cổ phiếu BMW AG - với 19% doanh thu từ Trung Quốc trong năm 2104 - giảm 4% trên sàn giao dịch chứng khoán Đức.
Cổ phiếu LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton cũng giảm 5,4%. Năm ngoái, doanh thu từ bán hàng xa xỉ tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, chiếm 29% tổng doanh thu của hãng.
Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng
Cổ phiếu Apple Inc giảm 5,2%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2014. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ iPhone lớn thứ 2 của Apple trong nửa đầu năm 2015.
Nhân dân tệ mất giá có thể khiến Apple phải tăng giá bán hoặc chấp nhận cắt giảm lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng.
Cổ phiếu Swatch Group AG giảm 3,6%. Thị trường Trung Quốc (kể cả Hong Kong) đóng góp 37% doanh thu năm 2014 của hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ.
Các nhà sản xuất hàng hóa
Nhân dân tệ giảm giá làm tăng chi phí nhập khẩu vào Trung Quốc, kể cả hàng hóa. Cổ phiếu Vale SA - nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới - giảm 5,1% tại Sao Paulo, Brazil.
Doanh thu từ Trung Quốc chiếm 37% tổng doanh thu của Vale SA trong quý II năm nay.
Các đồng tiền châu Á
Tất cả các đồng tiền châu Á đều giảm do lo ngại nhân dân tệ yếu đi sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách trong khu vực phải hạ tỷ giá hối đoái để cạnh tranh với hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc.
Đôla Singapore dẫn đầu cơn sụt giảm với mức giảm 1,4% trong đợt bán tháo lớn nhất kể từ 2011, trong khi won Hàn Quốc cũng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2013.
Kẻ được
Các nhà khẩu Trung Quốc
Các công ty xuất khẩu nội địa nói chung được hưởng lợi khi nhân dân tệ mất giá.
Cổ phiếu China Machinery Engineering Corp trên sàn Hong Kong tăng 5,9%, trong khi cổ phiếu Lenovo Group tăng 2,9%. Doanh thu từ nước ngoài của cả 2 công ty đều đạt trên 65%.
Dong Yang, Tổng thư ký Hiệp hội Sản xuất Ôtô Trung Quốc, cho biết, xuất khẩu ôtô của Trung Quốc chậm lại trong những năm qua do yên Nhật và won Hàn Quốc suy yếu, làm tăng lợi thế cạnh tranh của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp dệt may có thị trường tại nước ngoài cũng được hưởng lợi từ sự mất giá của nhân dân tệ.
Cổ phiếu công ty dệt may Huafang Ltd trên sàn Thượng Hải tăng 10%, trong khi cổ phiếu Li & Fung Ltd - công ty thương mại Hong Kong chuyên bán hàng Trung Quốc từ quần áo đến đồ chơi sang Mỹ và châu Âu - tăng 5% trên sàn Hong Kong.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư