Khối tài sản bí mật của quốc vương Jordan
Vua Abdullah II đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng một đế chế bất động sản cao cấp quốc tế trị giá hơn 100 triệu USD. Ảnh: The Guardian.
Hồi tháng 10/2019, lực lượng an ninh Jordan đã bất ngờ ập đến nhà của luật sư Moayyad al-Majali, đồng thời tịch thu máy tính, điện thoại của ông. Họ buộc tội ông về việc vu khống người cai trị đất nước - Vua Abdullah II - chỉ vì một câu hỏi của ông: Nhà vua sở hữu bao nhiêu đất?
Theo The Guardian, ở một đất nước được nhận hàng tỉ USD viện trợ tài chính, nơi tỉ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi trong vòng 7 năm qua, đây là chủ đề quá đỗi nhạy cảm với công chúng Jordan.
Vua Abdullah mua 3 bất động sản trên đỉnh vách đá trên bờ biển Malibu của California. Ảnh: BBC. |
Khối tài sản khổng lồ của nhà vua
Dựa theo các tài liệu từ Hồ sơ Pandora, kho dữ liệu lớn nhất trong lịch sử từng bị rò rỉ, nhà vua của Jordan đã bí mật tích lũy một đế chế bất động sản xa xỉ trị giá hơn 100 triệu USD trên khắp thế giới trong hàng thập kỷ qua.
Khối tài sản trải dài từ Malibu, bang California và bang Washington, Mỹ và đến London, Anh. Điều này lý giải tại sao Quốc vương Abdullah lại mong muốn giữ bí mật về tài sản. Ông giữ kín quyền sở hữu tài sản thông qua hàng loạt công ty nước ngoài tại Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI), theo Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).
Khối tài sản trị giá hàng triệu USD này được tích lũy khi gói viện trợ kinh tế và quân sự mà Mỹ dành cho Jordan tăng gấp 4 lần và người dân nước này phải thắt chặt chi tiêu.
Việc sử dụng các công ty nước ngoài để mua bất động sản không phải là điều bất hợp pháp. Đôi khi, việc này được thực hiện nhằm bảo vệ quyền riêng tư hoặc bảo mật. Tuy nhiên, sự bí mật của hệ thống này cũng có thể mở ra cánh cửa cho hoạt động rửa tiền của nhiều người giàu.
Vua Abdullah II và Hoàng hậu Rania. Ảnh: Shutterstock. |
Theo Hồ sơ Pandora, tài sản đắt đỏ nhất của nhà vua là một cơ ngơi rộng lớn trên bờ biển Malibu của California. Bất động sản này được mô tả là một "biệt thự lớn giống như khách sạn nghỉ dưỡng" gồm 26 phòng, hướng ra bờ biển.
Những tài liệu bị rò rỉ cũng phơi bày việc nhà vua Jordan bí mật mua lại 7 bất động sản sang trọng ở Anh. Vương quốc Anh đã chi tới 100 triệu bảng (135 triệu USD) một năm để viện trợ song phương cho Jordan trong phần lớn thời gian được đề cập trong hồ sơ.
Thập kỷ khó khăn của người dân Jordan
Nhà vua cho biết ông sở hữu khối tài sản dựa trên năng lực cá nhân. Mặc dù không có bằng chứng về hành vi phạm pháp, tài sản ròng và thu nhập của nhà vua vẫn được bảo vệ chặt chẽ.
Các luật sư của nhà vua cho biết: “Nhà vua đã không lạm dụng công quỹ hoặc sử dụng bất kỳ khoản tiền nào từ khoản viện trợ dành cho mục đích công".
Jordan được cho là đã chặn website của ICIJ - nơi chủ trì vụ thẩm định tài liệu rò rỉ - vài giờ trước khi Hồ sơ Pandora được công bố hôm 3/10.
Theo số liệu năm 2020, khoảng 1/4 người dân Jordan thất nghiệp trong khi vương quốc này thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng trong 3 thập niên qua để đổi lấy quyền tiếp cận các khoản vay của IMF.
Vua Abdullah có một danh mục đầu tư gồm 7 bất động sản sang trọng ở Vương quốc Anh được mua từ năm 2003 đến năm 2011, trong đó có ba bất động sản ở Belgravia, London. Ảnh: The Guardian. |
Theo đó, các đợt tăng thuế liên tiếp và cắt giảm trợ cấp lương thực, điện và nhiên liệu liên tiếp xảy ra. Chính phủ cũng đang phát động một chiến dịch loại bỏ các hành vi gian lận thuế nhằm kiểm soát nợ công.
Điều này trái ngược hoàn toàn với tác động của việc "thắt lưng buộc bụng" đối với nhà vua.
“Theo luật của Jordan, nhà vua không phải nộp thuế”, các luật sư cho biết.
Các cuộc biểu tình phản đối việc cắt giảm phúc lợi và đòi hỏi mức lương cao hơn trong khu vực công đã khiến ông Abdullah cách chức một số thủ tướng trong suốt thập kỷ qua. Đây được coi là một cách để giải tỏa sự tức giận của công chúng.
Theo các luật sư, vua Jordan đã dành "một tỉ lệ đáng kể" trong tài sản cá nhân cho các hoạt động từ thiện, phù hợp với "tầm nhìn hướng tới một xã hội bình đẳng" của ông.
Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch mua bất động sản trên Hồ sơ Pandora diễn ra trong một thập kỷ qua đầy khó khăn khi nhà vua phải đối mặt với hai thách thức đối với việc cầm quyền của mình.
Trong những thập kỷ qua, Mỹ đã rót khoản viện trợ tài chính ngày càng tăng cho Jordan. Con số viện trợ lên tới 22 tỉ USD vào năm 2018 và tiếp tục tăng thêm trong những năm sau đó.
Tuy nhiên, nhà vua đã chi hàng triệu USD để làm tăng thêm danh mục tài sản của mình vào thời gian này.
Bảng ngân sách mới nhất của Jordan cho thấy khoản tiền hàng năm trị giá khoảng 35 triệu USD trong công quỹ được chi cho việc bảo trì các cung điện hoàng gia, nhưng không liệt kê bất kỳ khoản lương nào cho nhà vua hoặc các thành viên hoàng gia khác.
Các luật sư của ông Abdullah cho biết: “Tài sản cá nhân của nhà vua không phải từ công quỹ, mà là từ các nguồn cá nhân”.
Có thể bạn quan tâm:
'Jack Ma của Nhật Bản' nghỉ hưu sớm, đăng ký lên mặt trăng cùng Elon Musk
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư