Kinh tế băng tuyết: Cứu cánh cho Đông Bắc Trung Quốc?

Bắc Kinh đặt cược vào du lịch và thể thao mùa đông để thúc đẩy nền kinh tế. Ảnh: The Economist.
Trong bữa tiệc chiêu đãi các quan khách nhân dịp khai mạc Đại hội Thể thao Mùa đông châu Á ngày 7/2, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện rõ mong muốn ngày càng sẽ có nhiều người dân Trung Quốc chơi trượt tuyết. Ông cho biết băng tuyết quý như vàng bạc, nhằm nhấn mạnh tài nguyên thiên nhiên này có thể trở thành động lực cho sự phát triển “chất lượng cao” của Cáp Nhĩ Tân. Được truyền thông quốc gia đăng tải rộng rãi, tuyên bố của ông Tập được xem như là một phần trong chiến lược thúc đẩy nền “kinh tế băng tuyết”, bao gồm các lĩnh vực từ dạy trượt tuyết, dịch vụ lưu trú mùa đông đến vớ trượt tuyết tự làm ấm và máy tạo tuyết nhân tạo.
Những lời kêu gọi này đã giúp Cáp Nhĩ Tân, một trong những thành phố lạnh nhất Trung Quốc với nhiệt độ thường xuyên xuống dưới -20°C, trở thành điểm đến thu hút bậc nhất nước này. Mùa đông năm ngoái, thành phố đón 87 triệu lượt khách, gấp 4 lần năm trước, nhờ làn sóng du lịch hậu COVID-19. Doanh thu du lịch cũng tăng gấp 6 lần. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Cáp Nhĩ Tân thu hút 12 triệu du khách, tăng 20% so với năm ngoái, theo truyền thông nhà nước.
Suốt nhiều thập kỷ, người dân địa phương đã cắt từng khối băn từ sông Tùng Hoa đóng băng để tạo nên những tác phẩm điêu khắc. Những năm gần đây, quy mô và thiết kế của các tác phẩm này ngày càng hoành tráng, biến thành phố thành hiện tượng trên mạng xã hội vào mùa đông, với những tòa nhà băng lấp lánh trong ánh đèn. Hầu hết khách du lịch là người Trung Quốc. “Người Trung Quốc, đặc biệt là người miền Nam như chúng tôi, luôn khao khát được thấy tuyết”, bà Trần, một du khách đến từ Hàng Châu, chia sẻ.
![]() |
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, Bắc Kinh đặt cược vào du lịch và thể thao mùa đông để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đưa ngành này lên giá trị 1,5 nghìn tỉ nhân dân tệ (205 tỉ USD) vào năm 2030. Một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Trong mùa đông năm ngoái, 26 triệu du khách ghé thăm các khu trượt tuyết cấp quốc gia, tạo ra doanh thu 19 tỉ nhân dân tệ, tăng 140% so với năm trước.
Từ năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu đưa 300 triệu người, gần bằng dân số Mỹ, tham gia các môn thể thao mùa đông. Chính phủ tuyên bố đã đạt được mục tiêu này trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, sự kiện càng thúc đẩy nhu cầu của tầng lớp trung lưu. Đến cuối năm 2023, Trung Quốc có 1.912 sân trượt băng, gấp 3 lần so với năm năm trước đó, và số khu trượt tuyết cũng tăng gần gấp đôi, lên 935 khu.
Tuy nhiên, vùng Đông Bắc Trung Quốc, từng là trung tâm công nghiệp quan trọng, vẫn đang chật vật hồi sinh. Ba tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang, từng là những địa phương giàu có nhất thời Mao Trạch Đông, đã tụt hậu từ khi Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế năm 1978. Khu vực này phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước và ngành công nghiệp nặng, trong khi các thành phố phía Nam vươn lên nhờ sản xuất nhẹ và xuất khẩu. Mặc dù chính phủ đã cố gắng tái thiết vùng Đông Bắc trong hơn hai thập kỷ qua, nhưng kết quả vẫn hạn chế. Dân số già hóa và sự lệ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả vẫn là bài toán chưa có lời giải. Năm 2023, Hắc Long Giang có GDP bình quân đầu người thấp thứ hai cả nước và là tỉnh có tốc độ suy giảm dân số nhanh nhất.
Nhiều chuyên gia hoài nghi rằng nền kinh tế băng tuyết có thể tạo ra sự thay đổi trong dài hạn không. Du lịch có thể mang lại tác động tích cực, nhưng “khu trượt tuyết không thể giải quyết vấn đề tái cơ cấu kinh tế”, ông Andrew Batson, chuyên gia tại Gavekal Dragonomics, nhận định.
Dù vậy, có còn hơn không. Những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế Đông Bắc đã tạo ra việc làm thu nhập tốt cho giới trẻ, nhóm đối tượng mà khu vực này gặp khó khăn trong việc giữ chân. Tại vùng ngoại ô thành phố Đại Khánh, một trung tâm khai thác dầu khí phía Tây Cáp Nhĩ Tân, các dốc trượt tuyết luôn tấp nập. Cao Vũ, một huấn luyện viên trượt tuyết, cho biết anh kiếm được khoảng 7.500 nhân dân tệ mỗi tháng, gần gấp đôi mức lương trung bình tại Đại Khánh. Chính quyền địa phương hiện tìm cách phát triển du lịch mùa hè, nhắm vào nhóm du khách muốn tránh cái nóng oi bức ở miền Nam, nhằm duy trì nguồn thu ngay cả khi băng tuyết tan đi.
Có thể bạn quan tâm:
Những “bảo mẫu” không công của châu Á
Nguồn The Economist
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tiến sĩ - Dược sĩ Nguyễn Thành Triết