Lo ngại an toàn thực phẩm, mua sắm trực tuyến bùng nổ ở Trung Quốc
Với cam kết các loại hàng hóa rao bán được thu mua trực tiếp từ các trang trại, các nhà phân phối đã biến bán thực phẩm qua mạng trở thành một trong những phân khúc bán lẻ trên internet phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều loại thực phẩm giả và độc hại có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người xuất hiện, từ gạo giả cho tới dầu bẩn tái chế.
Bên cạnh lo ngại về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng, sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự bùng nổ mạnh mẽ của bán thực phẩm qua mạng.
Mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi về chất lượng của các loại thực phẩm rao bán qua mạng, song nhà phân tích cấp cao Zhou Wen Quan tại phòng tư vấn kinh doanh nông nghiệp Bắc Kinh nhận định doanh số bán hàng trực tuyến các sản phẩm tươi ở Trung Quốc có thể đạt 11,5 tỷ nhân dân tệ trong năm nay.
Công ty nghiên cứu Euromonitor đưa ra kỳ vọng khiêm tốn hơn, song vẫn cho rằng sự phát triển của ngành bán thực phẩm trực tuyến ở Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua các thị trường lớn nước ngoài. Euromonitor dự kiến thị trường bán thực phẩm trực tuyến Trung Quốc sẽ tăng 8% vào năm 2017, từ mức 664 triệu tấn trong năm nay, trong khi Mỹ chỉ tăng 5% từ mức 77 triệu tấn.
Cho đến nay, hầu hết thực phẩm trực tuyến được bán thông qua website mua sắm lớn nhất của Trung Quốc, Yihaodian, với phần lớn cổ phần thuộc quyền sở hữu của Wal-Mart, và Jingdong Mall. Bên cạnh đó, đối tượng chủ yếu mà các nhà cung cấp trực tuyến ở Trung Quốc nhắm tới là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao, ngược lại với các siêu thị - nơi chủ yếu phục vụ cho khách hàng thuộc tầng lớp bình dân hơn. Do đó, cơ hội cho các nhà bán lẻ trực tuyến là rất lớn nếu họ chuyển sự chú ý sang các nhóm đối tượng khách hàng khác, các nhà phân tích nhận định.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của các nhà bán lẻ thực phẩm trực tuyến Trung Quốc là phải thuyết phục được khách hàng về mức độ an toàn tuyệt đối của các loại thực phẩm. Ngoài ra, một trong những thách thức lớn mà các công ty thực phẩm thương mại điện tử phải đối mặt là chi phí phát triển dịch vụ hậu cần bảo quản thực phẩm trên khắp toàn quốc.
Nguồn Reuters/Dân Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư