Nga "khai tử" đường ống khí đốt sang châu Âu
Nga hôm 14/1 tuyên bố nước này dự kiến chuyển đổi tất cả nguồn khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang châu Âu qua Ukraine sang một đường ống mới qua Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ là con đường duy nhất sẽ vận chuyển 63 tỷ mét khối khí đốt của Nga hiện đang chảy qua Ukraine. Không còn đường nào khác", phó chủ tịch tập đoàn khí đốt tự nhiên Gazprom, Alexei Miller cho biết.
Khoảng 40% khí đốt xuất khẩu của Nga đến châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đi qua mạng lưới đường ống từ thời Liên Xô của Ukraine. Trước đó, Nga đã tìm cách loại bỏ vai trò trung gian của Ukraine bằng kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream (Dòng chảy phương Nam), tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin hôm 1/12 thông báo hủy dự án này. Moscow sẽ sử dụng vốn và vật liệu vốn dành cho South Stream để xây dựng đường ống mới dẫn qua Biển Đen và qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga đã ngắt nguồn cung cấp khí đốt qua Ukraine đến 6 quốc gia EU. Hy Lạp, Bulgaria, Macedonia, Croatia, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã ngừng nhận được khí đốt qua các ống dẫn khí từ Nga.
Ukraine hôm 15/1 xác nhận Nga đã cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp của họ. Croatia cho biết nước này tạm thời giảm nguồn cung cấp cho các khách hàng công nghiệp, trong khi Bulgaria thông báo chỉ còn đủ khí đốt 'trong một vài ngày và đã rơi vào "tình trạng khủng hoảng".
EU "ngạc nhiên"
Cây bút Lawrence Williams của Mineweb cho rằng việc ngừng vận chuyển khí đốt bằng đường ống qua Ukraine tiếp tục là "một sự leo thang mà EU vẫn chưa chuẩn bị tốt để đối phó".
Phó chủ tịch liên đoàn năng lượng của Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic cho biết ông rất ngạc nhiên về tuyên bố của Miller. "Quyết định này không hề có ý nghĩa về mặt kinh tế", ông nói.
"Chúng tôi không làm việc như thế này", Bloomberg dẫn lời ông Sefcovic cho biết: "Hệ thống và thói quen kinh doanh, cách chúng tôi vận hành hiện giờ, có rất nhiều điểm khác nhau".
Gazprom dự định sẽ chuyển 63 tỷ mét khối khí đốt thông qua đường ống dưới Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ rồi qua Hy Lạp. Từ đó, châu Âu sẽ phải tự xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể chuyển khí đốt đến những nơi cần.
"Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác châu Âu, và hiện giờ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết bắt đầu từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp sẽ tùy thuộc vào họ", ông Miller nói.
Theo Goldcore, công ty môi giới vàng của Ireland, một dự án như vậy có khả năng sẽ mất vài tháng để thực hiện. Như vậy, trong thời gian đó, nhiều người châu Âu có thể sẽ không thể tiếp cận được khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông và nhiều ngành công nghiệp cũng sẽ thiếu khí đốt, ảnh hưởng đến sản xuất và việc làm của nhiều người dân trong nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn.
Lợi thế mùa đông
Tổng thống Putin cuối tháng 11/2014 tuyên bố "mùa đông đang đến", và do đó "chắc chắn thị trường sẽ trở lại cân bằng trong quý đầu tiên hoặc khoảng giữa năm 2015". Điều ông ám chỉ là thời tiết lạnh giá sẽ là tin tức tuyệt vời cho nền kinh tế Nga, vì châu Âu sẽ phải nhập khẩu thêm dầu và khí đốt tự nhiên từ nước này.
"Thời tiết lạnh giá sẽ cho Nga, nhà cung cấp năng lượng chính của châu Âu, một đòn bẩy. Đòn bẩy này có thể là yêu cầu tăng giá, hạn chế lưu lượng vận chuyển hoặc cả hai, hay là những cuộc đàm phán có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến phụ phí", Chủ tịch công ty tư vấn Cumberland Advisors, David Kotok cho biết.
Nga là nguồn cung cấp khoảng một phần ba lượng khí đốt tự nhiên mà các nước châu Âu trông cậy vào để sưởi ấm và vận hành các ngành công nghiệp. Do đóng vai trò rất lớn trong thị trường khí đốt, Nga có thể đòi giá cao.
Khoảng một lượng khí đốt xuất khẩu sang phương Tây của Nga đi qua đường ống qua Ukraine. Các chính trị gia cho rằng sự kiểm soát của Nga với nguồn cung khí đốt đến đông Âu đã trao cho Kremlin một đòn bẩy chính trị rất mạnh.
Tuy nhiên, EU đã tạo ra liên kết mới giữa các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga để thiết lập hệ thống cung cấp khí đốt độc lập hơn. Nếu nguồn cung cấp từ phía đông bị gián đoạn, các nước bị ảnh hưởng có thể nhập khẩu khí đốt từ các nơi khác.
Đến tháng 12/2014, Lithuania, nước từng phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga, đã nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Na Uy. Lượng nhập khẩu khí đốt của Ukraine từ phương Tây đang tăng vọt.
Theo The Economist, mùa đông năm nay tại châu Âu vẫn chưa xuống mức quá lạnh giá. Điều này có nghĩa là nguồn tiêu thụ khí đốt của châu Âu vẫn ở mức thấp và nguồn dự trữ vẫn còn cao. Ngay cả khi Nga cố gắng làm gián đoạn nguồn cung cấp, hiệu ứng có thể không cao như mong đợi.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách châu Âu hẳn vẫn còn nhớ đến cú sốc năm 2006 và 2009, khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine trong khi có tranh cãi về giá và các khoản nợ. Vụ việc dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiệt năng, làm nhiều nhà máy ở các nước như Slovakia và Hungary phải đóng cửa, khiến các nước Tây Âu như Đức phải vật lộn tìm nguồn cung cấp thay thế.
Không còn lựa chọn
Ukraine cho biết Nga đưa ra động thái này do tranh chấp về giá cả và thanh toán, vấn đề tranh cãi thường xuyên giữa hai nước.
Tuy nhiên, ông Williams cho rằng "động cơ chính trị của động thái này có thể mạnh mẽ hơn nhiều. Đây có thể là lời cảnh báo đến EU để liên minh ngừng gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế, hoặc thậm chí dỡ bỏ chúng". Nếu những điều này được thực hiện, Nga có thể sẽ mở van trở lại sau nhiều cảnh báo về gián đoạn nguồn cung.
"Dường như Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO, đang ngày càng làm ấm mối quan hệ với Nga", ông Williams nhận xét, và suy đoán nguyên nhân có thể do hoạt động quân sự của phương Tây tại các nước Trung Đông, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nước này lo ngại.
Hiện chưa rõ dự án đường ống mới sẽ khiến Nga hoặc châu Âu tiêu tốn bao nhiêu, nhưng điều khoản trong hợp đồng mới viết rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giảm giá 6% cho khí đốt nhập khẩu năm 2015.
Sự chia rẽ thậm chí đang xảy ra ngay trong khối phương Tây. Pháp đang cân nhắc một chính sách ngoại giao độc lập với NATO. Tổng thống Hollande hồi đầu tháng nói rằng biện pháp trừng phạt áp đặt với Nga nên được dỡ bỏ.
Nga từng lập luận cho rằng phương Tây là chỉ đơn giản là có ý định hạ bệ ông Putin và làm suy yếu Nga. Steve LeVine, chuyên gia năng lượng và địa chính trị tại New America Foundation cho rằng "ông Putin đang cho thấy ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thêm cứng rắn, và căng thẳng có thể còn kéo dài".
Nguồn VnExpress
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư