Ngân hàng sụp đổ chỉ là phần nổi của tảng băng nợ
Vấn đề cốt lõi của SVB là sở hữu rất nhiều trái phiếu chính phủ, mua bằng các khoản tiền gửi không ổn định. Ảnh: WSJ.
Câu hỏi lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt gần đây là: Khủng hoảng ngân hàng sẽ còn trầm trọng đến mức nào nữa? Câu hỏi tiếp theo sẽ là: Liệu tác động của những vụ sụp đổ này có vượt ra khỏi các ngân hàng hay không? Khi sự vụ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) một tháng trước chỉ là một dấu hiệu chứ không phải nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính và nền kinh tế xứ cờ hoa.
Vấn đề cốt lõi của SVB là sở hữu rất nhiều trái phiếu chính phủ, mua bằng các khoản tiền gửi không ổn định. Khi lãi suất tăng mạnh vào năm ngoái, giá trị của số trái phiếu đó giảm mạnh và tiền gửi trở nên đắt hơn và khan hiếm hơn.
Rất nhiều ngân hàng sở hữu trái phiếu mất giá tương tự. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên nợ nần. Theo FED, kể từ cuối năm 2009, tổng số nợ của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ đã tăng 90% lên 68 nghìn tỉ USD.
Các ngân hàng chính thống chỉ là một mắt xích
Kể từ đầu năm 2022, lãi suất đã tăng với tốc độ nhanh nhất từ những năm 1980. Khi lãi suất tăng lên, giá trị của khoản vay hoặc trái phiếu hiện có sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng. Các ngân hàng thường không ghi bút toán giảm các khoản vay và trái phiếu trong báo cáo tài chính của họ.
Nhưng dù dùng thủ thuật gì trong kế toán, thì chỉ có một thực tế là những trái phiếu và khoản vay đó có giá trị thấp hơn rất nhiều so với thời điểm được phát hành và phải có người chịu những khoản lỗ đó.
Các ngân hàng là trái chủ dễ thấy nhất, nhưng nhìn chung, các quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ, quỹ tín dụng tư nhân, công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty phát triển kinh doanh, quỹ phòng hộ và các tổ chức phi ngân hàng khác, còn được biết đến là “Ngân hàng bóng tối”, cũng nắm giữ nhiều khoản nợ tương tự.
Đối với một nhà đầu tư dài hạn không vay mượn, chẳng hạn như quỹ hưu trí hoặc quỹ tương hỗ, khoản thua lỗ có ít hậu quả mang tính hệ thống, ngoài việc những quỹ này sẽ “nghèo” hơn. Nhưng đối với các bên trung gian tài chính thì phức tạp hơn: Lợi nhuận kiếm được từ tài sản hiện nay giảm đi nhiều so với những gì họ phải trả để vay vốn trước kia. Thực tế này khiến họ giảm khả năng cho vay và trong một số trường hợp là giảm khả năng tồn tại.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-09 bắt đầu bằng việc các ngân hàng bóng tối, những đơn vị phát hành trái phiếu ngắn hạn và đầu tư số tiền thu được vào chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. Giới chức trách Mỹ từ lâu đã cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo cũng sẽ xảy ra với khởi đầu tương tự, một phần vì các ngân hàng hiện nay bị quản lý chặt chẽ hơn. Bởi vậy, việc các ngân hàng để lộ những mắt xích yếu trong tháng 3 vừa qua đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Chứng tỏ là các ngân hàng bóng tối đã trở nên ít rủi ro hơn kể từ cuộc khủng hoảng vừa qua hoặc có thể đơn giản là những rủi ro tiềm ẩn vẫn chưa lộ rõ.
Rủi ro đến từ "Ngân hàng bóng tối"
Trên thực tế, ngân hàng bóng tối đã gặp vấn đề ở nhiều nước trên thế giới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tháng 9 năm ngoái, những lo ngại về ngân sách của Anh đã dẫn đến bán tháo, lợi suất trái phiếu chính phủ ở đó tăng vọt, gây thiệt hại cho các quỹ hưu trí theo đuổi chiến lược đầu tư dựa vào đòn bẩy nợ. Điều này buộc các quỹ phải bán trái phiếu để nộp tiền ký quỹ, khiến lợi suất trái phiếu thậm chí còn cao hơn.
Vào tháng 10, các công ty tài chính của Hàn Quốc phát hành thương phiếu để tài trợ cho các khoản vay dự án bất động sản, đã vỡ nợ. Điều này dẫn tới lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu ở nước này đồng loạt tăng vọt.
Chuyện tương tự chưa xảy ra ở Mỹ. Tuy nhiên, các ngân hàng bóng tối đã phát triển đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Phân khúc phát triển nhanh nhất là tín dụng tư nhân những khoản vay cấp cho các doanh nghiệp thường quá nhỏ để phát hành trái phiếu nhưng ngại vay vốn ngân hàng vì nhiều hạn chế.
Kể từ đầu năm 2008, tín dụng tư nhân đã tăng gần gấp sáu lần, lên tới 1,5 nghìn tỉ USD, theo IMF, lớn hơn thị trường trái phiếu lãi suất cao hoặc thị trường cho vay có đòn bẩy. Với 4,4 nghìn tỉ USD, ba thị trường này gộp lại có giá trị hơn tất cả các khoản vay thương mại và công nghiệp của các ngân hàng, ở mức 2,7 nghìn tỉ USD.
IMF cho biết tín dụng tư nhân thường có nguồn là vốn của nhà đầu tư được cố định trong vòng vài năm, “nên không có rủi ro rút vốn ồ ạt” như đối với tiền gửi, thương phiếu hay các khoản vay mua lại (repo). Và trong khi một số khoản tín dụng tư nhân chịu rủi ro về lãi suất, thì các khoản vay thường có lãi suất thả nổi và do đó điều chỉnh tăng theo lãi suất thị trường. Các nhà quản lý quỹ có thể bù lỗ bằng cách áp lãi suất cao hơn đối với các khoản vay mới mà nguồn tiền là từ các khoản vay đáo hạn hoặc vốn mà nhà đầu tư có nghĩa vụ phải cung cấp khi được yêu cầu.
Tuy nhiên, IMF đã chỉ ra một số rủi ro. Vốn tín dụng tư nhân thường cấp cho các vụ mua lại doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ, mà đối tượng mua lại trong các vụ thâu tóm này thường là những công ty có mức độ dễ tổn thương cao hơn trước sự giảm tốc kinh tế. Sự cạnh tranh dẫn tới các điều khoản cấp vốn nới lỏng hơn và “các nhà quản lý của các vụ cấp vốn tín dụng tư nhân cũng thường cấp vốn cho thương vụ của các nhà quản lý khác, dẫn tới sự tập trung của rủi ro”. Các nhà đầu tư cấp vốn cho các quỹ tín dụng tư nhân đồng thời cũng cấp vốn cho các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân và các tài sản thay thế khác, tạo ra một sự ràng buộc qua lại khiến căng thẳng bị khuếch đại trong lần khủng hoảng trước.
Vì vậy, ngay cả khi tín dụng tư nhân không bị rút cạn như đã xảy ra với các ngân hàng vào tháng trước, thì nó cũng có thể phải đối mặt với áp lực cắt giảm tương tự như các ngân hàng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tín dụng và suy thoái kinh tế. Theo PitchBook Data, huy động vốn của các quỹ tín dụng tư nhân đã giảm 42% vào năm ngoái kể từ năm 2021.
Chi nhánh Ngân hàng Thung lũng Silicon ở Menlo Park, California, một ngày sau khi ngân hàng sụp đổ. Ảnh: WSJ. |
Dữ liệu khó kiểm soát
Việc xác định phạm vi rủi ro xung quanh hoạt động ngân hàng bóng tối bị cản trở bởi vì thiếu tính minh bạch, đúng như tên gọi của nó. Tín dụng tư nhân ít minh bạch hơn so với cổ phiếu và trái phiếu, được đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), cũng như các khoản vay do ngân hàng cấp vốn chịu sự điều tiết của liên bang.
Lo lắng về những dữ liệu bị thiếu sót, năm ngoái SEC đề xuất việc cập nhật và mở rộng loại thông tin mà cơ quan này yêu cầu các quỹ tín dụng tư nhân phải báo cáo. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Janet Yellen đề xuất trao cho nhà chức trách liên bang thêm thẩm quyền giám sát đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có quy mô lớn và phức tạp.
Nhưng cơ quan quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề cơ bản: Lãi suất có khả năng duy trì ở mức cao để chống lại lạm phát dai dẳng, nhưng lãi suất cao sẽ khiến cho nền kinh tế suy yếu, qua đó làm tăng số vụ vỡ nợ. Hệ quả là sức ép sẽ tiếp tục đè nặng lên hệ thống tài chính, dù có thể không có thêm một ngân hàng nào nữa lâm vào cảnh đổ vỡ.
Có thể bạn quan tâm:
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới đã âm thầm đào Bitcoin trong nhiều năm
Nguồn WSJ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn