Hủy
Thế giới

Người trẻ Trung Quốc ngày càng né tránh hôn nhân

Thứ Tư | 19/02/2025 14:56

Định kiến truyền thống, áp lực kinh tế và thay đổi giá trị sống là những rào cản lớn. Ảnh: CNN.

 
 
Số người trẻ kết hôn tại Trung Quốc giảm kỷ lục, bất chấp nỗ lực thúc đẩy từ chính phủ.

Anh Eric Huang (32 tuổi) đã không về quê cùng gia đình ở Thượng Hải dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vì anh lo sợ những cuộc trò chuyện không mấy dễ chịu với cha mẹ. "Chúng tôi thường xuyên nói chuyện về chuyện kết hôn qua điện thoại. Nếu tôi về, cha mẹ sẽ nhắc đến chuyện con cái nữa", anh Huang, chia sẻ. Anh cho biết, đối với cha anh, việc Huang chưa lập gia đình là điều không ổn.

Câu chuyện của Huang phản ánh một xu hướng đáng chú ý tại Trung Quốc: ngày càng ít người trẻ kết hôn. Theo số liệu chính phủ công bố, số lượng đăng ký kết hôn mới trong năm 2024 đã giảm 20,5% xuống còn 6,1 triệu, mức thấp nhất kể từ năm 1978 và là mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Mặc dù một phần nguyên nhân là do số lượng đám cưới năm 2023 tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, xu hướng này cũng cho thấy sự né tránh hôn nhân của giới trẻ, ngay tại thời điểm Bắc Kinh đang nỗ lực khuyến khích sinh con nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng.

"Hầu hết người trẻ không còn mặn mà với hôn nhân. Điều này rất rõ ràng", ông Huang Wenzheng, Chuyên gia nhân khẩu học tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh, nhận định.

Việc suy giảm tỉ lệ kết hôn đặt ra thách thức dài hạn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng kéo dài. Ông Huang dự báo tỉ lệ kết hôn sẽ "chắc chắn tiếp tục giảm" trong năm nay và năm tới, dù tốc độ có thể chậm hơn. "Đây là một xu hướng dài hạn", ông nói.

Dân số Trung Quốc đã giảm ba năm liên tiếp sau nhiều thập kỷ bị hạn chế bởi chính sách một con. Hệ quả là số lượng người trẻ đến tuổi kết hôn ngày càng ít, kéo theo số ca sinh giảm. Dù vậy, tỉ lệ sinh trong năm 2024 đã nhích lên so với mức thấp kỷ lục của năm trước, một phần nhờ vào năm có con giáp may mắn và số lượng kết hôn tăng vào năm 2023.

Nhằm thúc đẩy hôn nhân và sinh con, chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp. Tháng 10 năm ngoái, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố loạt chính sách hỗ trợ như cải thiện chế độ nghỉ thai sản và mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Một số địa phương thậm chí đưa ra trợ cấp tiền mặt cho các cặp đôi mới cưới và các gia đình có con nhỏ.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng chú trọng phát triển "nền kinh tế bạc", tức các dịch vụ dành cho người cao tuổi. Mới đây, Trung Quốc thông báo kế hoạch triển khai mạng lưới tàu hỏa chuyên phục vụ du khách lớn tuổi trên toàn quốc.

Tuy nhiên, những chính sách này không đủ để thuyết phục thế hệ trẻ Trung Quốc bước vào hôn nhân, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp đại học, khi họ phải đối mặt với thị trường lao động cạnh tranh gay gắt và giá nhà ở cao ngất ngưởng.

Cô Zheng (28 tuổi), Giáo viên tiểu học tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Chiết Giang, cho biết hệ thống giáo dục cạnh tranh khắc nghiệt đã khiến cô mất hết hứng thú với việc có con. "Môi trường giáo dục hiện tại quá căng thẳng... Nếu có con, tôi có thể mang lại điều gì cho chúng ngoài những vất vả?"

Thậm chí, Zheng còn chặn hầu hết bạn bè đăng ảnh con cái lên WeChat. "Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi có một nhóm bạn độc thân cùng chí hướng để đi chơi", cô nói. Cô cũng cho rằng đàn ông trong thị trấn mình "không đủ tiêu chuẩn".

Trong khi đó, anh Wu (32 tuổi), Biên tập viên tại Bắc Kinh, không phản đối hôn nhân nhưng lại không muốn có con. Lý do không chỉ nằm ở chi phí nuôi con ở thủ đô quá cao mà còn vì sự bất mãn với xã hội. Wu cho biết thế hệ của anh, phần lớn là con một, thường đề cao cái tôi cá nhân hơn. Anh cũng cho rằng những giá trị gia đình đang "phai nhạt" trong thế hệ mình, dù phần lớn Trung Quốc vẫn khá "bảo thủ".

Dữ liệu dài hạn cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm về hôn nhân của các thế hệ. Năm 2000, chỉ 0,19% phụ nữ Trung Quốc trên 50 tuổi chưa từng kết hôn, nhưng con số này đã tăng lên 0,44% vào năm 2020. Trong cùng giai đoạn, tỉ lệ phụ nữ 25-29 tuổi chưa lập gia đình tăng vọt từ 8,7% lên 33,2%.

Theo ông Huang, chính sách một con đã góp phần định hình nhận thức rằng việc có con là không cần thiết. Ông nhận xét thế hệ trẻ Trung Quốc lớn lên trong môi trường được cha mẹ chăm sóc chu đáo, điều này khiến họ ít tìm thấy sự thỏa mãn trong hôn nhân.

Trong khi đó, số vụ ly hôn tại Trung Quốc đã tăng 1,1% trong năm ngoái, lên 2,6 triệu trường hợp. Ngày càng có nhiều "nam thừa, nữ thừa", cụm từ chỉ những người độc thân lâu năm, và những bài viết than phiền về tình trạng "ế" ngập tràn trên mạng xã hội dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Với anh Eric Huang, người đã đón Tết cùng bạn bè tại Thượng Hải, kỳ nghỉ này vẫn là khoảng thời gian đầy áp lực. Cha anh coi hôn nhân là nghĩa vụ giống như tất cả các gia đình truyền thống. "Tôi hiểu suy nghĩ của họ, nhưng tôi không muốn nghe. Tôi cũng không muốn thay đổi quan điểm của họ. Vì vậy, tôi chỉ có thể tránh né", anh nói.

Có thể bạn quan tâm:

Tiền mặt dần biến mất tại châu Á

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới