Hủy
Thế giới

Nhật Bản sửa hiến pháp cho phép quân đội tấn công phủ đầu ở nước ngoài

Thứ Sáu | 31/05/2013 08:56

 
 
Nhật Bản sẽ sửa hiến pháp giúp quân đội có thể tự do tấn công các mục tiêu của đối phương ở nước ngoài nếu xung đột nổ ra.

Theo Wall Street Journal, chính quyền Tokyo đang chuẩn bị xây dựng một khuôn khổ chính sách quốc phòng mới phù hợp với quan điểm cứng rắn của thủ tướng Shinzo Abe. Hôm qua 30/5, các nhà lập pháp đảng cầm quyền Nhật Bản cũng kêu gọi quốc hội xây dựng lại hiến pháp, trong đó cho phép quân đội Nhật Bản có thể tấn công các căn cứ chiến lược của kẻ thù ở nước ngoài vì mục đích tự vệ.

Với sửa đổi này, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể triển khai một cuộc tấn công phủ đầu vào mục tiêu quân sự của kẻ thù trong trường hợp Nhật Bản bị đe dọa tấn công, các quan chức đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP) cho biết.

Những bình luận của các nhà lập pháp LDP được cho là ám chỉ tới các cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên - quốc gia từng nhiều lần đe dọa dùng tên lửa tấn công các mục tiêu ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng căn cứ Mỹ trong khu vực.

Theo Wall Street Journal, việc áp dụng học thuyết tấn công phủ đầu đồng nghĩa sẽ có một sự thay đổi lớn trong trách nhiệm của SDF - lực lượng được giao trách nhiệm thực hiện các hoạt động mang tính chất "tự vệ" trong phạm vi lãnh thổ Nhạt Bản.

Trong khi đó, thủ tướng Abe - nổi tiếng với quan điểm đối ngoại cứng rắn - luôn nhấn mạnh sửa đổi hiến pháp là một trong những mục tiêu hàng đầu của ông kể từ khi tái đắc cử. Chính quyền của ông Abe cũng khẳng định việc thay đổi hiến pháp sẽ giúp dỡ bỏ những rào cản từ thời hậu thế chiến đối với hoạt động của quân đội Nhật Bản.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích quân sự thì cho rằng nếu sửa đổi hiến pháp theo hướng cho phép SDF có thể tấn công căn cứ quân sự ở nước ngoài, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, chẳng hạn như phải đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ khí tấn công, thay cho những vũ khí chỉ phục vụ mục đích phòng thủ như hiện tại.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng phải làm rõ ý nghĩa pháp lý của động thái như vậy cũng như phải giải thích rõ với cộng đồng quốc tế về mục đích thực sự khi thay đổi hiến pháp. Cuối cùng, Nhật Bản phải có được sự đồng thuận của các quốc gia láng giềng châu Á - những nước đang lo lắng về sự hồi sinh của quân đội Nhật Bản.

Nguồn WSJ/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới