Những nghịch lý trong nền kinh tế toàn cầu
Theo tính toán của các chuyên gia, GDP của thế giới năm 2013 ước đạt 74.100 tỷ USD. Với 1,1 tỷ dân, các nền kinh tế giàu nhất chiếm khoảng 49,2% GDP nói trên, với thu nhập tính trên đầu người nhảy qua mốc 41.000 USD trên cơ sở sức mua tương đương.
Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, thu nhập bình quân tính trên đầu người đối với 6 tỷ dân còn lại của hành tinh chỉ ở mức 7.400 USD. Trong khi bộ phận giàu có của thế giới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính, thì "mảng tối" trong bức tranh kinh tế thế giới vẫn đầy rẫy những vấn đề nan giải.
Hồi tháng 4/2009, trong một cuộc họp tại London, các nước thành viên nhóm 20 nền kinh tế mạnh của thế giới (G20) đã hứa hẹn với các nước dễ bị tổn thương về "món quà" 1.100 tỷ USD. Sau 4 năm, chỉ 5% con số này "đổ bộ" xuống những nền kinh tế nghèo nhất thế giới, trong khi cùng kỳ 18.000 tỷ USD được bơm vào các tổ chức tài chính thuộc các nước tiên tiến hơn.
Sau khi gói cứu trợ được phát cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland đến lượt Tây Ban Nha phải xin trợ giúp. Các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã quyết định vực dậy kinh tế Tây Ban Nha với 100 tỷ euro nhằm tái cơ cấu vốn ở khu vực ngân hàng nước này. Và nguồn tiến được lấy từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM).
Ước tính, hoạt động đầu cơ tài chính quốc tế đạt 3.500 tỷ USD/ngày, nhiều hơn 40 lần so với giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ tính trên quy mô toàn cầu. Sau khi "cơn bão" tài chính quốc tế bùng nổ năm 2008, giới đầu cơ đã rút tiền khỏi các tài sản có tính rủi ro cao và dốc túi vào các thị trường hàng hóa. Xu hướng này khiến giá lương thực tăng, làm cho việc tiếp cận với lương thực trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn đói.
Trong khi một số nước được các chủ nợ quốc tế "nhồi nhét" hàng núi tiền, thì 1 tỷ dân, từ người già đến trẻ em, đang đói ăn. Trong số 1 tỷ người này, có tới 180 triệu (gần bằng dân số Brazil) là trẻ em dưới 10 tuổi. Và đau lòng là có khoảng 11 triệu trẻ bị chết đói mỗi năm.
Trong khi giới đầu cơ vẫn có lợi nhuận trên các thị trường tài chính và làm tăng giá hàng hóa, nhiều người đã tử vong do thiếu nước uống và thiếu ăn kinh niên. Theo thống kê, cứ 3 giây lại có một người chết vì đói khi chỉ cần chưa đầy 0,5% GDP của thế giới là đã có thể đặt dấu chấm cho nạn đói và thiếu ăn.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Nếu đã có một Quỹ bình ổn tài chính, tại sao thế giới không kiến tạo một Quỹ hỗ trợ đối phó với nạn đói và suy dinh dưỡng? Trong khi thế giới có một cơ chế bình ổn để bảo vệ các ngân hàng, tại sao không ai nghĩ đến một "cơ chế đạo đức" nhằm chấm dứt đói nghèo và cảnh khổ cực trên thế giới?
Trong báo cáo mới công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, an ninh lương thực toàn cầu là đang là một mối lo lớn trong bối cảnh thế giới phải "còng lưng" sản xuất lương thực nuôi quả bóng dân số đang ngày một phình lên giữa lúc nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt. Ước tính, dân số toàn cầu sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2050 - một con số khiến các nhà hoạch định chính sách đau đầu khi phải tìm giải pháp nuôi sống số dân này trong bối cảnh mỗi năm có hàng triệu người chết vì suy dinh dưỡng.
Năm biện pháp đã được đưa ra để giải quyết vấn đề thiếu lương thực gồm: ngừng tăng diện tích đất nông nghiệp để bảo vệ hệ sinh thái; nỗ lực gia tăng sản lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, nước và năng lượng; khuyến khích thêm số người ăn chay; và giảm tình trạng lãng phí lương thực. Song, tất cả những bước này đều đỏi hỏi những thay đổi lâu dài trong hành vi của con người.
Nguồn Chinhphu.vn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư