Hủy
Thế giới

SCMP: Hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất vì thương chiến, nhưng virus corona khiến Việt Nam gặp khó vì thiếu nguồn linh kiện từ Trung Quốc

Vũ Hạo Chủ Nhật | 01/03/2020 08:42

Ảnh: SCMP

 
 
Nhìn thoáng qua tình hình của một nhà máy đóng gói hàng hóa có 10.000 nhân viên ở Hà Nội, ông Stuart Donegan biết “một cơn sóng lớn sắp ập đến”.

Ngoài cơ sở tại Hà Nội, công ty của ông Donegan, Sino Manufacturing, tuyển dụng 1.500 nhân viên tại một nhà máy ở Tp. Hồ Chí Minh, trong khi 3 nhà máy khác ở Trung Quốc và Indonesia sản xuất bao bì cho hàng điện tử - làm ăn với hai trong số năm thế giới các công ty điện tử lớn nhất.

Nhưng khi hoạt động sản xuất linh kiện ở Trung Quốc - nơi sản xuất nhiều linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp trên khắp thế giới - vẫn đang đóng cửa hoặc hoạt động với công suất không cao, nhiều nhà máy ở Việt Nam dự kiến sẽ hết linh kiện dự trữ trong vài tuần tới.

“Nếu các công ty như Flextronics và Apple không thể sản xuất sản phẩm, thì họ không cần đóng gói”, ông Donegan cho hay. “Số liệu tháng 2/2020 sẽ là một thảm họa. Chúng tôi muốn hoạt động trở lại vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng hiện tại vẫn chưa chắc chắn được điều gì. Chúng tôi không buộc phải sa thải nhân viên trong một khoảng thời gian, chúng tôi sẽ xem xét tình hình vào cuối tháng 3, nhưng tất cả phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc”.

Bên cạnh những quả thanh long và đu đủ bị hư nằm vất vưỡng dưới ánh mặt trời vì hoạt động giao thương với Trung Quốc tạm ngưng, các nhà máy may mặc không thể nhập khẩu vải từ Quảng Đông và các dây chuyền lắp ráp hàng điện tử rơi vào tình thế ngặt nghèo vì không thể tìm được nguồn cung ứng thay thế. Tình trạng của ông Donegan minh chứng cho một “đòn đánh” mà Việt Nam phải hứng chịu từ dịch virus corona – vốn đang làm chao đảo chuỗi cung ứng châu Á.

Và dù rằng nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, thì việc quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc đã đẩy đất nước hình chữ “S” vào thế ngặt nghèo trong ngắn hạn. Hiện Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng rất phức tạp và hiện các công ty nhận ra việc thoát khỏi Trung Quốc không hề dễ dàng chút nào.

Khoảng 30% linh kiện sử dụng trong sản xuất của Việt Nam đến từ Trung Quốc và khoảng 32% khách du lịch đến Việt Nam cũng từ Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Ở một diễn biến khác, các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG cũng đổ xô đầu tư sản xuất tại Việt Nam trong thập kỷ qua, với các cụm nhà máy sản xuất linh kiện nhỏ hơn cũng dần xuất hiện xung quanh các nhà máy của Samsung và LG. Ngoài lệnh cấm đối với các chuyến bay từ Trung Quốc, Việt Nam đã phải ban hành lệnh cấm đi lại đối với một số khu vực của Hàn Quốc, nơi số ca lây nhiễm virus đang tăng vọt.

Bà Trinh Nguyen, nhà kinh tế ở Hồng Kông, ước tính rằng 17% kinh tế Việt Nam có liên quan tới việc giao thương với Trung Quốc, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Những người trong ngành logistics cho biết các nhà máy của Samsung Electronics tại Việt Nam đang hoạt động ở mức 50-80% công suất (dựa trên số lượng hàng ra khỏi nhà máy) vì thiếu linh kiện đến từ nước ngoài và một số kỹ sư không thể trở lại làm việc. Samsung không bình luận về vấn đề này.

Samsung chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 10 năm tính đến 2018 và chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Điều này có nghĩa là nếu hoạt động sản xuất của Samsung gặp vấn đề thì có thể tác động nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam.

Cùng lúc đó, một nguồn tin cao cấp tại khu kinh doanh ở Hải Phòng cho biết một nhà máy của LG đã đóng cửa trong tuần trước vì không thể vận hành dây chuyền sản xuất.

Ông Julien Brun, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng CEL Consulting, nhận định: “Càng liên kết sâu vào chuỗi cung ứng thì tác động càng lớn. Các công ty nhỏ có thể có tác động quan trọng đối với phần còn lại của chuỗi cung ứng, nhưng vì sự thiếu hụt hàng hóa từ Trung Quốc, họ sẽ là người đầu tiên cảm nhận thấy tác động từ virus corona”.

Giám đốc chuỗi cung ứng của một công ty thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam nói rằng các công ty đa quốc gia lớn mà ông làm việc cùng, bao gồm Samsung, Nestle và Proctor & Gamble, đã cảnh báo rằng họ có thể hết nguồn cung vào giữa tháng 3/2020, vì không thể lấy nguồn từ Trung Quốc.

 “Chúng tôi hiện đang tận dụng cơ hội từ virus corona vì mọi người lo ngại về chuyện đi siêu thị”, vị giám đốc thương mại điện tử cho biết. Ông cho biết nền tảng thương mại điện tử của ông đã hết sạch các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như khẩu trang và nước rửa tay từ vài tuần trước. “Nhưng tình trạng có thể không kéo dài. Các nền tảng thương mại điện tử nhỏ sẽ bị tác động đầu tiên, nhưng chúng tôi sẽ là người tiếp theo”.

Ngay cả khi nhà máy tại Trung Quốc hoạt động trở lại, thì nhiều công ty sẽ bị hụt mất 1 tháng hoạt động, Stanley Szeto, Chủ tịch điều hành tại công ty may mặc Lever Style, cho hay.

 “Trong ngành kinh doanh hàng may mặc, nguyên liệu thô thường nhập nguồn từ Trung Quốc”, ông Szeto, thường làm việc với các đối tác sản xuất tại Việt Nam, cho biết. “Vì vậy, nếu các nhà máy sản xuất vải và nhà sản xuất phụ kiện không thể quay lại và sản xuất, thì những người lao động Việt Nam và Bangladesh sẽ chẳng có nguyên vật liệu để làm việc. Ngay cả khi Trung Quốc trở lại và hoạt động, hoạt động sản xuất tại Đông Nam Á sẽ bị độ trễ ít nhất một tháng”.

Các công ty phương Tây cũng nhận thấy mình bị cuốn vào tác động của virus ở Việt Nam. Sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, một loạt các cuộc đình công của công nhân viên làm chao đảo các nhà máy ở Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh, trong đó những người lao động địa phương biểu tình rằng công nhân từ Trung Quốc trở về không nên được phép vào ký túc xá của nhân viên.

“Chúng tôi đã một khoảng thời gian chết từ đó, nhưng sau khi các công nhân đó được cách ly, chúng tôi đã có thể trở lại hoạt động”, một giám đốc phụ trách tìm nguồn cung ứng cho một công ty đa quốc gia của Mỹ cho biết. Ông nói thêm rằng việc đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc đã khiến công ty của ông dễ bị thiếu hụt hàng tồn kho.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) thực hiện tại Tp. Hồ Chí Minh tuần trước cho thấy 70% thành viên sản xuất đang hoạt động ở mức 70% trở lên và 17% hoạt động ở mức từ 50-70% và 13% hoạt động dưới 1/2 công suất bình thường.

Nguồn SCMP


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới