Sự im lặng kéo dài của điện Kremlin trước những cáo buộc từ phía Nhà Trắng càng tạo cơ hội cho nhận định của chuyên gia Mỹ có thêm sức nặng.
Hôm nay 26/7, hơn một tuần sau vụ tai nạn máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines, diễn ra vào ngày 17/7 khi đang trên hành trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur với 298 hành khách và phi hành đoàn có mặt trên máy bay. Trong bối cảnh những thông tin chính thức về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn vẫn chưa được công bố thì đã có đến bốn nguồn tin chính đưa ra những giải thích khác nhau và thường xuyên mâu thuẫn về thảm kịch này. Đó chính là cuộc chiến bằng chứng giữa 4 bên tham gia bao gồm: Mỹ, chính quyền Kiev, phiến quân ly khai thân Nga và Nga.
Ngay sau khi thảm kịch xảy ra, Mỹ là bên có hành động nhanh chóng hơn cả. Trong buổi tối cùng ngày 17/7, các chuyên gia (giấu tên) đã cung cấp thông tin cho biết, một tên lửa đất đối không chính nguyên nhân trực tiếp làm rơi máy bay MH17. Một ngày sau đó (18/7), Tổng thống Barack Obama khẳng định chiếc tên lửa đã được bắn đi từ khu vực do phiến quân ly khai Ukraine kiểm soát và đặc biệt "với sự hỗ trợ của Nga". Ít giờ trước đó, bà Samantha Power - đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc cũng đưa ra giải thích: "Phe ly khai đã được xác định" là thủ phạm khi vào buổi sáng cùng ngày diễn ra vụ tai nạn máy bay, lực lượng này đang sở hữu tên lửa Buk (hay còn gọi là SA-11) - loại tên lửa có khả năng bắn hạ một máy bay ở độ cao 10.000 mét, đồng thời đây cũng là độ cao phù hợp với vị trí của máy bay MH17. "Lực lượng ly khai không thể sử dụng (tên lửa Buk) một cách hiệu quả mà không có nhân sự có trình độ", bà đại sứ đề cập đến sự giúp đỡ về "nhân sự của Nga" cho lực lượng này.
Vào ngày 20/7, Ngoại trưởng Mỹ - ông John Kerry đã tuyên bố những "bằng chứng" được Mỹ thu thập "chỉ ra rất rõ ràng quân ly khai" chính là thủ phạm và cũng "khá rõ ràng rằng (...) chiếc tên lửa đó đã đến từ Nga". Theo Ngoại trưởng Mỹ, trong những ngày trước khi thảm kịch xảy ra, 150 xe quân sự chở hệ thống tên lửa Buk (hay SA-11) đã vượt qua biên giới của Nga và tiến về phía Ukraine. Ông đảm bảo rằng các tên lửa Buk trên một lần nữa đã được phát hiện đã quay trở lại Nga vào ngày 18/7, tức một ngày ngay sau vụ tai nạn. John Kerry cũng nhắc lại việc Igor Strelkov, Bộ trưởng Quốc phòng của lực lượng ly khai đã ca ngợi trên Twitter về việc lực lượng này đã bắn hạ một máy bay vận tải. Nhưng Washington không tiết lộ bất kỳ bằng chứng nào. Cho đến ngày 23/7, các nhân viên tình báo cấp cao mới thừa nhận rằng không thể nói ai đã "nhấn nút" và cũng không thể khẳng định liệu có sự tham gia của người Nga trong giàn bắn tên lửa đó hay không.
Chính quyền Kiev đã ngay lập tức cáo buộc phe ly khai bắn tên lửa. Ngay sau buổi tối ngày 17/7, Kiev đã nhận không giàn tên lửa Buk nào ở phía đông Ukraine và cho rằng đó là những gì sẽ được Washington xác nhận. Ngày 17/7, cơ quan mật vụ Ukraine (SBU) đã công bố một số cuộc đàm thoại bằng điện thoại mà họ ghi lại được. Một trong số đó là cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông sau khi vừa kiểm tra hiện trường. "Rồi sao?" Một người hỏi (nghi ngờ là nhân viên trong Cục Tình báo Quân sự Nga (GRU). "Đây là một máy bay dân sự 100%", người phía bên kia trả lời (tình nghi thuộc lực lượng phiến quân ly khai). Thông tin tình báo này đã được Mỹ chứng thực.
Ukraine cũng công bố một video vào ngày 19/7 ghi hình một hệ thống tên lửa Buk (SA-11) đang rời Ukraine với đến Nga cùng với một trong những tên lửa mất tích vào ngày 18/7 (một ngày sau vụ tai nạn). Kiev nhắc lại rằng, trước ngày 17/7 quân ly khai đã bắn hạ hai máy bay quân sự của Ukraina là Antonov và Sukhoi SU-25. Ngày 23/7, Kiev công bố hai chiếc SU-25 đã bị bắn rơi.
Phiến quân ly khai đã nhanh chóng bác bỏ tất cả các cáo buộc của Kiev. Tuy nhiên, họ cũng đang đấu tranh để thuyết phục ngược lại bằng những lý luận đôi khi lại trái ngược nhau. Ngày 18/7, các nhà lãnh đạo của nước Cộng hòa Nhân dân Donestsk (DNR) tự xưng đảm bảo rằng họ không sở hữu những vũ khí có khả năng bắn mục tiêu ở độ cao lên tới 10.000 mét như MH17. Nhưng đúng một ngày sau đó, Phó Thủ tướng DNR Andrei Pourguine lại nói rằng cho "vì những lý do chưa được làm rõ, chiếc Boeing (MH17) đã chuyển từ độ cao dự kiến và xuống 6500 mét". Cho tới nay, tuyên bố này vẫn chưa bao giờ được bên nào xác nhận hay nhắc lại.
Phe ly khai cũng ra lời cáo buộc ngược lại đối với chính phủ Ukraine cho rằng, máy bay chiến đấu của Kiev đã bắn Boeing 777 của Malaysia Airlines. "Máy bay của họ bay qua khu vực này mỗi ngày và tấn công chúng tôi". Một người đứng đầu khác của lực lượng phiến quân chỉ ra rằng Kiev đang sở hữu nhiều giàn tên lửa Buk trong khu vực.
Điều kỳ lạ là Nga vẫn đang nối thêm chuỗi ngày dài im lặng. Chỉ có một phát biểu đáng chú ý duy nhất khi vào ngày 22/7, Trung tướng Andrei Kartapolov, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga đã đưa ra các hình ảnh chụp từ trên không cho thất những nghi ngờ về trách nhiệm của Kiev trong thảm kịch MH17. Moscow ra tuyên bố: "Máy bay Malaysia đã đổi hướng và rẽ trái khỏi hành lang bay đến 14 km". Quan chức Nga đặt ra câu hỏi: "Tại sao chiếc máy bay lại rời khỏi hành lang của mình, đó là lỗi của phi công hay do hướng dẫn không lưu từ Ukraine?"
Quân đội Nga khẳng định Kiev cũng sở hữu 2 hoặc 3 tên lửa cùng loại trong khu vực. Nhưng trên hết, phía Nga cho biết họ đã nhìn thấy "một máy bay SU-25 của Ukraine bay theo hướng chiếc Boeing của Malaysia, lúc đó hai chiếc máy bay ở khoảng cách từ 3 đến 5 km". Cùng với đó, Nga cũng lưu ý rằng loại máy bay này "có khả năng mang tên lửa không đối không có thể tấn công mục tiêu trong khỏng cách lên đến 12 km".
Quân đội Nga chắc chắn sẽ không thể tuyên bố rằng SU-25 đã bắn MH17 vì trên thực tế, Moscow nhận thức được rằng các cuộc kiểm tra đầu tiên cho thấy mảnh vỡ và lỗ thủng do đạn để lại trên chiếc máy bay Boeing gặp nạn đã tiết lộ dấu vết của một tên lửa tự đẩy hạng nặng như SA-11. Nga phủ nhận đã "cung cấp hệ thống tên lửa Buk và các thiết bị quân sự khác cho lực lượng ly khai".
Nga vẫn đang hứa hẹn sẽ đưa ra những bằng chứng cho những lập luận của họ, đồng thời cáo buộc Washington đã không công bố được bất kỳ chứng cứ nào cụ thể. Đối với các chuyên gia của Mỹ, trách nhiệm của bên đã giết 298 người trên chuyến bay MH17 thuộc về lực lượng ly khai do "bắn nhầm" nhưng cùng với tội ác của phiến quân, nước Nga cũng không thể đứng vững.
Nguồn GAFIN/DVO