Thặng dư thương mại hơn 1 nghìn tỉ USD nhưng Trung Quốc không thể "cứu" nhân dân tệ
Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.
Theo Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu, Macquarie Group, thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ cán mốc 1 nghìn tỉ USD trong năm nay, tuy nhiên con số đó không đủ để ngăn đồng nhân dân tệ trượt giá so với USD.
Không chỉ vậy, thặng dư thương mại mà nước này dự kiến đạt được trong năm 2022 còn là mức cao nhất mà một quốc gia trên thế giới từng có được trong lịch sử. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Macquarie, ông Larry Hu, nói rằng các nhà xuất khẩu của nước này không muốn chuyển đổi ngoại hối sang đồng nhân dân tệ, do niềm tin kinh doanh đã bị sụt giảm mạnh trong năm nay.
Ông Hu ước tính rằng tỷ lệ chuyển đổi ngoại tệ sang nhân dân tệ, tức phần trăm giá trị của thặng dư thương mại Trung Quốc được chuyển sang đồng nội tệ, đã giảm còn 36% trong 8 tháng đầu năm nay, so với mức 57% cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ này tương đối cao ở mức 50% trong quý I năm nay, nhưng đã giảm mạnh sau các đợt giãn cách kéo dài ở Thượng Hải.
Ông Hu cho biết bất chấp thặng dư thương mại cao kỷ lục, nhân dân tệ đang chịu áp lực trước USD vì USD tăng mạnh và niềm tin kinh doanh dành cho Trung Quốc ngày càng yếu đi. Các chiến lược gia tiền tệ của Macquarie dự đoán vào cuối năm nay, 7,15 nhân dân tệ sẽ đổi được 1 USD.
Ông Hu nói rằng tỷ lệ chuyển đổi từ ngoại tệ trong thặng dư thương mại của Trung Quốc sang nhân dân tệ có thể chính là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với nhân dân tệ. Nếu tỷ lệ này không giảm mạnh đến vậy trong quý II, thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc trong năm nay đã có thể bù đắp cho dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài, chẳng hạn như thị trường trái phiếu.
Do đó, Trung Quốc có thể cần nới lỏng chính sách nhiều hơn để ổn định đồng nhân dân tệ, ông Hu lập luận - trái với kỳ vọng thông thường rằng việc nới lỏng nhiều hơn có thể làm suy yếu đồng tiền này.
“Nếu sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ dẫn đến niềm tin cao hơn, thì các nhà xuất khẩu sẽ đổi nhiều USD sang nhân dân tệ hơn.”, ông Hu nói.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã liên tục tăng kể từ đại dịch COVID. Sự gia tăng này có được một phần nhờ chính sách chống dịch hà khắc Zero-COVID. Chính sách này giúp bảo toàn năng lực cung ứng xuất khẩu của Trung Quốc, đồng thời kìm hãm nhu cầu tại thị trường nội địa và nhập khẩu.
Tiêu dùng ở Trung Quốc cũng suy yếu do cuộc khủng hoảng bất động sản và việc Chính phủ nước này không muốn ồ ạt bơm thanh khoản vào nền kinh tế, mà thay vào đó hỗ trợ có mục tiêu, kết hợp với các chính sách theo ngành và chi tiêu tài khoá có trọng điểm để kích thích tăng trưởng.
Dù vậy, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể suy yếu khi lạm phát leo thang và khủng hoảng năng lượng làm nhu cầu toàn cầu tăng chậm lại. Tháng 8 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ tháng 4 - thời điểm phong toả ở Thượng Hải gây gián đoạn hoạt động vận tải.
Có thể bạn quan tâm:
Tỉ phú Mark Zuckerberg không còn nằm trong Top 10 người giàu nhất nước Mỹ
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư