Thành Đô: Chốn an cư mới của giới trẻ Trung Quốc

Thành Đô hiện là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc. Ảnh: NYTimes.
Từ lâu về trước, thành phố nội địa Thành Đô ở Tây Nam Trung Quốc thường bị châm biếm bởi nhịp sống chậm rãi, thong dong. Thành phố từng bị xem là thiên đường của những người lười biếng, thiếu tinh thần làm việc hừng hực và cường độ cao như tại các trung tâm kinh tế ven biển giàu có như Thượng Hải, Quảng Châu hay Thâm Quyến.
Suốt nhiều thập kỷ, giới trẻ chăm chỉ đã rời Thành Đô và các đô thị không giáp biển khác để tìm kiếm cơ hội tại những thành phố ven biển, khu vực có dòng tiền đổ về ào ạt khi Trung Quốc mở cửa và đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới.
Thế nhưng, ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, một làn sóng mới đã manh nha xuất hiện. Nhiều người trẻ bắt đầu quay lưng với văn hóa làm việc khốc liệt ở các đại đô thị. Họ tìm đến cuộc sống nhẹ nhàng hơn ở Thành Đô, nơi được mệnh danh là “thành phố hạnh phúc nhất Trung Quốc”.
Thành Đô hiện là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước. Dân số tại đây đã tăng 30% trong vòng 5 năm qua, đạt 21,5 triệu người. Thị trường bất động sản cũng bùng nổ, trở thành điểm sáng hiếm hoi giữa cơn khủng hoảng của thị trường nhà đất Trung Quốc. Sức hút của Thành Đô, thành phố cổ với hơn 2.300 năm lịch sử, phần nào phản ánh sự vỡ mộng ngày càng lớn trong giới trẻ Trung Quốc trước một nền kinh tế không còn nhiều cơ hội như thời cha mẹ họ.
![]() |
Khi xuất khẩu tăng mạnh khiến Mỹ áp thuế, nền kinh tế nội địa Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, một xu hướng thể hiện rõ qua các dữ liệu chính thức gần đây.
Ở các thành phố lớn, mức lương cao và cơ hội nghề nghiệp dần không còn tương xứng với những ngày làm việc kéo dài và căng thẳng. Không chỉ Thành Đô, nhiều thành phố nội địa khác như Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, cũng ghi nhận dân số tăng mạnh trong bốn năm qua.
Dù mức lương tại Thành Đô nhìn chung thấp hơn và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hạn chế hơn so với các đô thị lớn, nhưng đổi lại là một cuộc sống ít áp lực hơn. “Thành Đô thân thiện với người trẻ trên mọi khía cạnh”, Giáo sư Wang Di, Đại học Macau, chuyên nghiên cứu về Thành Đô, nhận định. Vị Giáo sư ví thành phố này như Austin (bang Texas, Mỹ), nơi nổi bật với văn hóa nghệ thuật và tinh thần phản kháng xã hội.
Dù chính quyền Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm soát, vẫn là mảnh đất sôi động với cộng đồng LGBTQ, dòng nhạc hip-hop phát triển và nhiều quán trà truyền thống đặc sắc.
Không chỉ vậy, Thành Đô còn nổi tiếng với loài gấu trúc. Thành phố là “thủ phủ” của gấu trúc khổng lồ quý hiếm, với hàng trăm cá thể sinh sống. Khu nghiên cứu nhân giống gấu trúc đã thu hút hơn 12,2 triệu lượt khách trong năm ngoái, theo truyền thông nhà nước.
Cùng với làn sóng người nhập cư và hồi hương, giá nhà tại Thành Đô đã tăng nhanh hơn bất kỳ thành phố lớn nào ở Trung Quốc. Từ năm 2021, giá nhà trung bình theo mét vuông tăng 16,8%, trong khi mức tăng trung bình của 10 thành phố lớn là 5,4%, theo Học viện Chỉ số Trung Quốc.
![]() |
Dân số ở Thành Đô đã tăng 30% trong vòng 5 năm qua, đạt 21,5 triệu người. Ảnh: NYTimes. |
Anh Hu Sheng (36 tuổi), chuyển từ một thành phố nhỏ gần đó đến Thành Đô để làm việc trong ngành xây dựng và sửa chữa, cho biết đang tìm mua một căn hộ ba phòng ngủ. “Những bất động sản đẹp thường bị “hốt” rất nhanh. Ai cũng tranh nhau giành mua”, anh cho biết.
Là thành phố lớn ở cực Tây Trung Quốc, Thành Đô từ lâu đã giữ vai trò chiến lược trong an ninh quốc gia Trung Quốc. Từ những năm 1960, chính phủ đã đầu tư mạnh để đưa ngành sản xuất quốc phòng và vận tải vào khu vực này, nhằm bảo vệ các ngành trọng yếu trước nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài.
Chủ tịch Tập Cận Bình hiện đã cam kết phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn và giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng chiến lược này có thể thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển dần về các thành phố nội địa như Thành Đô.
Hiện tại, khoảng 70% nền kinh tế Thành Đô đến từ ngành dịch vụ, bao gồm du lịch và hệ thống nhà hàng lẩu cay nổi tiếng. Thành phố này ít phụ thuộc vào sản xuất nên ít bị tác động bởi cuộc chiến thuế quan với Mỹ.
Ngoài ra, Thành Đô còn có ngành giải trí phát triển. Bộ phim hoạt hình “Na Tra 2”, phim ăn khách nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc, được sản xuất tại một studio ở đây. Thành phố cũng đang nổi lên như trung tâm phát triển game nhờ sự bùng nổ của ngành thể thao điện tử.
Theo bà Huang Xue, Giám đốc chi nhánh Thành Đô của Học viện Chỉ số Trung Quốc, giá nhà Thành Đô vẫn hợp lý so với thu nhập người dân, nếu so với các đô thị lớn khác. “Trong bối cảnh bất ổn kinh tế, nhiều người tìm đến Thành Đô vì nghĩ rằng nên tận hưởng cuộc sống khi còn có thể”, bà nói.
Ba năm trước, chị Emma Ma (30 tuổi) rời Bắc Kinh để chuyển đến Thành Đô. Tại đây, chị cùng bạn trai đã mở một studio sản xuất video âm nhạc. Họ thuê một căn hộ hai phòng ngủ với giá khoảng 400 USD/tháng, chỉ bằng giá thuê một phòng trong căn hộ ghép ở Bắc Kinh. Cặp đôi còn thuê người giúp việc để nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa.
Giáo sư Wang cho rằng, định kiến về lối sống chậm rãi đã thay đổi sau đại dịch COVID-19, khi các thành phố như Thượng Hải bị phong tỏa nhiều tháng liền. Cuộc sống ổn định thường ngày ở Thành Đô, từng bị xem là nhàm chán, nay lại trở thành điểm cộng.
Anh Treasure Wu từng rời Thành Đô năm 2018 để làm lập trình viên tại Thượng Hải, nhưng anh cho biết không hề thích cuộc sống ở đó. Chi phí thuê nhà cao, rào cản ngôn ngữ địa phương và sự nhàm chán của các điểm du lịch khiến anh mất hứng thú. Hai năm sau, anh quay lại Thành Đô theo diện luân chuyển nội bộ của công ty.
Năm 2022, anh Ngô mua một căn hộ tại Thành Đô với giá khoảng 300.000 USD. “Một căn tương tự ở Thượng Hải sẽ đắt gấp ba lần”, anh nói. “Mức lương ở đây đủ để tôi mua mọi thứ mình cần. Tôi hài lòng với cuộc sống ở Thành Đô”.
Có thể bạn quan tâm:
Tiền mặt không thể cứu được tỉ lệ sinh giảm ở Trung Quốc
Nguồn NYTimes
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
