Tín hiệu bất ổn từ nhu cầu mua sắm giảm sút ở Mỹ và châu Âu
Công nhân làm ô dù trong một nhà máy ở thành phố Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Yuan He.
Doanh số bán máy pha cà phê tại châu Âu của công ty Hibrew, có trụ sở tại Quảng Đông, đã giảm dần sau khi bức tốc vào năm ngoái, lúc nhu cầu mua hàng tiêu dùng Trung Quốc bùng nổ trên toàn cầu.
Theo Tổng giám đốc Zeng Qiuping, doanh số bán hàng đã giảm 30% đến 40% trong năm nay, trái ngược hẳn với mức tăng trưởng 70% năm ngoái. Ông Zeng cho biết chi phí sinh hoạt tăng ở Mỹ và châu Âu cùng với việc các nhà nhập khẩu chờ khả năng Mỹ-Trung hạ thuế quan đối với hàng hoá của nhau, đã dẫn tới sự sụt giảm này
Ngoài ra, theo các nhà phân tích, chi phí vận tải đang bắt đầu giảm, sau khi tăng lên mức kỷ lục trong thời kỳ đại dịch, báo hiệu nhu cầu đối với các dịch vụ hậu cần bắt đầu nguội bớt. Điều này là tin tốt cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng đồng thời cũng báo hiệu một thứ khác.
Trong khi các nhà giao dịch trước đây phải đương đầu với những biến động và tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, thì giờ đây họ phải vật lộn với nhu cầu giảm, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. Các nhà phân tích cảnh báo rằng những động lực này phản ánh khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.
Ông Shabsie Levy, người sáng lập Shifl, một nền tảng chuỗi cung ứng kỹ thuật số, cho biết trên thực tế, giá cước vận tải biển giao ngay giữa Trung Quốc và bờ biển phía đông và phía tây của Mỹ đã giảm.
Ông cho rằng sự sụt giảm là do nhu cầu của người tiêu dùng ở Mỹ giảm và nhiều nhà bán lẻ ở Mỹ đang trong tình trạng thừa hàng tồn kho. Ông nói thêm, giá cước vận tải biển có mối liên hệ mật thiết với ngành bán lẻ, vì vận tải biển là phương thức chiếm hơn một nửa số hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Levy cho biết: “Nhu cầu bán lẻ giảm đã kéo giá cước vận tải biển giao ngay giảm và còn tiếp tục trong tương lai. Tôi sẽ không gọi sự giảm nhu cầu này là một cuộc suy thoái, nhưng mọi thứ đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Một số khách hàng của chúng tôi bị giảm doanh số, đặc biệt là với các mặt hàng có giá trị cao và các mặt hàng ít thiết yếu hơn”.
Trong thời gian đại dịch, chi phí vận chuyển đã tăng cao do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Chi phí hậu cần cao hơn đã chạm đến người tiêu dùng, làm lạm phát càng sâu sắc.
Nhưng hiện tại, các đơn đặt hàng nhập khẩu mới từ Mỹ đã chậm lại và các doanh nghiệp như Samsung US – nhà nhập khẩu lớn thứ 7 ở Mỹ - đã giảm một nửa đơn hàng mua dự trữ cho tháng 7, theo Shifl. Nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ là hãng bán lẻ Target cũng công bố ý định cắt giảm đơn hàng mua dự trữ vì lượng hàng tồn kho đang ngày càng lớn.
Ngay cả sau khi lệnh cấm vận của Thượng Hải được dỡ bỏ, các chủ doanh nghiệp vẫn nhận được phản ứng thờ ơ từ các nhà nhập khẩu, ông Levy nói.
Dư hàng tồn kho
Chỉ số World Container Index của Drewy đo giá cước vận tải container kích thước 40 foot trên các tuyến chính đã giảm 30% trong thời gian từ tháng 9 đến nay. Cước vận tải container trên các tuyến lớn như từ Thượng Hải tới New York hay từ Thượng Hải tới Rotterdam đã giảm tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hệ thống phân phối của Mỹ đang bị nhồi nhét. Hàng tồn kho của doanh nghiệp trong tháng 4 đã tăng gần 18% so với một năm trước” ông Marc Levinson, một nhà kinh tế độc lập, cho biết.
“Nguyên nhân do hàng tồn kho dư thừa? Nói một cách đơn giản, người tiêu dùng đã ngừng chi tiêu. Khi thói quen mua sắm trở lại mức như trước đại dịch, lạm phát làm giảm sức mua và nhu cầu đối với hàng hoá tiêu dùng cũng chững lại”.
Ông Levinson cho biết xu hướng này có thể nhìn thấy ở châu Âu, Bắc Mỹ và một phần châu Á.
Tác động đến chi tiêu
Các nhà kinh tế đang nhìn thấy những khó khăn trong nhu cầu và chi tiêu.
Khi chi phí của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và điện nước tăng, người tiêu dùng Mỹ sẽ không dư dả nhiều để chi cho các mặt hàng tùy ý, ông Nathan Sheets, nhà kinh tế toàn cầu tại Citi cho biết.
“Cảm nhận của tôi là người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn, đang bắt đầu hạn chế chi tiêu. Chúng tôi nhận thấy điều này ở những mặt hàng và dịch vụ không phải là thiết yếu”, ông Sheets nói.
Giám đốc Dịch vụ Kinh tế Toàn cầu của Capital Economics, bà Jennifer McKeown, cho biết có những dấu hiệu cho thấy chi tiêu hàng hóa hiện đang "đi ngang" trên các nền kinh tế tiên tiến khác nhau.
Giám đốc chiến lược đầu tư Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management đã đồng tình với nhận định của bà McKeown. Ông Ma cho biết, nhu cầu về hàng hóa với ba thách thức lớn gồm sự dịch chuyển của người tiêu dùng về phía dịch vụ, lạm phát bào mòn sức mua, và mối lo suy thoái kinh tế.
Có thể bạn quan tâm:
Ấn Độ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới
Nguồn CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư