Tổng thống Trump muốn doanh nghiệp Mỹ “hồi hương” nhưng nào có dễ dàng
Nguồn ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump và Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đang nỗ lực để đưa dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trở lại nước Mỹ. Ông Navaro gần đây cho biết, chính quyền Mỹ đang thực hiện giai đoạn IV của gói kích thích kinh tế có giá trị tới 2.000 tỉ USD nhằm kích thích nền kinh tế khôi phục và hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ quay trở lại sản xuất trên đất Mỹ.
Theo các báo cáo nhận được, chính quyền vẫn đang cố gắng để gói kích thích kinh tế được quốc Hội phê chuẩn trước phiên ngừng họp vào tháng 8 tới đây.
Rõ ràng, việc đem các dây chuyền sản xuất trở lại nước Mỹ có những lợi điểm không phủ nhận cho nền kinh tế Mỹ. Như ông Navarro nhận định: “Nó không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn tạo ra nguồn thu nhập tốt cho người lao động Mỹ. Không những vậy, nó còn đảm bảo nguồn cung ứng nhu yếu phẩm, thuốc men và các thiết bị, vật dụng liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.”
Tuy nhiên, quá trình trên sẽ gặp hàng loạt khó khăn, có thể kể ra như: Chi phí tốn kém, đòi hỏi sự chuyển đổi các nguồn vốn. Quan trọng nhất là nó sẽ làm cho giá cả các mặt hàng tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.
Mặt khác, điều này cũng dẫn đến hệ quả là làm các đối tác Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh.
“Hồi hương” nào có dễ dàng
Sản xuất dây chuyền đã trở nên rất phức tạp, các nhà cung ứng hiện đã trở nên chuyên biệt hoá nhằm mục đích giữ vững công nghệ tối tân và để sản xuất số lượng tối đa với chi phí tối thiểu. Các công ty có thể có những nhà cung ứng phụ thuộc vào những nhà cung ứng khác. Ngược lại, các nhà cung ứng này lại phụ thuộc vào các công ty khác... Thật không dễ dàng gì để hiểu tường tận mối quan hệ phức tạp chằng chéo này trong chuỗi cung ứng.
Ông Geoff Martha, Giám đốc điều hành Medtronic giải thích sự phức tạp này trong một bài viết được đăng tải trên tờ The Irish Times: “Lấy ví dụ về máy thông khí chúng tôi sản xuất tại Galway. Nó bao gồm tổng cộng khoảng 1.600 chi tiết được cung cấp từ các nhà cung ứng của 14 quốc gia khác nhau. Một khi muốn chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ, thì câu hỏi đặt ra là nhà cung ứng ở Châu Âu sẽ tính như thế nào, rồi Ireland sẽ làm gì... Và hệ quả là một thách thức cho cả một hệ thống kinh tế toàn cầu.”
Sau khi mua lại công ty Covidien của Ireland vào năm 2015, Công ty Medtronic đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Mỹ đến Ireland nhằm mục đích giảm thuế. Hiện tại, công ty Mỹ này sẽ phải tính đến một phương án ứng phó nếu bắt buộc phải chuyển nhà máy quay trở lại Mỹ.
Về lại Mỹ đồng nghĩa với chi phí tăng vọt
Việc gia công bên ngoài sẽ giúp các công ty vận hành sản xuất với hiệu quả cao hơn. Các nhà máy có thể hoạt động liên tục và dễ dàng đáp ứng khi có nhu cầu tăng vọt. Các công ty có khả năng đáp ứng nhu cầu đột biến sẽ lôi kéo được nhiều khách hàng hơn giúp tối ưu hoá sản xuất và giảm thiểu chi phí hoạt động.
Nếu loại bỏ mô hình này thì các công ty buộc phải xây dựng các nhà máy lớn tốn kém và thiếu hiệu quả.
Chính phủ và các nhà nhà xuất cũng cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Theo báo cáo từ The Wall Street Journal, “Giai đoạn đầu thiên niên kỷ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc chỉ khoảng 10 tỉ USD, nhưng đến năm 2018 đã tăng vọt lên tới 300 tỉ USD, đứng thứ 2 sau Mỹ.” Báo cáo phân tích rằng, chia cắt với Trung Quốc đồng nghĩa với Mỹ sẽ phải tăng thêm chi phí cho nghiên cứu khoa học cơ bản.
Rào cản Trung Quốc
Trung Quốc hẳn sẽ không để các nhà sản xuất ra đi một cách dễ dàng.
Công nhân Trung Quốc trong một nhà máy ở Thượng Hải. Nguồn ảnh: Reuters |
Bà Rosemary Coates, Giám đốc điều hành Viện Reshoring đã viết trong “Luật cung ứng toàn cầu” rằng: “Các công ty đều đã và đang kí các hợp đồng với người lao động ít nhất 1 hoặc 2 năm và họ bắt buộc phải bồi thường nếu rời đi.”
Ngoài ra, Trung Quốc cũng không cho phép các công ty chuyển các phương tiện sản xuất qua nước khác.
Nhưng điều quan trọng nhất, các công ty sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc. “Bạn đã hướng dẫn cho các nhà cung cấp Trung Quốc cách để sản xuất ra sản phẩm của bạn, và chắc chắn họ sẽ không tiếp tục làm ăn với bạn nếu bạn quyết định ngừng làm đối tác với họ.” Đó là lí do mà bà Coates luôn khuyến khích các công ty không sản xuất các mặt hàng mới nhất của họ tại Trung Quốc.
Rõ ràng, việc chuyển các công ty về Mỹ sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Ai sẽ là người chi trả cho khoản này?
Thứ nhất, chính phủ Mỹ sẽ trợ cấp cho các công ty bằng tiền thuế của người dân - người tiêu dùng Mỹ.
Thứ hai, các công ty Mỹ sẽ phải chịu khoản chi phí và chấp nhận giảm thiểu lợi nhuận.
Thứ ba, các công ty sẽ đẩy chi phí về phía người tiêu dùng bằng cách tăng giá các sản phẩm.
Dù bằng cách nào đi chăng nữa, điều này sẽ là những sự lựa chọn đầy khó khăn cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ.
Có thể bạn quan tâm:
► Nông dân Mỹ “khóc ròng” vì ông Trump liên tục “gây chiến” với Trung Quốc
► Trung Quốc phải chuẩn bị cho những rủi ro khi bị cô lập khỏi hệ thống thanh toán bằng USD
Nguồn Market Watch
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn