Trái phiếu châu Á - Quả bom nổ chậm?
Trước bối cảnh thị trường tín dụng châu Á đang trở nên mong manh hơn, các nhà đầu tư trái phiếu lo ngại rằng một đợt bán tháo hồi cuối tháng 5 vừa qua có thể là ngòi nổ cho một cuộc tháo chạy mới.
Lãi suất toàn cầu thấp khiến việc bán các trái phiếu mới phát hành bằng đồng USD, euro và yên trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chính điều này cũng dẫn tới tình trạng bùng nổ phát hành trái phiếu không kiểm soát, đẩy châu Á và nhiều doanh nghiệp trong khu vực vào cảnh nợ nần.
Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy hoạt động của thị trường trái phiếu châu Á đang dần chậm lại. Điều này đồng nghĩa làn sóng bán tháo hoàn toàn có thể xảy ra nếu các chủ sở hữu trái phiếu châu Á (hay còn gọi là trái phiếu G3) muốn tìm cho mình một lối thoát.
Giám đốc quản lý quỹ Mackenzie Investments, ông Dhimant Shah, nhận định: "Giả định có một ai đó trong số các nhà đầu tư lựa chọn bán tháo toàn bộ số trái phiếu họ đang có, thì thị trường lúc này không còn khả năng mua vào nữa. Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì thanh khoản của châu Á sẽ bốc hơi cực kỳ nhanh và gây ra tác động hàng loạt".
Nhìn chung, thị trường trái phiếu châu Á đã phát triển lớn hơn kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chủ yếu nhờ nguồn tiền khổng lồ do các ngân hàng phương Tây bơm ra để phục hồi kinh tế. Theo tính toán của JP Morgan, thị trường nợ châu Á đã đạt đỉnh vào tháng 5 vừa qua, kể từ khủng hoảng 2008.
Trong tháng qua, các trái phiếu châu Á trải qua một đợt biến động mạnh trước thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm quy mô chương trình kích thích. Lợi suất trái phiếu - tỷ lệ nghịch với giá trái phiếu - của châu Á cũng theo đó tăng vọt hơn 60 điểm cơ bản chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 5. Trong đó, riêng lợi suất trái phiếu chính phủ Indonesia kỳ hạn đến năm 2020 tăng hơn 100 điểm cơ bản.
|
Một trong những yếu tố chính khiến hoạt động của thị trường trái phiếu châu Á giảm mạnh chính là ngày càng nhiều ngân hàng phương Tây thu hẹp quy mô hoạt động trong khu vực. Các quy định trong hiệp ước Basel III và đạo luật Dodd-Frank buộc ngân hàng phương Tây phải tăng lượng dự trữ cơ bản lên để phòng ngừa khủng hoảng, tất yếu dẫn đến việc họ buộc phải cắt giảm hoặc thậm chí loại bỏ nhiều hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Nhiều ngân hàng buộc phải loại bỏ hoạt động kinh doanh trái phiếu và cắt giảm danh mục đầu tư trái phiếu châu Á để giảm thiểu rủi ro.
Trong khi đó, các ngân hàng châu Á thì chưa kịp phát triển hoặc chưa đủ lực để lấp đầy khoảng trống mà các ngân hàng phương Tây để lại.
Ngoài ra, tình trạng lãi suất thấp như nhau trên toàn cầu khiến các trái phiếu mới phát hành trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư so với các trái phiếu cũ. Kết quả là, hoạt động giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp châu Á ngày một ảm đạm hơn.
Hiện tại, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á đã tăng từ 133% trong năm 2008 lên 155% vào giữa năm 2012, viện kinh tế toàn cầu McKinsey cho biết. Tỷ lệ nợ này cũng cao hơn năm 1997 - thời điểm châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Những yếu tố trên kết hợp lại đang đẩy thị trường trái phiếu châu Á vào nguy cơ đổ vỡ mới, các nhà phân tích nhận định.
Nguồn Reuters/Dân Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư