Trung Quốc đối diện vô vàn thách thức
Đường Nam Kinh ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
Theo quan điểm của ông Richard Yetsenga, Nhà kinh tế kiêm trưởng phòng nghiên cứu tại Tập đoàn Ngân hàng ANZ ở Sydney, những thách thức kinh tế của Trung Quốc không phải mới có ngày hôm qua và chúng cũng sẽ không được giải quyết ngay vào ngày mai. Thực tế là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại kể từ khi đạt đỉnh 15% vào năm 2007.
Trung Quốc đang phải đối mặt với sự kết hợp của 3 xu hướng phát triển kinh tế, mỗi xu hướng đều cho thấy mức tăng trưởng yếu hơn nhiều so với những gì nước này đã trải qua trong những thập kỷ trước đại dịch COVID-19.
Tăng trưởng nhanh chưa chắc đã thành công
Năm 2015, các nhà kinh tế Mỹ Lant Pritchett và Larry Summers đã rút kinh nghiệm từ hơn 100 nền kinh tế kể từ năm 1950. Họ kết luận rằng, tăng trưởng nhanh bất thường hiếm khi kéo dài và, trong một kết luận rất phù hợp với tình hình hiện tại của Trung Quốc, các giai đoạn tăng trưởng nhanh thường bị ngắt quãng.
Những con hổ châu Á thành công về mặt kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore hiện đạt tốc độ tăng trưởng ngang bằng với phần lớn các nền kinh tế tiên tiến nói chung. Trong khi Mỹ, nền kinh tế thành công nhất về khía cạnh này, đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng liên tục chậm lại khi tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người tăng lên. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng trong những năm 1950 thấp hơn những năm 1940, những năm 1970 thấp hơn những năm 1960 và những năm 2000 thấp hơn những năm 1990.
Không giống như các nền kinh tế có lịch sử về người nhập cư, Trung Quốc cần tập trung vào việc nâng cao tỉ lệ sinh để giải quyết các thách thức về nhân khẩu học. Ảnh: Reuters. |
Giống như Mỹ và khác với những “con hổ châu Á” còn lại, hạn chế lớn nhất của Trung Quốc là quy mô của nước này. Năm 2001, Trung Quốc chiếm 7,6% GDP thế giới; năm ngoái, con số này là 18,5%. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết trở nên khó khăn hơn khi nền kinh tế đạt được quy mô lớn như vậy; thị trường xuất khẩu cũng ngày càng trở nên khó tiếp cận hơn khi thị phần tăng lên.
Vòng xoay tăng trưởng - nợ - con người
Yếu tố thứ 2 là nhân khẩu học. Dân số Trung Quốc đang sụt giảm do áp dụng chính sách một con vào những năm 1970. Hiệu ứng đó càng trở nên trầm trọng hơn khi tỉ lệ sinh của đất nước giảm gần một nửa trong bối cảnh đại dịch.
Những thách thức ở phương diện này như được nhân đôi lên khi số phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi 23-30 được dự đoán sẽ giảm gần một nửa trong thập kỷ này. Như vậy, chính sách sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn chỉ để duy trì mức hiện tại. Thách thức thứ 2 là vấn đề tài chính, khi đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng "các biện pháp khuyến khích sinh sản có tác dụng... nhưng cần rất nhiều tiền".
Điều này dẫn đến yếu tố thứ 3 của Trung Quốc - nợ.
Nợ ở một nền kinh tế tăng trưởng cao có thể tháo gỡ. Nhưng nợ cao, dân số giảm và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm là một tổ hợp rất khó giải quyết. Nợ đòi hỏi tăng trưởng để giải quyết, tăng trưởng đòi hỏi con người và sự ưu tiên sự thận trọng của người dân cuối cùng sẽ tăng lên khi nợ tăng. Từ mức dưới 20% GDP 15 năm trước, nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên 61% GDP, gần bằng mức 68% của Nhật và mức 74% của Mỹ.
Điều này không có nghĩa là những thay đổi về chính sách sẽ không có tác động. Trên thực tế, những nỗ lực chính sách gần đây của Trung Quốc, bao gồm hơn 200 biện pháp, được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp ổn định nền kinh tế và mang lại mức tăng trưởng trên 4% vào năm 2024.
Nhưng ông Yetsenga không cho rằng chính sách này có thể thúc đẩy tăng trưởng đủ bền vững để tạo ra sự khác biệt lớn đối với quỹ đạo kinh tế rộng lớn của Trung Quốc.
Vận mệnh khó đoán
Những tác nhân làm giảm xu hướng tăng trưởng của Trung Quốc đã được chứng minh trong nhiều năm. Năm 2019, ông Richard Yetsenga từng chia sẻ: “Trung Quốc sẽ rất khó trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Ngay cả việc đạt được cột mốc đó vào năm 2050 cũng có vẻ đầy tham vọng”. Hiện nay hầu hết mọi người đều tin rằng vận mệnh kinh tế của Trung Quốc đã chệch hướng.
Mặc dù đại dịch đã đặt dấu chấm cho ngoại lệ về kinh tế của Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ qua, nhưng đó không phải hoàn toàn là tin xấu. Thứ nhất, sự phát triển ở Trung Quốc cho phép tăng trưởng ở những nơi khác. Như một bài báo trên Tạp chí American Af đã viết, "Sau năm 1980, các nước nghèo phải trải qua một quá trình phi công nghiệp hóa tương đối khốc liệt như những gì đã xảy ra ở các nền kinh tế tiên tiến hơn và thường còn hơn thế nữa do cùng một nguyên nhân cơ bản: sự xuất hiện của gã khổng lồ công nghiệp Trung Quốc”.
Kinh doanh và vốn đầu tư cũng vẽ ra một bức tranh khác. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong thời hiện đại, trong khi dòng vốn FDI vào Ấn Độ đạt kỷ lục trong năm 2021 và đang vượt dòng vốn vào ASEAN. Dòng vốn chảy vào Trung Quốc có thể sẽ phục hồi khi nền kinh tế ổn định trong ngắn hạn, nhưng việc cắt giảm đầu tư quy mô lớn vào nước này đang diễn ra.
Có thể bạn quan tâm:
Doanh nghiệp Mỹ vẫn "khát" người lao động
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư