Hủy
Thế giới

TTCK Trung Quốc và những ảo tưởng của cải cách kinh tế

Thứ Sáu | 17/07/2015 07:57

 
 
Phản ứng hoảng loạn của thị trường chứng khoán tạo ra nghi ngờ về tốc độ cải cách kinh tế Trung Quốc (TQ).

Tại một hội nghị vào cuối năm 2013, Đảng Cộng sản TQ tuyên bố cho phép các lực lượng thị trường đóng "vai trò quyết định" trong việc phân bổ các nguồn lực (trước đó, ngôn từ được sử dụng chỉ là "vai trò cơ bản"). Theo đó, nhà nước sẽ giảm bớt kiểm soát về kinh doanh, thương mại và tài chính.

Nhưng hy vọng cải cách kinh tế này đã bị giáng một đòn mạnh khi thị trường chứng khoán sụp đổ trong tuần qua. Đầu tháng 7, 90% giao dịch của 2.774 cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch của TQ đã bị đình chỉ hoặc tạm dừng. Thị trường bay hơi 3,5 ngàn tỷ USD giá trị vốn hóa, nhiều hơn tổng giá trị của thị trường chứng khoán của Ấn Độ. Đây được coi là sự cố kinh tế nghiêm trọng đầu tiên dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Nhiều nhà quan sát bi quan cho rằng, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán báo trước một sự sụp đổ của nền kinh tế TQ. Trước đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã cảnh báo sự đảo lộn của thị trường chứng khoán có thể ảnh hưởng đến chương trình cải cách kinh tế của Trung Quốc.Thực tế, thị trường chứng khoán nước này đã giảm một phần ba trong một vài tuần, nhưng đã tạm phục hồi cơ bản và tính chung vẫn tăng 75% trong một năm.

Các số liệu cho thấy thị trường chứng khoán vẫn đóng một vai trò nhỏ trong kinh tế TQ. Giá trị thị trường chứng khoán nước này chỉ khoảng một phần ba GDP, so với hơn 100% ở các nền kinh tế phát triển. Chưa đầy 15% tài sản tài chính hộ gia đình đầu tư vào thị trường chứng khoán và đó là lý do tại sao thời gian cổ phiếu tăng vọt nhưng tác động ít tới thúc đẩy tiêu dùng.

Nhiều cổ phiếu đã được mua nợ, và các khoản vay này giúp giải thích tại sao chính phủ đã không thể ngăn chặn đà xuống dốc của thị trường chứng khoán. Các khoản cho vay mua chứng khoán chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng tài sản hệ thống ngân hàng.

Giới lãnh đạo TQ hiểu điều này nhưng vẫn can thiệp mạnh vào thị trường vì chưa sẵn sàng để chấp nhận hai nguyên nhân cơ bản gây ra bất ổn định: cấu trúc của thị trường và tình hình chính trị TQ.

Hệ thống tài chính của Bắc Kinh đã giúp thổi phồng bong bóng chứng khoán bằng cách bơm tiền vào thị trường này. Lãi suất ngân hàng thấp khiến người dân tiết kiệm chưa tìm được kênh gửi tiền hấp dẫn. Do đó, cuộc săn tìm lợi nhuận nhiều thập kỷ qua đã tạo ra làn sóng "điên cuồng" đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, đến tem, đậu xanh, tỏi, trà... Những bước để cung cấp cho các nhà đầu tư tiếp cận tốt hơn với thị trường nước ngoài và giải phóng lãi suất ngân hàng đúng hướng nhưng tiến độ thực hiện quá chậm.

Nếu sự đổ vỡ thị trường chứng khoán chưa ảnh hưởng đến kinh tế TQ thì cách giải thích tốt nhất về sự can thiệp vào thị trường là yếu tố chính trị. Khi thị trường chứng khoán đã tăng vọt, báo chí đã cổ vũ như một chứng thực đầy hiệu quả của cuộc cải cách kinh tế do Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường khởi xướng. Bây giờ thị trường đổ vỡ thì họ buộc phải tìm mọi cách cứu vãn uy tín của giới lãnh đạo.

Ngân hàng Trung ương TQ tiếp tục hạ lãi suất tuần trước. Việc bán không bị khống chế. Các quỹ hưu trí cam kết mua thêm cổ phiếu. Các cuộc IPO bị ngưng lại nhằm hạn chế nguồn cung với hy vọng sẽ làm tăng giá của các cổ phiếu đã niêm yết. Các công ty môi giới thành lập quỹ để mua cổ phiếu với vốn được bơm từ trung ương.

Trong khi đó các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước tìm cách khuấy động cho thị trường náo nhiệt trở lại. Trước hàng loạt giải pháp ấy, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Credit Suisse dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp can thiệp để ổn định thị trường.

Reuters dẫn lời nhà phân tích Mark Konyn của Hãng Cathay Conning Asset Management tại Hồng Kông nhận định chính quyền TQ đủ khả năng chặn lại đà giảm giá cổ phiếu. "Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp sâu này sẽ để lại hậu quả. Chúng sẽ khóa chặt sở hữu cổ phiếu, giảm tính thanh khoản và tạo ra tác động tiêu cực có thể ám ảnh thị trường trong nhiều năm tới".

Một trong những ảo tưởng dai dẳng về quản trị của TQ là bất cứ sai sót nào cũng có thể kiểm soát. TQ không phải là quốc gia đầu tiên phải vực dậy một thị trường chứng khoán giảm. Các chính phủ và ngân hàng trung ương ở châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có hình thức mua cổ phần khi thị trường chứng khoán có vấn đề và cắt giảm lãi suất để "tiếp sức" cho các nhà đầu tư.

Điều làm cho TQ hoảng sợ là với quy mô khổng lồ của nền kinh tế nước này và tỷ lệ tiết kiệm cao của dân chúng thì tác hại của việc chứng khoán lao dốc là không hề nhỏ nếu quy ra tiền.

Tạo ra sự bùng nổ tăng trưởng trong 3 thập kỷ, TQ đang đi đúng hướng chuyển đổi từ kinh tế mệnh lệnh đến nền kinh tế thị trường. Nhưng trên các thị trường tài chính, TQ vẫn có một chặng đường dài để đi. Sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán góp thêm một bài học thực tế cho giới lãnh đạo nước này: cái gì của thị trường thì để cho thị trường quyết định.

Nguồn DDSG


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới