USD trượt giá: Tin vui cho nhà đầu tư vào thị trường mới nổi?
Trong vài tuần trở lại đây, mọi chuyện đã diễn ra không như mong đợi đối với đồng USD.
Tham vọng của Tổng thống Donald Trump về cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, cùng với kế hoạch nâng lãi suất của Fed, lẽ ra đã phải giúp đồng bạc xanh tăng giá. Tuy nhiên chỉ số USD của Bloomberg (BBDXY), vốn đo lường sức mạnh USD với 10 đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống dưới mức trung bình 200 ngày gần đây, gần như quay trở lại mức trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. BBDXY đã tăng 5,7% kể từ ngày 9/11 tới ngày 31/12, và giảm 4,1% kể từ đầu năm tới nay.
Sẽ là dễ hiểu nếu cho rằng đà giảm gần đây của USD là do tâm lý lạc quan hậu bầu cử tại Mỹ đang dần phai nhạt, nhưng đúng ra thì đà giảm này đã phải bắt đầu từ sớm hơn (sẽ được giải thích ở phần sau của bài).
Dù sao, thì đây cũng là tin tốt lành cho những nhà đầu tư đang kiên trì bám trụ ở các thị trường mới nổi. Theo một báo cáo của Goldman Sachs, thị trường mới nổi đóng góp 47% GDP toàn cầu tại thời điểm cuối năm 2016, cũng như 10,8% tổng giá trị vốn hóa chứng khoán toàn cầu. Tuy vậy, giới đầu tư Mỹ chỉ phân bổ 3,6% danh mục của mình vào cổ phiếu ở các thị trường mới nổi.
Dù các nền kinh tế mới nổi ngày càng đóng góp nhiều vào GDP và giá trị vốn hóa toàn cầu, nhưng các nhà đầu tư Mỹ lại không mấy mặn mà với cổ phiếu ở các thị trường này. Ảnh: Bloomberg |
Tình hình biến động tiền tệ ở các thị trường này khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ lo ngại, nhất là khi cổ phiếu được niêm yết giá bằng đồng tiền nước sở tại, không giống như trái phiếu thường được niêm yết bằng đồng USD. Khi đồng USD mạnh lên so với đồng tiền ở thị trường mới nổi, các nhà đầu tư ôm cổ phiếu sẽ chịu thiệt.
Dĩ nhiên là nhiều nhà đầu tư Mỹ không thích chấp nhận rủi ro này, và sự thật là lâu lâu lại có vài đợt khủng hoảng tiền tệ ở các thị trường mới nổi. Các đồng tiền mới nổi cũng không bắt kịp đà tăng của đồng USD trong hơn một thập kỉ liền từ cuối thập niên 1980 đến 1990. Nếu tính theo USD, tỷ lệ lợi nhuận của chỉ số MSCI dành cho các nước mới nổi trong năm 1988 thấp hơn 119 điểm phần trăm so với nếu tính bằng đồng tiền nước sở tại. Trong giai đoạn 1988-1999, mức chênh lệch này đạt bình quân 52 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, giờ đây nhìn lại thì có lẽ những nỗi sợ hãi về thị trường mới nổi đã bị thổi phồng quá mức. Thực tế cho thấy biến động tiền tệ mang lại rất ít rủi ro cho cổ phiếu ở thị trường mới nổi so với ở các nước phát triển hơn là tại thị trường mới nổi. Độ lệch chuẩn của chỉ số MSCI của các nước phát triển khi tính theo USD cao hơn 2,2% so với đồng tiền của nước sở tại, trong khi con số này ở các thị trường mới nổi chỉ là 1,2% (Độ lệch chuẩn thể hiện sự biến động của một khoản đầu tư, độ lệch chuẩn thấp nghĩa là ít biến động hơn).
Ngoài ra, cũng không có nhiều biến động tiền tệ tại các nước mới nổi kể từ năm 2000 tới nay. Từ năm 1992 tới 1999, mức lợi nhuận trung bình 5 năm của chỉ số MSCI thị trường mới nổi khi tính theo đồng USD thấp hơn 43 điểm phần trăm so với các đồng nội tệ. Kể từ đó, mức chênh lệch trung bình đã giảm xuống còn vỏn vẹn 1,9 điểm phần trăm.
Mức chênh lệch giữa lợi suất tính bằng USD và nội tệ của chỉ số MSCI cho thị trường mới nổi đã tăng mạnh kể từ giữa năm 2014. Ảnh: Bloomberg |
Kể từ năm 2000, còn một điều đáng chú ý hơn về chênh lệch giữa lợi suất trong vòng 5 năm tính theo USD và đồng nội tệ: Sau một chu kì tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền mới nổi thì sẽ phát sinh một chu kì ngược lại, đẩy đồng USD về giá trị quân bình. Các thị trường mới nổi đang ngày một mở rộng và ổn định hơn, kéo theo ổn định tỷ giá đồng tiền các nước này. Do đó, mức chênh lệch lợi suất khi tính bằng USD và nội tệ sẽ dần dà tiệm cận con số 0.
Trong tháng 2 vừa qua, lợi nhuận tính theo USD của chỉ số MSCI thị trường mới nổi thấp hơn 4,6% so với khi tính bằng đồng nội tệ. Con số này lớn hơn nhiều mức chênh lệch 1,9 điểm phần trăm hồi năm 2000, đây là chỉ báo cho thấy đồng USD nhiều khả năng sẽ yếu đi trong những năm sắp tới. Trên thực tế, mức chênh lệch này đã không ngừng gia tăng từ giữa năm 2014 tới nay, và đây là lý do tại sao nhà phân tích Nir Kaissar, sáng lập viên hãng tư vấn Unison Advisors, cho rằng lẽ ra đồng USD đã phải giảm giá từ trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Kim Dung - Thanh Hằng
-
Minh Đức