Hủy

BVSC: Lãi suất cho vay bất động sản và tiêu dùng khó giảm

Như Mai Thứ Hai | 29/07/2019 20:44

Ảnh: QH

 
 
Lãi suất huy động các kỳ hạn dài (trên 12 tháng) tại các ngân hàng thương mại vẫn “neo” ở mức cao, thậm chí tiếp tục tăng nhẹ trong quý II/2019.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC; HNX: BVS) vừa đưa ra một số nhận định về diễn biến lãi suất huy động và cho vay trong nửa đầu năm 2019 và dự báo xu hướng cho phần còn lại của năm.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong quý II/2019 có xu hướng giảm so với quý I/2019, chủ yếu dao động quanh mức 3%/năm. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống nhìn chung ở trạng thái khá tích cực, bất chấp một số phiên có diễn biến căng thẳng cục bộ do nguồn tiền biến động mạnh.

Tăng trưởng cung tiền M2 vào thời điểm cuối Quý II/2019 ở mức 6,05%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (7,96%). Hoạt động cung tiền chủ yếu đến từ động thái mua ngoại tệ nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Để trung hòa lượng tiền Đồng đã bơm ra, NHNN đã tích cực sử dụng nghiệp vụ thị trường OMO (phát hành tín phiếu và Repo giấy tờ có giá), nhằm tránh gây rủi ro quá lớn tới lạm phát. Tính đến cuối quý II/2019, NHNN đã hút ròng về hơn 70.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt 7,33% so với đầu năm - mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây (năm 2018 tăng 7,82%; năm 2017 tăng 9,01%; năm 2016 tăng 8,21%).

BVSC: Lai suat cho vay bat dong san va tieu dung kho giam
Nguồn: BVSC

Theo BVSC, việc tín dụng tăng thấp trong 2 quý vừa qua xuất phát từ một số nguyên nhân:

i) Định hướng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN về mức 40% khiến một số NHTM chưa đáp ứng được tỷ lệ trên khó mở rộng các khoản vay trung và dài hạn;

ii) Định hướng kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn cho các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản và tiêu dùng;

iii) Các ngân hàng thực hiện chuẩn Basel II sẽ phải cân nhắc rủi ro của các khoản vay nhằm đảm bảo hệ số CAR;

iv) Nhiều ngân hàng được cấp quota tăng trưởng tín dụng ở mức không quá cao trong 6 tháng đầu năm. Về cơ cấu, tín dụng được dồn nhiều về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – động lực của tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhận được nhiều ưu tiên do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Tính đến cuối Quý II/2019, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lên đến 51 nghìn tỷ đồng, trong đó 1,2 nghìn tỷ đồng bị tác động thiệt hại do bệnh dịch.

Trái ngược với diễn biến lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động các kỳ hạn dài (trên 12 tháng) tại các ngân hàng thương mại vẫn “neo” ở mức cao, thậm chí tiếp tục tăng nhẹ trong quý II/2019.

So với cuối năm 2018, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,5%. Theo Dự thảo mới nhất, NHNN có ý định sẽ giảm dần tỷ lệ này theo lộ trình về mức 30% trong 2-3 năm nữa. BVSC cho rằng định hướng này sẽ buộc các NHTM tiếp tục phải thực hiện việc cơ cấu lại nguồn theo hướng duy trì lãi suất huy động trung và dài hạn ở mức cao.

Do lãi suất đầu vào không giảm, BVSC nhìn nhận mặt bằng lãi suất cho vay đầu ra ở các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, tiêu dùng sẽ khó có khả năng giảm trong thời gian tới. Cơ hội cho lãi suất giảm (nếu có) sẽ chỉ mang tính định hướng, dành cho các lĩnh vực ưu tiên và thông qua nhóm NHTM cổ phần gốc quốc doanh.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới