Hủy

Để người Việt dùng hàng Việt

Thứ Hai | 31/08/2009 12:10

Sản phẩm cứ làm qua loa thì dù có bao nhiêu chính sách, chủ trương cũng không thể “khuyến khích” người tiêu dùng nội địa sử dụng hàng Việt.
 

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh xuất khẩu đang ảm đạm. Tuy nhiên, giữa chủ trương và thực tế là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. NCĐT đã trao đổi với ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) và ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, về vấn đề này.

Quan điểm của ông về cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”?

Ông Trần Sĩ Chương: Cuộc vận động sẽ không có ý nghĩa nếu sản phẩm không thu hút được người mua. Người tiêu dùng không thể ép mình mua sản phẩm kém chất lượng trong khi hàng nhập khẩu tốt hơn, giá cả lại cạnh tranh. Do đó, người Việt có dùng hàng Việt hay không, vấn đề không ở phía người tiêu dùng mà ở chính doanh nghiệp.

Nói như vậy thì chính doanh nghiệp Việt cũng chưa làm tròn “bổn phận” của mình?

Ông Phan Thế Ruệ: Đúng vậy. Không ai bảo vệ doanh nghiệp tốt bằng chính doanh nghiệp. Xây dựng sản phẩm có chất lượng chính là điều kiện đầu tiên để thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tự bảo vệ mình bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng chống hàng giả, hàng nhái, làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt được hàng của doanh nghiệp với hàng kém chất lượng, thậm chí làm cho họ phải tẩy chay hàng nhái.

Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt ở nông thôn là chủ trương đúng lúc để giúp doanh nghiệp “sống sót” qua khủng hoảng?

Ông Phan Thế Ruệ: Sở dĩ doanh nghiệp chú trọng xuất khẩu là vì nó mang lại lợi nhuận nhanh, trong khi thị trường nội địa lại cứ bình bình. Đến lúc xuất khẩu không được, doanh nghiệp mới quay về thị trường nội địa. Trong khi đó, Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường nội địa từ trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Có thể nói đó là một cái dở của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến… đã quay về thị trường nông thôn ừ năm 2001-2002.

Ngược lại, người tiêu dùng cũng không nên có suy nghĩ rằng, cứ cái gì tốt là được đem đi xuất khẩu. Điều đó không đúng và không hợp với quy luật thị trường. Bởi lẽ, trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế thì phải đẩy mạnh xuất khẩu để kích thích nền kinh tế, thu về ngoại tệ.

Vậy doanh nghiệp nên làm gì để người Việt mua hàng Việt?

Ông Trần Sĩ Chương: Điều đơn giản là doanh nghiệp chỉ cần phải chăm chút, đầu tư cho sản phẩm. Giá trị cao nhất của sản phẩm không phải ở hàm lượng chất xám cao hoặc vốn đầu tư lớn mà chính ở chỗ thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng, cho dù sản phẩm đó chỉ là cây chổi, khăn mặt hay đôi dép.

Ở Nhật Bản, cứ 1 người sản xuất thì có 5 người phụ trách kiểm lại hàng và phản hồi cho từng khâu một, từ khâu nguyên liệu đến khâu thành phẩm… Hàng lỗi ở khâu nào, họ phát hiện được ngay. Tôi nghĩ, chính tư duy làm qua loa đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó khăn ngay trên sân nhà.

Ông Phan Thế Ruệ: Muốn người Việt dùng hàng Việt thì trước hết chất lượng phải bằng hàng đem đi xuất khẩu và trên hết, nó phải phù hợp với thị hiếu người Việt, đảm bảo an toàn khi sử dụng và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, trong khi chi phí sản xuất đang tăng lên mà hàng về nông thôn không thể bán với giá cao được. Đó là bài toán mà doanh nghiệp phải tìm cách tháo gỡ.

Hiện tại, AVR đang phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến theo chủ trương của Chính phủ để người tiêu dùng trong nước thấy rằng, doanh nghiệp Việt không hề “coi thường” họ.

Theo ông, những thương hiệu Việt nào đã biết chăm chút sản phẩm như ông vừa nói?

Ông Trần Sĩ Chương: X-Men, chẳng hạn, là nhãn hiệu thành công trong nước vì biết tiếp thị và rất chăm chút khi gửi thông điệp đến người tiêu dùng. Rất ít doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng trong nước, hoặc sản xuất rồi lại không biết cách mang hàng đến với người tiêu dùng. Một thị trường hơn 80 triệu dân không phải là nhỏ và đây chính là cái nôi nuôi sống doanh nghiệp lâu dài.

Có ý kiến cho rằng, hàng Trung Quốc trong những năm qua đã được đưa vào thị trường Việt Nam một cách “tự do, vô nguyên tắc”. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Phan Thế Ruệ: Không thể nói là vô nguyên tắc. Vì khi tham gia WTO, bất cứ nước nào cũng phải tuân theo nguyên tắc và các cam kết cả. Vấn đề là mình không bảo vệ trọn vẹn cam kết nên đã để cho hàng Trung Quốc vào quá nhiều, khiến các nhà sản xuất trong nước lao đao và phải đối phó với rất nhiều hình thức buôn bán “không chính thống”.

Là nhà tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp, ông có ý kiến gì không?

Ông Trần Sĩ Chương: Theo tôi, đối với hàng Trung Quốc, hãy làm theo cách của Mỹ. Người Mỹ hiện sử dụng đến gần 70% hàng hóa do Trung Quốc sản xuất nhưng chất lượng được kiểm định rất gắt gao trước khi được đưa vào thị trường Mỹ.

Để người dân có sự lựa chọn đúng, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin sản phẩm đầy đủ và minh bạch. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin nơi người mua. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra các quy định rõ ràng về công bố thông tin và tạo điều kiện cho các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm việc hiệu quả hơn. Nhà nước cũng cần tạo ra một môi trường hành chính và pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, giúp họ giảm thiểu chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Người tiêu dùng nông thôn Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ những gói kích cầu vào nông thôn?

Ông Phan Thế Ruệ: Chính phủ phải là một bác sĩ giỏi, kê đơn đúng bệnh. Nếu như sau khi gói kích cầu kết thúc, doanh nghiệp vẫn quay trở về trạng thái “trong khủng hoảng” thì rõ ràng, họ đã dựa quá nhiều vào kích cầu.

Cả nước có tổng cộng 85,8 triệu dân, trong đó có tới 60,4 triệu người (chiếm 70,4%) sống ở nông thôn. Do đó, việc kích cầu vào nông thôn sẽ mang lại hiệu quả cao, vì chính nông dân là người đẩy sức mua tăng, kéo sản xuất tăng theo. Còn nếu kích cầu vào công trình xây dựng cơ bản và ở thành thị… thì chỉ có một số lao động và doanh nghiệp được hưởng, còn người dân ở nông thôn thì không được lợi gì nhiều.

Muốn kích cầu vào nông thôn thì phải dùng biện pháp kích cầu trực tiếp vì nông dân không hiểu kích cầu là gì. Họ chỉ cần biết mình được hưởng lợi gì mà thôi. Thực tế là người nông dân muốn vay vốn chăn nuôi, mua phân bón cho vụ mùa lại phải làm khá nhiều thủ tục. Họ làm hồ sơ sau 3 tháng mới được vay thì đã thu hoạch xong rồi. Do đó, Chính phủ cần triển khai kích cầu vào nông thôn như thế nào để người dân được hưởng lợi một cách nhanh nhất.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới