Hủy

Doanh nghiệp FDI dọa đóng cửa do tăng thuế khoáng sản

Chủ Nhật | 11/08/2013 08:29

Tập đoàn Besra Gold (Australia) vừa có kiến nghị chính thức lên Bộ Tài chính nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế suất tài nguyên vàng từ 15% lên 25%.
 

Theo thông cáo được gửi đến các cơ quan truyền thông ngày 6/8, Besra Gold cho rằng các Cty con của mình tại Việt Nam, bao gồm Công ty TNHH vàng Phước Sơn (PSGC) và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (BMGMC) có thể phải đóng cửa nếu kế hoạch thuế khoáng sản được thực hiện.

Bảo vệ nguồn tài nguyên không tái tạo

Theo mức thuế khoáng sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế khoáng sản sẽ tăng cao. Trong đó, mức thuế suất vàng sẽ tăng kịch trần là 25%, titan tăng từ 11% lên 16%...

Cụ thể, đối với nhóm khoáng sản kim loại, nhóm này gồm 13 loại, hiện đang có 4 mức thuế suất là: 10% (áp dụng đối với Sắt, Bạch kim, Bạc, Thiếc, Vôn-phờ-ram, Ăng-ti-moan, Chì, Kẽm, Đồng, Ni-ken, Cô-ban, Mô-lip-đen, Thủy ngân, Ma-nhê, Va-na-đi và khoáng sản kim loại khác), 11% (áp dụng đối với Măng-gan và Ti-tan), 12% (áp dụng đối với Nhôm và Bô-xít) và 15% (áp dụng đối với Vàng và Đất hiếm).

Theo Bộ Tài chính, để thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, cần phải điều chỉnh lại mức thuế suất của một số loại khoáng sản cho phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, công nghệ khai thác, chế biến vàng của các doanh nghiệp trong nước chưa cao, hiệu quả kinh tế đạt thấp, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh tác động xấu về môi trường. Ngoài ra, sản lượng khai thác vàng rất khó quản lý.

Do đó, để hạn chế việc khai thác tài nguyên quý hiếm với trữ lượng có hạn, khuyến khích doanh nghiệp thăm dò, khai thác vàng hiệu quả và hạn chế gây ô nhiễm môi trường nên mức thuế suất thuế tài nguyên đối với vàng được đề nghị tăng ở mức kịch trần.

Doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế

PSGC và BMGMC đã chính thức đề nghị giảm thuế suất thuế tài nguyên cùng với các loại thuế và phí khác đang áp dụng cho hoạt động sản xuất của hai công ty.

Ngoài việc phản đối kế hoạch tăng thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản vàng lên 25%, PSGC thậm chí còn đề nghị việc giảm thuế suất thuế tài nguyên từ 15% xuống còn 6% và thuế thu nhập doanh nghiệp từ 40% xuống còn 32%.

Cũng trong văn bản kiến nghị chính thức gửi Bộ Tài chính, Besra Gold Inc., PSGC và BMGMC cho rằng việc áp dụng chính sách tăng thuế suất tài nguyên với ngành khoáng sản vàng lên 25% sẽ "ảnh hưởng đến tương lai của ngành khai khoáng cũng như tác động tiêu cực tới kinh tế, đầu tư, môi trường, vấn đề an sinh xã hội". Besra Gold cũng cho rằng nếu bị buộc phải ngừng hoạt động, ngân sách sẽ thất thu, trong khi tập đoàn và các công ty con sẽ không thể tiếp tục cung cấp việc làm cho khoảng 1.800 lao động, không còn khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển cộng đồng như hai công ty đã và đang làm, không thể chi trả các khoản vay hiện tại từ các ngân hàng...

Trước đó, câu chuyện về con số 4,5 tấn vàng được khai thác tại hai mỏ vàng lớn Bồng Miêu (Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) và mỏ vàng Đắk Sa (Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) tính đến tháng 8/2012 đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Theo con số chính thức phía hai công ty này đưa ra, tổng số tiền đã nộp ngân sách 8 tháng đầu năm 2012 của hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu là hơn 663 tỷ đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thì dù gì Nhà nước cũng vẫn thiệt bởi dự án khai thác vàng Bồng Miêu có tổng vốn đầu tư đăng ký là 40 triệu USD. Trong số này, vốn góp của các nhà đầu tư là 3 triệu USD, bao gồm phía nước ngoài 2,4 triệu USD và phía Việt Nam là 600.000 USD. Theo tỷ lệ ăn chia trong hoạt động khai thác vàng Bồng Miêu, phía nước ngoài hưởng 80%, còn phía Việt Nam chỉ 20%.

Ngoài vốn pháp định do các bên góp, Cty phải vay vốn để hoạt động. Việc vay vốn được phía nước ngoài thu xếp giúp. Vì vậy, doanh thu sau khi trừ chi phí, các khoản nộp ngân sách (thuế) và nợ vay, còn lại chia cho các bên theo tỷ lệ góp vốn. Bên nước ngoài khi chuyển lợi nhuận ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ phải nộp 5% thuế trên tổng số lợi nhuận chuyển ra.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới