Hủy

Gỗ Việt “đen” với luồng đỏ

Hải Vân Thứ Tư | 27/11/2019 14:00

Ảnh: Quý Hòa

 
 
Quy định mới về C/O, khiến xuất khẩu gỗ khó cán đích 11 tỉ USD.

Tuần trước, ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt ở tỉnh Bình Dương, đang dự Đại hội Hiệp hội Gỗ Việt Nam và Lâm sản ở Hà Nội thì nhận cuộc gọi khẩn từ Công ty. Công ty đang phải giải quyết vấn đề hàng chục container sản phẩm gỗ xuất đi Mỹ bị đưa vào luồng đỏ theo quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), vốn đang khiến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đối mặt với những nguy cơ mới.

Cũng như Lâm Việt, những công ty làm ăn chân chính trong ngành công nghiệp chế biến gỗ phản đối gian lận thương mại của một số doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng không ủng hộ giải pháp “đưa hết vào luồng đỏ” mà Hải quan đưa ra nhằm tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp, theo công văn 5189/TCHQ-GSQL.

Quy định mới này được áp dụng lên tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ, ngay cả những công ty lớn như Lâm Việt, đã có nhiều năm làm ăn với thị trường Mỹ, xuất khẩu hơn 200 container/tháng, cũng không ngoại lệ. Điều này, theo ông Liêm, đang làm tăng chi phí của doanh nghiệp và có thể bị các nhà nhập khẩu Mỹ phạt rất nặng vì chậm thời gian giao hàng.

Áp dụng quy định luồng đỏ lên xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ, theo ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Giám đốc Công ty Phú Tài, chắc chắn không phải là giải pháp tốt để đạt được cùng lúc 2 mục tiêu. Thứ nhất, ngăn chặn hàng Trung Quốc đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ. Thứ 2, loại bỏ khả năng chính phủ Mỹ có thêm căn cứ để áp đặt chính sách thương mại công bằng lên sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, trong bối cảnh thâm hụt thương mại lớn trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Mỹ, theo số liệu của Hải quan đã lên tới 4,23 tỉ USD.

.

 

Dù vậy, mục tiêu doanh thu 40 triệu USD/năm của Công ty Phú Tài đang phụ thuộc vào tiến độ kiểm soát từng container qua luồng đỏ của hải quan, bất chấp việc xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ thời điểm này là không dễ dàng. Chính phủ Mỹ đã siết chặt hơn các quy định nhập khẩu kể từ khi nổ ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Theo ông Hòe, việc Phú Tài xuất khẩu được 60% sản lượng sang Mỹ là nhờ sự minh bạch và uy tín trong kinh doanh, liên tục đổi mới công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao về nhập khẩu gỗ của Mỹ và tuân thủ pháp luật của quốc gia này.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ, nhưng cũng nhận thêm nhiều thách thức từ sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc. Một thực tế, các doanh nghiệp lớn làm ăn đàng hoàng của Trung Quốc, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), không có khả năng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam do chi phí quá lớn, phần lợi nhuận thu lại không thể bù đắp.

 

“Việt Nam có thể phải gánh hậu quả từ sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc, với mức đầu tư nhỏ và máy móc hết khấu hao”, ông Hạnh nhận định. Số liệu mới nhất của ngành gỗ cho thấy, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã có 40 dự án đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các dự án có quy mô không đáng kể, chỉ chiếm 23,5% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký FDI vào ngành gỗ. Thậm chí, nhà máy sản xuất ván tại Yên Bái có vốn đầu tư đăng ký chỉ 23.000USD.

Từ góc độ quốc tế, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc của tổ chức Forest Trends, khuyến cáo, Chính phủ thực hiện kiểm soát rủi ro trong FDI có thể bắt đầu bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm đầu tư mới, dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Theo ông, Chính phủ có thể ưu tiên rà soát tập trung vào các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019, bao gồm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, với vốn đăng ký dưới 1 triệu USD/dự án. Việc rà soát này, theo ông Phúc, có thể mở rộng rà soát các doanh nghiệp có quy mô vốn tương tự, đăng ký đầu tư năm 2018, vì sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc không chỉ diễn ra trong năm 2019, mà đã diễn ra trong 3-4 năm gần đây.

 

Ông Phúc cho rằng, Chính phủ nên mở rộng việc rà soát đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư khoảng 1-3 triệu USD/dự án và một số dự án tăng vốn, mua cổ phần, tập trung vào các dự án sản xuất ván. Tuy nhiên, ông Phúc lưu ý: “Việc rà soát cần nhìn nhận vào các khía cạnh đầu vào của nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm, công suất tiêu thụ nhiên liệu và tiêu thụ điện năng, sử dụng lao động”.

“Việt Nam đang là một địa chỉ tốt mà các nhà nhập khẩu Mỹ lựa chọn thay thế Trung Quốc”, ông Hòe nói. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đạt mục tiêu kim ngạch 11 tỉ USD cho năm 2019, tạo nền tảng tốt cho mục tiêu 20 tỉ USD vào năm 2025 bằng việc sớm đưa ra một giải pháp kiểm soát xuất xứ tốt hơn cho sản phẩm đồ gỗ vào Mỹ. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm 2019, đạt 3,64 tỉ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2018, cho thấy các nhà nhập khẩu vẫn mua hàng với số lượng lớn để phục vụ người tiêu dùng trên 50 bang của nước Mỹ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới