Hàng không nặng cánh thời Covid-19
Ảnh: TL
Một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của đại dịch lần này chính là ngành hàng không khi nhu cầu du lịch giảm mạnh, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc. Tính trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị tạm dừng, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các hãng bay.
Chính vì những lý do trên, Công ty Chứng khoán SSI mới đây đã đưa ra đánh giá triển vọng tiêu cực đối với ngành hàng không trong đợt đại dịch này, cùng với đó là khuyến nghị giảm tỉ trọng cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) và VJC (Vietjet Air). Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đánh giá dịch bệnh sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngành hàng không. KBSV cho rằng tác động của virus COVID-19 đối với Việt Nam sẽ khó lường hơn do biên giới nằm ngay sát Trung Quốc. Bên cạnh đó, tỉ trọng khách du lịch Trung Quốc trên tổng lượng khách quốc tế đang tăng dần qua các năm, chiếm 32% năm 2019 do các hãng hàng không liên tục mở mới các chuyến bay đến các tỉnh Trung Quốc.
Theo Reuters, Vietnam Airlines thiệt hại 250 tỉ đồng mỗi tuần khi doanh thu sụt giảm vì ngừng các đường bay Trung Quốc để phòng chống dịch COVID-19. Thực tế, theo Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, do ảnh hưởng của dịch nên thị trường khách nội địa của Hãng đã bị hủy khoảng 40% lượng vé, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài (outbound) hủy 40-50%...
Trước đó, Cục Hàng không cho biết theo các hãng hàng không báo cáo, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay Trung Quốc tính tới ngày 10.2 là hơn 10.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9-7 tỉ USD.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC), kể cả khi kết thúc dịch bệnh, việc bù đắp cho sự sụt giảm này vẫn là điều rất khó vì thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch. Chính vì thế, BVSC cho rằng vẫn có khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II.
Ngoài ra, giới chuyên gia dự đoán nhiều doanh nghiệp, từ khách sạn cho đến hãng hàng không, sẽ tổn thất nặng nề vì không nhận được tiền bảo hiểm cho ảnh hưởng từ dịch bệnh hoành hành trong khi vẫn phải chi trả hàng tỉ USD cho những tổn thất liên quan.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng nhận định rằng ngành giao thông vận tải ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh là lĩnh vực hàng không. Do đó, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để bù đắp những thiệt hại của ngành hàng không, trong đó có việc tăng cường vận chuyển hành khách, hàng hóa đối với các nước khác. Ví dụ như tăng cường khai thác đến các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Giải pháp tiếp theo mà Bộ Giao thông Vận tải thực hiện là tập trung mở rộng thị trường mới, như thị trường Ấn Độ. Tới đây, Việt Nam sẽ khai trương thêm 3 chuyến bay mới kết nối trực tiếp giữa Việt Nam tới Ấn Độ, xuất phát từ TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Bên cạnh đó, tăng cường khai thác tối đa các chuyến bay nội địa, bởi thời gian qua, nhiều hãng hàng không đã có những ưu tiên cho khai thác quốc tế, trong đó có thị trường lớn là Trung Quốc. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số phương tiện bay, tổ bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ dư ra nên Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các hãng hàng không nghiên cứu và tăng cường các chuyến bay quốc tế qua các thị trường lớn như đã nêu trên.
Số liệu thống kê cho thấy, trong các lần đại dịch xuất hiện trong quá khứ, thị trường chứng khoán thế giới đều nhanh chóng hồi phục và thậm chí tăng điểm. Trong đại dịch SARS diễn ra năm 2003, chỉ số MSCI World Index thậm chí tăng 8,64% trong 1 tháng khi diễn ra dịch bệnh và tăng 21,51% trong vòng 6 tháng kể từ khi bắt đầu dịch bệnh. Tương tự với dịch cúm H5N1, chỉ số MSCI World Index giảm nhẹ 0,18% trong vòng 1 tháng kể từ khi bắt đầu dịch bệnh nhưng đã tăng 9,68% sau nửa năm. Với dịch bệnh Ebola năm 2018, chỉ số MSCI World Index cũng giảm mạnh 7,42% trong vòng 1 tháng nhưng sau nửa năm, mức giảm của chỉ số này chỉ còn 3,49%. Như vậy, các nhà đầu tư không nên quá bi quan về thị trường chứng khoán trong năm 2020.
Ông Đỗ Thanh Tùng, chuyên viên phân tích công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận định: “Thời gian này vẫn chưa thích hợp để đầu tư cổ phiếu hàng không do các tác động của dịch bệnh COVID-19 trong trung hạn nhìn chung vẫn rất khó lường. Khoảng thời gian cho đến lúc dịch bệnh được khống chế còn là một ẩn số”. Trong trường hợp đại dịch có thể được khống chế trong thời gian tới, thì nhu cầu đi lại cũng chưa thể tăng mạnh trở lại ngay do rơi vào mùa thấp điểm của ngành hàng không.
Trong dài hạn, dư địa phát triển của ngành hàng không vẫn còn nhiều trên cơ sở tỉ lệ tầng lớp trung lưu tăng trưởng khả quan, kích thích nhu cầu đi lại đường hàng không. Tuy nhiên, trước mắt, ngoài yếu tố về dịch bệnh, các hạn chế về hạ tầng hàng không (nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh tại các sân bay trọng điểm quá tải) có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng chung của ngành khó có thể bứt phá. Trong năm nay, đáng chú ý, nếu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được thông qua cơ chế đầu tư, quản lý tài sản khu bay, nhiều khả năng các đường cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ được bảo trì vào các tháng cuối năm. Qua đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng hành khách hàng không trong năm nay có thể chậm hơn so với năm 2019.
Bên cạnh đó, ông Bùi Quang Hưng, Công ty Chứng khoán NH Securities, cũng cho rằng, tỉ trọng khách Trung Quốc du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không đã chậm lại từ năm 2018 nhưng vẫn chiếm tới hơn 39% tổng lượng khách du lịch qua đường hàng không. Đợt bùng phát dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ khiến lượng khách quốc tế đặc biệt là du khách Trung Quốc và cả khách du lịch trong nước e dè hơn trong năm 2020. Cạnh tranh trên thị trường hàng không trong thời gian tới sẽ vô cùng gay gắt với sự tham gia của Kite Air và Vietravel. Ngoài ra, theo Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), nếu kế hoạch mở rộng đội bay được phê duyệt thì riêng trong năm 2020 sẽ có 8 máy bay mới hoạt động của 2 hãng bay lớn Vietnam Airlines và Vietjet.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam