Hủy

Ngân sách hụt hơi

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 05/11/2018 10:30

Cơ cấu chi thường xuyên vẫn chưa tương thích với mục tiêu phát triển một nền kinh tế thị trường toàn diện.
 

Chúng ta không thể coi như không nhìn thấy dấu hiệu hụt hơi của khu vực kinh tế tư nhân, vốn đã được xác định là động lực của nền kinh tế. Theo báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội vào giữa tháng 10 của Kiểm toán Nhà nước, trong nhóm nguồn thu không đạt dự toán, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2 % (4.885 tỉ đồng).

Mục tiêu quá sức

Sẽ rất dễ dàng hơn nếu chấp nhận lời phản biện của nhiều đại biểu Quốc hội, vì chúng ta đã đặt ra mục tiêu thu ngân sách quá sức của nền kinh tế, dẫn đến hệ lụy tất yếu là hụt thu. Đặc biệt, lời phản biện thẳng đó lại không đi kèm với vị thuốc đắng hơn: chi nhiều thì chẳng thể giảm thu. Bức tranh về khối doanh nghiệp tư nhân ảm đạm không chỉ bởi nguyên nhân đó. Cũng theo số liệu trình bày trước Quốc hội, tổng số nợ thuế tính đến hết tháng 9 là 82.961 tỉ đồng, trong đó 42,1% không có khả năng thu hồi. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những người nộp thuế bởi chính Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phải thừa nhận, số nợ đọng do người nợ thuế đã chết, mất tích; doanh nghiệp không còn tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; tiền chậm nộp phạt...

Thực tế này có thể lý giải qua xu hướng giải thể, ngừng hoạt động hàng loạt của doanh nghiệp, tăng tới 32,1% trong 9 tháng đầu năm 2018; tính riêng quý III/2018, mức tăng này là 49% so với cùng kỳ. Đã không thể tồn tại, không thể nói tới chuyện đóng các loại thuế, trả nợ phạt hay giải quyết nợ đọng thuế. Nước xa chẳng thể cứu được lửa gần, những kỳ vọng đặt lên vai nhóm startup, cùng với rất nhiều nguồn lực dự định dồn vào nhóm doanh nghiệp này xem ra cần cân nhắc thận trọng hơn nữa.

Ngan sach hut hoi
 

Tiếc là, khó khăn của khối doanh nghiệp tư nhân không được trả giá đúng. Dẫu có lạc quan cho rằng, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỉ đồng) là hệ quả tất yếu từ nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trả nền kinh tế về cho thị trường, vẫn chẳng thể bao biện trước thực tế thu từ khu vực FDI giảm ở mức cao nhất trong 3 khối, với con số tuyệt đối là 33.646 tỉ đồng, tương ứng 15,1%. Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế độc lập, đóng góp của doanh nghiệp FDI có thể còn khiêm tốn hơn thế bởi một phần không nhỏ trong đó là thuế gián thu, chính là khoản người dân Việt Nam đóng vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI. Rõ ràng, rất nhiều nguồn lực của nền kinh tế đã chuyển hóa thành ưu đãi cho doanh nghiệp FDI và xu hướng này có vẻ chưa thể chấm dứt nếu chúng ta vẫn muốn hái những quả ngọt trên giấy tờ.

Ngan sach hut hoi
 

Trong bối cảnh này, số thu vượt dự toán nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỉ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỉ đồng) không thể mang lại niềm vui. Cũng chẳng thể hy vọng nhiều vào việc giá dầu được dự đoán có thể tăng tới 100 USD/thùng vì nguồn tài nguyên này đã được khai thác sắp tới hạn. Phần thu từ đất đai có thể được mở rộng khi Việt Nam quyết liệt xử lý nạn cổ phần hóa kèm hóa giá đất vàng giá bèo nhưng dĩ nhiên nguồn thu này cũng có giới hạn.

Tìm cây đũa thần

Sẽ không có “cây đũa thần” khiến các thực thể kinh tế của Việt Nam đột nhiên vươn mình thành Thánh Gióng. Nhất là khi doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt với muôn vàn sức ép đến từ một thị trường phẳng quy mô toàn cầu. Giải pháp hợp lý và thông minh hơn, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, là “phải giảm chi, trọng tâm là giảm chi thường xuyên”.

Thế nhưng, ngay cả điều này cũng không dễ thực hiện. Trở lực không đến từ năng lực của người thừa hành hay ngáng trở của nhóm người chịu tác động mà chính từ cách tiếp cận vấn đề hóa ra chưa quyết liệt như chúng ta vẫn tưởng.

Ngan sach hut hoi
 
 
 

Thứ nhất, trong 2 năm 2017-2018, Việt Nam đã bội chi và phải đi vay để bù bội chi. Nghịch lý này chưa tréo ngoe bằng việc cũng trong giai đoạn này, khoản tiền đi mượn theo kế hoạch nhiều hơn mức bội chi từ khoảng 55.000 tỉ đồng đến trên 70.000 tỉ đồng. Không công khai về khoản chênh lệch này khiến người ta có cảm tưởng, đây là một lẽ... bình thường. Sự dễ dãi còn thể hiện trong cách thức quy định mức bội chi hằng năm, luôn là con số tương đối trên GDP. Không đối diện với gánh nặng vay hằng năm để chi tiêu, sẽ thiếu đi rất nhiều động lực thắt lưng buộc bụng.

Quan trọng hơn, cơ cấu chi thường xuyên vẫn chưa tương thích với mục tiêu phát triển một nền kinh tế thị trường toàn diện. Chỉ khi từng nhân sự, từng khoản chi cho bộ máy công quyền đều nằm trong guồng máy hỗ trợ cho doanh nghiệp, mới bắt đầu đong đếm được hiệu quả.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới