Sau 2 năm thí điểm, sẽ bỏ mô hình "taxi điện tử"?
Theo nội dung của tờ trình được gửi lên Thủ tướng Chính Phủ, Grab và Uber sẽ được quản lý theo mô hình taxi truyền thống. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng bỏ luôn quy định “taxi điện tử” trong bản dự thảo về Nghị định thay thế Nghị định 86 sau 2 năm thí điểm.
Khá thú vị, trong số 8 doanh nghiệm tham gia thí điểm mô hình xe công nghệ, có đến 7 đơn vị là doanh nghiệp taxi truyền thống.
Gia nhập thị trường Việt Nam năm 2012, mô hình thí điểm xe công nghệ với các điển hình Grab, Uber định nghĩa mình là nền tảng gọi xe theo mô hình kinh tế chia sẻ. Với cách làm này, doanh nghiệp công nghệ sẽ đóng vai trò là kết nối giữa người đi và tài xế taxi nên không đầu tư bất cứ phương tiện di chuyển nào nên tốc độ mở rộng của các đơn vị này rất nhanh.
Dù mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 5 năm nhưng số lượng xe và tài xế của Grab gấp đôi cả Mai Linh và Vinasun cộng lại. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ tiên tiến, các nhà cung cấp ứng dụng này có thể bắt tay với các hợp tác xã (HTX), kết nối lượng lao động và phương tiện nhàn rỗi để cùng vận hành, hạn chế phát sinh các chi phí như bãi thuê đỗ, chi phí đầu tư xe, chi phí nhân sự quản lý… nên giá cuớc của các hãng này cạnh tranh hơn so với các công ty truyền thống vào các khung giờ thông thường.
Đây là nguyên nhân chính khiến Grab và Uber bị các công ty truyền thống buộc tội cạnh tranh không lành mạnh trong thời gian qua.
Nếu Nghị định được thông qua, bất cứ đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối dịch vụ vận tải dưới 9 chỗ nào cũng sẽ phải quay ngược lại lập mô hình quản lý như trước đó. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải gánh thêm rất nhiều loại chi phí không cần thiết và triệt tiêu khả năng khả năng mở rộng cũng như cung cấp một mức giá cạnh tranh. Dự kiến, có hơn 30.000 tài xế sẽ đối mặt với tình trạng mất việc làm trong tương lai.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO phản ứng rất mạnh đối với quan điểm quản lý của Bộ GTVT đồng thời cho rằng cách làm này trái với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ. “Bộ GTVT liên tục thay đổi quan điểm thể hiện không có chính kiến, làm Nghị định kiểu "đẽo cày giữa đường” vậy”, ông Đức nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia giấu tên cho rằng cách làm này không chỉ ảnh hưởng cho người dùng mà cả các startup Việt Nam đang theo đuổi mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực giao thông. Điển hình như Fast Go, ứng dụng gọi xe tương tự Grab, đơn vị này vừa nhận đầu tư từ VinaCapital Ventures hồi tháng 8, nhiều khả năng cũng chung số phận như Grab nếu Nghị định mới được thông qua.
Theo vị này, cần nhìn nhận kinh tế chia sẻ là mô hình mới, loại bỏ các khâu trung gian để vận hành hiệu quả và cắt giảm chi phí, giảm gánh nặng giá thành cho người dùng. Đồng thời, mô hình này cũng đem lại sự minh bạch giữa khách hàng và tài xế, điều mà các mô hình truyền thống trước đây không đáp ứng được.
Những ưu điểm này là điều hấp dẫn với các nhà đầu tư. Ngược lại, nếu bị quản lý như mô hình truyền thống, các công ty gọi xe ở Việt Nam sẽ khó hấp dẫn được nhà đầu tư vì chi phí cao và khả năng mở rộng gần như là không thể vì thiếu yếu tố công nghệ mang tính đột phá.
Xa hơn, điều đáng quan ngại với thay đổi của Bộ GTVT là việc các mô hình kinh tế chia sẻ khác cũng có thể bị ảnh hưởng từ cách quản lý như vậy. Điển hình như mô hình chia sẻ nhà cho thuê airbnb chẳng hạn, cũng đang gây ra áp lực với ngành kinh doanh khách sạn ở Việt Nam.
“Nếu nghị định mới được thông qua, tôi nghĩ đã đến lúc nói lời chia tay với mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam”, vị này nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Minh Đức