Hủy

Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

Thứ Hai | 10/08/2009 16:33

 

Ngày 19.6.2009, Quốc hội đã thông qua Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SĐBS). Luật này sửa đổi, bổ sung tổng cộng 33 điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (Luật hiện hành) và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2010.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Theo Luật hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh là 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu chưa được công bố trong thời hạn 50 năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 50 năm kể từ khi tác phẩm được định hình.

Tuy nhiên, theo Luật SĐBS, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh đã được nâng lên thành 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.

Riêng tác phẩm sân khấu, theo Luật SĐBS, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm này đã được chuyển sang tính theo đời người. Theo đó, thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm này là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết (trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì sẽ là năm đồng tác giả cuối cùng chết).

Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Theo quy định của Luật hiện hành, để được cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định hình thức và nội dung. Thời hạn thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn. Thời hạn thẩm định nội dung: Đối với sáng chế là 12 tháng kể từ ngày công bố đơn (với điều kiện là yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn) Đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là 6 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Theo Luật SĐBS, thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được điều chỉnh như sau: Không quá 18 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với sáng chế (với điều kiện là yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn) Không quá 9 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với nhãn hiệu Không quá 7 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với kiểu dáng công nghiệp Không quá 6 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với chỉ dẫn địa lý.

Tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

Theo Luật hiện hành, tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp sẽ phải thuộc một trong các loại hình: doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư (kể cả tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam) và tổ chức dịch vụ khoa học, công nghệ. Liên quan đến vấn đề này, Luật SĐBS đã bổ sung thêm loại hình hợp tác xã, đồng thời loại trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam ra khỏi nhóm các loại hình tổ chức được phép kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Quyền đối với giống cây trồng

Quyền đối với giống cây trồng được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Liên quan quyền này, Luật SĐBS đã hoàn thiện hơn các quy định của Luật hiện hành.

Về đối tượng của quyền đối với giống cây trồng, Luật SĐBS đã quy định cụ thể hơn, đó là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. Đồng thời, Luật SĐBS cũng bổ sung quy định giải thích rõ 2 khái niệm này: Vật liệu nhân giống là cây hoặc bộ phận của cây có khả năng phát triển thành một cây mới dùng để nhân giống hoặc để gieo trồng Vật liệu thu hoạch là cây hoặc bộ phận của cây thu được từ việc gieo trồng vật liệu nhân giống.

Ngoài ra, Luật SĐBS cũng bổ sung thêm quy định về điều kiện đối với tổ chức để được phép kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng cũng như điều kiện đối với cá nhân để được phép hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.

Xử phạt vi phạm hành chính

Nếu theo Luật hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho chủ sở hữu thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính sau khi đã được chủ sở hữu thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm nhưng vẫn không chấm dứt. Tuy nhiên, theo Luật SĐBS, chỉ cần tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu, tác giả thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Luật SĐBS cũng loại bỏ quy định về mức tiền phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Luật hiện hành: ít nhất bằng chính giá trị hàng hóa vi phạm và nhiều nhất không vượt quá 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được. Thay vào đó, Luật SĐBS quy định mức tiền phạt này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (mức thấp nhất là 10.000 đồng và mức tối đa là 500 triệu đồng).


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới