Hủy

Thị trường sữa: Trong ra, ngoài vào

Nguyễn Hoài Thứ Ba | 08/10/2019 14:00

Ảnh: TL

 
 
Thị trường sữa Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển cả ở chiều nhập khẩu và xuất khẩu.

Tập đoàn Viet Australia tổ chức họp báo chính thức ra mắt sản phẩm Nubone, dòng sữa công thức và sữa cao năng lượng cho trẻ em, do Công ty Lotte Foods thuộc Tập đoàn Lotte sản xuất. Cùng thời điểm, Công ty Cổ phần Sữa VitaDairy Việt Nam và Tập đoàn  PanTheryx - Mỹ kết hợp tác chiến lược độc quyền sử dụng sữa non ColosIgG 24h tại Việt Nam.

Hai thương vụ trên có thể thấy thị trường sữa ngoại tại Việt Nam đang sôi động hơn vào thời điểm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, ngành sữa trong nước phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ bên ngoài. Thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật giảm xuống còn 0% khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá.

 

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2010-2018, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 7,2 tỉ USD các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm người tiêu dùng bỏ ra 890 triệu USD. Khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các công ty sữa nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, doanh nghiệp sữa nước ngoài có lợi thế ở mảng sữa bột công thức, còn mảng sữa chua và sữa thanh trùng thì bị hạn chế vì sản phẩm phải bảo quản mát, thời gian vận chuyển dài, chi phí cao.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC, EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sữa nội địa gần như không được hưởng lợi gì từ việc này do EU vẫn chưa cấp phép nhập khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam.

Sức ép của sữa ngoại ngày càng lớn dần buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi chiến lược cạnh tranh. Ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc Công ty Sữa Quốc tế (IDP), thừa nhận với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, họ chỉ cần bỏ 10% doanh thu để chạy chương trình tiếp thị là đã bằng doanh thu cả năm của các doanh nghiệp nhỏ.

Còn Hanoimilk vẫn chưa ra khỏi khó khăn dù kết thúc quý I/2019 ghi nhận doanh thu tăng 37% lên hơn 40 tỉ đồng nhưng lãi sau thuế vọn vẻn 166 triệu đồng. Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanoimilk, thừa nhận các đối thủ cạnh tranh gây sức ép rất mạnh trên thị trường qua việc liên tục tung các chương trình khuyến mãi, tiếp thị với ngân sách lớn. Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cảnh báo trong các năm tới, do thuế giảm, kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Các doanh nghiệp sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà.

Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp sữa trong nước đang gấp rút tính tới phương án đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó Vinamilk đầu tư sang Mỹ, New Zealand, Campuchia, Ba Lan, Lào, Myanmar và đang tìm kiếm, mở rộng thị trường sang EU, châu Phi và Nam Mỹ; TH True Milk đầu tư dự án khoảng 2,7 tỉ USD sang Nga để chăn nuôi, chế biến sữa... Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sữa tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%.

 

 Vinamilk phải chạy đua để đạt tới mục tiêu 3,3 tỉ USD doanh thu vào năm 2021 từ mức 2,2 tỉ USD hiện tại.

Trong đó, các doanh nghiệp sữa như Vinamilk hướng tới thị trường ASEAN vì Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đều là nước có nhu cầu nhập khẩu sữa với giá trị rất lớn, khoảng 500-600 triệu USD/năm. Tuy nhiên, xét về kim ngạch nhập khẩu, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) mới là những thị trường hàng đầu thế giới. Mỗi năm quốc gia này nhập khoảng 5 tỉ USD sữa và sản phẩm từ sữa, chiếm 18,3% tổng sữa nhập khẩu trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của nước này hiện chỉ đủ đáp ứng 75% nhu cầu thị trường.

Tin vui là khoảng trung tuần tháng 10.2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỉ dân này. Có 5 doanh nghiệp đầu tiên được đề xuất xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc là Vinamilk, TH True milk, Mộc Châu Milk, NutiFood, Hanoimilk. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD trong năm tới. Khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng để vươn lên vị trí thứ nhất. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp cận ở hai phân khúc là mặt hàng cao cấp dành cho người thu nhập cao và hàng bình dân. Trong tương lai khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm sữa, sản phẩm chế biến từ sữa của Việt Nam cũng còn dư địa rất lớn.

Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc hiện nay tương đối khó khăn với nhiều quy chuẩn gắt gao. Để thúc đẩy xuất khẩu sữa, doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sữa và sản phẩm sữa Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn hữu cơ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới