Thịt ngoại tìm đường đổ bộ vào thị trường Việt Nam
Dây chuyền giết mổ heo tại Vissan. Ảnh: Quý Hòa
Đón đầu CPTPP và EVFTA, các nhà xuất khẩu đang thông qua Triển lãm Food & Hotell 2018, từ ngày 28 đến 30.11 tại Hà Nội, để thâm nhập thị trường thịt Việt Nam, giữa lúc doanh nghiệp Việt còn đang lúng túng trong việc thực thi các quy cách về tiêu chuẩn chất lượng.
Tìm tiêu chuẩn quốc tế cho thịt
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhưng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn ở vị thế rất thấp so với các ngành hàng khác.
Đang có nhiều công ty, tập đoàn đầu tư vào chăn nuôi như Masan, Phú Gia, Mavin… nhưng chỉ một vài đơn vị có được sản phẩm đạt chất lượng thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thế nhưng, Việt Nam đến nay vẫn là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ. Số liệu giám sát trên diện rộng của ngành nông nghiệp những năm gần đây cho thấy, mặc dù tỉ lệ mẫu vi phạm giảm, nhưng tỉ lệ mẫu vi phạm về các chỉ số vi sinh, ví dụ như E.Coli vượt mức cho phép hay Salmonella (vi khuẩn gây thương hàn) lại ở mức tương đối cao.
Hướng đến sản chất lượng cho sản phẩm trang trại, Bộ Khoa học và Công nghệ, hồi tháng 10 đã ban hành Quyết định số 3087 về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát. Song, nếu chiểu theo đúng quy định được nêu trong văn bản này, đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có một nhà máy nào sản xuất được sản phẩm thịt mát đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại họp báo hôm 17.10, thừa nhận, hiện nay chất lượng thịt, nhất là thịt heo, còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại Việt Nam, theo ông Tiệp, Việt Nam đã có các tiêu chuẩn về thịt tươi, thịt muối... nhưng so với các chuẩn mực quốc tế, thịt heo của Việt Nam chưa có tiêu chuẩn mà quốc tế đang áp dụng.
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta, đặc biệt là đối với các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt. Điều này đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với các công ty chế biến thịt, thúc đẩy nhà sản xuất khép kín chuỗi cung ứng và sản xuất ra các sản phẩm thịt vệ sinh, an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Sẽ cạnh tranh hơn
Ngày một nhiều nhà xuất khẩu tìm kiếm cơ hội kinh doanh sản phẩm thịt tại thị trường Việt Nam. Ryan’s Grocery, công ty đầu tiên mang sản phẩm nông trại, như thịt cừu, thịt bò, thịt heo của Úc tới Singapore, đang tìm kiếm nhà phân phối để đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng Việt Nam.
Sản phẩm của Ryan’s Grocery được bày bán ở Úc, nhưng bà Wendy Foo, Giám đốc Ryan’s Grocery, nói rằng, Việt Nam là thị trường tiềm năng, bằng chứng là rất nhiều khách hàng Việt Nam mua sản phẩm thịt của Ryan’s Grocery ở Singapore.
Theo bà Wendy Foo, người tiêu dùng Việt Nam đang tìm kiếm những sản phẩm nông trại chất lượng cao. “Chúng tôi muốn vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền”, bà Wendy Foo, cho biết.
CPTPP sẽ là cơ hội để đẩy mạnh thương mại giữa Úc và Việt Nam. Bà Wendy Foo cho rằng khi đó thị trường sẽ cạnh tranh hơn, do nhiều doanh nghiệp thực phẩm của các nước thành viên hiệp định này cũng sẽ đến Việt Nam.
Bà Wendy Foo tự tin rằng Ryan’s Grocery sẽ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam bằng “những sản phẩm chất lượng từ những động vật được đối xử tử tế”. Cạnh đó, việc phổ biến kiến thức về thịt chất lượng và thịt an toàn cho người tiêu dùng cũng nằm trong chương trình hậu mãi.
Việt Nam đang giành được ưu tiên của các nhà sản xuất thực phẩm nhờ tiềm năng phát triển lớn, sức tiêu thụ và nhu cầu sản phẩm chất lượng cao từ 94 triệu người tiêu dùng cũng như hệ thống nhà hàng, khách sạn.
Kỳ vọng này là có cơ sở bởi Việt Nam đã nhập khẩu lượng lớn thịt heo từ Tây Ban Nha. Ông José Ramón Godoy, Trưởng ban Quốc tế Tổ chức Liên hiệp Nông nghiệp Thực phẩm của ngành Công nghiệp Thịt bò Tây Ban Nha (Provacuno), tin rằng: “Những tín hiệu tích cực này sẽ lan sang thịt bò”.
Sức tiêu thụ lớn và nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng, đặc biệt là việc Việt Nam đang miễn thuế thịt bò Tây Ban Nha trong 3 năm, đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà sản xuất và xuất khẩu thịt bò Tây Ban Nha, theo ông José Ramón Godoy.
Không chỉ tìm hiểu thói quen tiêu dùng, Provacuno đã nghiên cứu chi tiết cung cầu tại thị trường Việt Nam. Thịt bò Úc ngày một tăng sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng nhập lượng lớn thịt bò đông đá từ Ấn Độ, Hồng Kông…
Theo ông José Ramón Godoy, giai đoạn 2011-2017, tại Việt Nam sản xuất thịt bò ở Việt Nam chỉ tăng 6,3%, nhưng tiêu thụ tăng 28,6%, cho thấy cầu đang lớn hơn cung. Trong khi đó, Tây Ban Nha là một trong những nước sản xuất thịt bò lớn nhất ở châu Âu, với sản lượng 650.000 tấn mỗi năm, trong đó sản lượng xuất khẩu là 175.000 tấn/năm.
Một chiến dịch quảng bá sản phẩm để người Việt Nam “dùng thử” đang được phía Tây Ban Nha triển khai. Trong 3 năm tới, các nhà xuất khẩu Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm tới các nhà nhập khẩu, kênh phân phối, hệ thống các nhà hàng, khách sạn của Việt Nam. Thậm chí, các nhà xuất khẩu đã chuẩn bị 4 xưởng sơ chế cho chiến dịch này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn tất các thủ tục để sớm ký một văn kiện hợp tác với OIE triển khai các ứng dụng kỹ thuật liên quan đến cấp chứng chỉ OIE, phát triển vùng cơ sở an toàn dịch bệnh…
Song, từ thực tế của Việt Nam, điều quan trọng là phải đổi mới trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các cơ sở giết mổ, các cơ sở vận chuyển và kinh doanh bày bán sản phẩm nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh xuống mức thấp nhất có thể.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn