Hủy

Top 10 xuất khẩu vào Mỹ: Mừng 1 - lo 10

Hà Lê Thứ Hai | 14/10/2019 14:00

Ảnh: QH

 
 
Xuất khẩu đi Mỹ tăng đột biến nhưng kéo theo những lo ngại của dòng hàng hóa “rửa” xuất xứ từ Trung Quốc...

Việt Nam với mức tăng 34% tương đương 10,9 tỉ USD, nhảy từ vị trí thứ 12 lên thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ. Trước đó, Bloomberg dự đoán, nếu giữ vững đà tăng trưởng này trong cả năm, Việt Nam có thể bỏ xa Ý, Pháp, Anh và Ấn Độ, vươn lên vị trí thứ 7 trong nhóm những quốc gia xuất khẩu hàng đầu tới Mỹ. Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu đến Mỹ của Việt Nam có thể đạt 69 tỉ USD.

Việt Nam trở nên nổi bật giữa một khu vực có hoạt động xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA sẽ giúp hàng Việt có nhiều cơ hội, gia tăng năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ.

Tuy nhiên, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IPR) tại Việt Nam từ quy định pháp luật đến thực tiễn còn rất nhiều hạn chế dẫn tới nguy cơ hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ, EU và thị trường các nước đối tác FTA, gây thất thu thuế và cạnh trạnh không lành mạnh hoặc các nước sẽ áp dụng chính sách thuế tự vệ cho hàng hóa hợp pháp của Việt Nam.

 

Điều này đáng phải chú ý khi xuất siêu vào Mỹ gia tăng, đặt ra những lo ngại khi Việt Nam có thể bị vạ lây do trở thành nơi “rửa” xuất xứ của hàng Trung Quốc. Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, lo ngại một số mặt hàng của Việt Nam đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, như thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp dụng mức thuế hơn 400%. Nhiều mặt hàng khác cũng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như: pin năng lượng mặt trời, xe đạp, tôm, xe tay nâng...

Không chỉ mượn đường Việt Nam để xuất sang Mỹ, hiện tại, có khá nhiều hàng Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ. Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), Việt Nam có thể trở thành cứ điểm hàng hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể vô tình làm Việt Nam vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá.

Chẳng hạn, trong cơ cấu 200 tỉ USD xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế 25%, hai ngành hàng gần như nổi bật và chiếm tỉ trọng cao nhất là đồ điện tử và gỗ nội thất, với tỉ lệ lần lượt chiếm 24,6% và 16,7%. Trong khi đó, thống kê 5 tháng đầu năm 2019, hàng điện tử và nội thất Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ lại tăng đột biến. Đáng chú ý, mức độ tăng trưởng lại trùng khớp với giá trị nhập khẩu cũng tăng đột biến đến từ thị trường Trung Quốc, đặt ra nghi vấn 2 mặt hàng này đã được rửa xuất xứ tại Việt Nam.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc (với vốn đăng ký mới đạt hơn 2 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm nay, chỉ thấp hơn Hàn Quốc), đi kèm với gia tăng nhập khẩu từ nước này có thể kéo theo lo ngại Việt Nam thành “bãi đáp” cho các doanh nghiệp Trung Quốc lẩn tránh thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ.

Ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GTFA), cũng cho biết trước đây, 10 công ty nhập hàng hóa vào Mỹ đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng hiện đã tăng cường sự xuất hiện của Việt Nam. Nhằm trốn thuế mà Mỹ áp lên Trung Quốc, gỗ và đồ điện tử là các mặt hàng có nguy cơ dịch chuyển sang các nước như Việt Nam để gia công rồi xuất khẩu sang Mỹ.

 

Tuy nhiên, ông Nestor Sherbey cảnh báo các thông tin về hàng hóa, xuất xứ của sản phẩm sẽ khó qua mắt được cơ quan Hải quan Mỹ. Bởi họ có các bài kiểm tra riêng và không phụ thuộc vào cách ghi nhãn của các nước, trong đó có Việt Nam. “Nếu việc cung cấp thông tin không chính xác, các sản phẩm này sẽ phải chấp nhận sự trừng phạt nặng nề từ phía Hải quan Mỹ. Nếu có sự lừa đảo trong nguồn gốc hàng hóa, các công ty, quốc gia này cũng sẽ bị áp phạt rất nghiêm trọng”, ông Nestor Sherbey nói.

Trong một báo cáo công bố ngày 10.10 có tên Cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, World Bank cũng cảnh báo Việt Nam có thể trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo vệ thương mại khác của Mỹ khi thặng dư thương mại với nước này ngày càng tăng lên.

Bản thân xu hướng chuyển dịch đầu tư nói trên, theo đánh giá của ông Dương, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn lấn của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước, vốn đã hiện hữu trong nhiều năm. Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư, nhưng thách thức chính là làm sao cân đối giữa yêu cầu sàng lọc dự án đầu tư với việc giảm các chi phí chính sách không cần thiết cho hoạt động đầu tư.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới