Vốn đầu tư Trung Quốc cao kỷ lục, Việt Nam nhận được gì?
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn Trung Quốc đội gần 5 lần, từ 8.769 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng. Ảnh: Ảnh: vnexpress.net
Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính chung cả Hồng Kông và Trung Quốc đại lục và Đài Loan, tổng số vốn đăng ký từ đầu năm tới ngày 20.4 là hơn 6,6 tỉ USD. Dẫu rằng đã có rất nhiều dự báo về việc Việt Nam trở thành điểm đón dòng vốn FDI trong cuộc đụng độ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, mức tăng trưởng nói trên vẫn cần được nhìn nhận một cách kỹ càng và đầy đủ.
4 tháng đầu năm, vốn Trung Quốc vào Việt Nam bằng 70% cả năm 2018. Sự đột biến này được tạo ra từ sự dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc từ chính các doanh nghiệp của nước này. Trong ngắn hạn, sự dịch chuyển dòng vốn của các doanh nghiệp để ứng phó với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chiến lược “Vành đai - Con đường” và đón đầu Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, tăng trưởng suy giảm là một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam.
Về quy mô các dự án đầu tư, không thể phủ nhận, đã có những thương vụ rất lớn. Trong top các dự án lớn giai đoạn này, đáng kể nhất là dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông, Trung Quốc) vào Công ty Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỉ USD. Hai dự án chế tạo lốp xe với vốn đăng ký trên 200 triệu USD tại Tây Ninh và Tiền Giang cũng ghi dấu ấn nhà đầu tư Trung Quốc. Cứ điểm linh kiện, thiết bị điện tử Bắc Ninh có thể sắp chào đón tân binh là Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD của Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc).
Tuy nhiên, các hiện tượng trên dường như vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trừ đi vài dự án lớn, số vốn không quá dư dả còn lại đang chia đều cho rất nhiều dự án. Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đại lục đứng thứ 2 về số dự án cấp mới và đứng đầu trong số lượt góp vốn mua cổ phần. Có thể nhìn thấy rõ, chiến thuật tiếp cận số lượng lớn, vốn nhỏ của Trung Quốc vẫn không thay đổi, tương ứng 2 mục tiêu, một mặt, cạnh tranh với chính doanh nghiệp nhỏ và vừa sở tại, mặt khác, góp vốn thâu tóm các thành viên trong bộ phận kinh doanh này để tránh các cuộc va chạm thương mại và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam nhiệt tình gia nhập.
Trong tương lai không xa, doanh nghiệp Việt sẽ càng khó khăn hơn khi phải cạnh tranh không cân sức với doanh nghiệp nước bạn - vốn vừa được chính Việt Nam ưu đãi, vừa được hậu thuẫn bởi Trung Quốc. Thậm chí, nếu truy lần nguồn gốc, thương vụ 3,85 tỉ USD mua cổ phần Vietnam Beverage chưa hẳn đã mang lại niềm vui. Đơn vị đứng ra thực hiện giao dịch là BeerCo Limited, doanh nghiệp mà theo Bloomberg đang hoạt động như một công ty con của Thai Beverage Public Limited (ThaiBev). Không loại trừ khả năng, ông chủ người Thái của Sabeco đang điều chuyển dòng tiền và như vậy, con số 3,85 tỉ USD nói trên chỉ là một chiếc bánh kém mùi vị.
Thứ 2, ngoài những dự án ven biển, theo CBRE, năm 2018, 30% giao dịch bất động sản cao cấp tại TP.HCM được thực hiện với khách hàng Trung Quốc. Không thể bỏ qua những lo ngại, dù nguồn vốn Trung Quốc đổ vào chưa nhiều nhưng chủ yếu đi vào những dự án được đầu tư 100% vốn nước ngoài, ở những vị trí chiến lược. Tài của nhà quản lý là phải đảm bảo để không xảy ra tình trạng, nguồn lực đất đai bị thâu tóm, còn lợi ích chỉ dành cho các doanh nghiệp.
Ở khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, dòng vốn Trung Quốc vẫn đi vào các địa chỉ quen thuộc dệt may, da giày, nhựa và các sản phẩm từ nhựa... Dù có dễ dãi bỏ qua những trăn trở muôn năm cũ về bãi đỗ công nghệ cũ của Trung Quốc, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ những ngành sản xuất nguyên liệu..., vẫn không thể nhận diện đó là dòng vốn thế hệ mới mà Việt Nam đang chờ đón.
Quả thật, trong một thị trường phẳng và cạnh tranh như hiện nay, dòng vốn đến từ bất cứ quốc gia nào đều có thể mang lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), khi trao đổi với NCĐT: “Vấn đề là Việt Nam có khả năng lựa chọn và sử dụng chúng một cách hiệu quả, tránh giẫm vào vết xe đổ của các dự án đi trước hay không?”. Đành rằng, cơ chế chính sách phải thông thoáng, minh bạch, cập nhật theo đường hướng phát triển nền kinh tế ngày càng giàu hàm lượng công nghệ, trí tuệ, vẫn rất cần những người quản lý hội đủ tâm và tầm.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn