Hủy

Xử Bầu Kiên hay xử ai?

Thứ Tư | 28/05/2014 09:44

Phiên tòa xử Bầu Kiên nói đúng ra phải là phiên tòa xử cả hệ thống ngân hàng, tài chính.
 

Phiên tòa xử Nguyễn Đức Kiên, người thường được biết nhiều hơn dưới biệt hiệu Bầu Kiên thu hút sự chú ý của nhiều người.

Một thời kỳ hoang dã

Bất kể sự đối đáp của Bầu Kiên và các bị cáo khác có sắc bén đến đâu, họ cũng không phủ nhận được một số điểm then chốt. Dù không cần đi sâu vào chi tiết, chúng ta cũng có thể khẳng định được một số điểm này:

- Một thời gian dài ngân hàng huy động vốn của dân, thay vì tìm cách cho vay để kinh doanh tiền tệ một cách bình thường, ngân hàng lại giao tiền cho nhân viên đi gởi vào ngân hàng khác. Tranh luận chuyện này có trái luật không thì hãy để tòa ra phán quyết nhưng chắc chắn nó trái với mọi lề thói kinh doanh ngân hàng bình thường trên thế giới. Tiền chạy từ ngân hàng sang ngân hàng theo kiểu như thế tạo ra những tài sản ảo, tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo - rõ ràng đã góp phần vào những cơn rúng động suýt gây ra đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng.

- Tiền một ngân hàng huy động từ người dân lại được giao cho nhân viên gởi vào ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất. Điều đó có nghĩa các ngân hàng hoàn toàn không cạnh tranh dựa trên các quy luật thông thường (nếu có thì tại sao ngân hàng kia không tự mình huy động vốn trong dân để khỏi chịu lãi suất cao hơn?) Mọi quy luật thị trường bị bóp méo, có thể ngân hàng bị thiệt nhưng cá nhân lại hưởng lợi mà không có cơ chế nào ngăn cản được.

- Một công ty đăng ký thành lập cứ khai vốn điều lệ cả ngàn tỷ đồng rồi lại phát hành trái phiếu trị giá cả ngàn tỷ đồng nữa để bán cho ngân hàng. Thử hỏi ở một nền kinh tế phát triển bình thường, làm sao có thể có chuyện một công ty mới thành lập lại dễ dàng phát hành trái phiếu như thế? Tất cả quy trình soát xét bình thường đã bị bỏ qua; ngân hàng cũng bỏ qua các động tác due diligence (thẩm tra đánh giá) cần thiết mà nhắm mắt mua trái phiếu vô giá trị kia. Đó không phải là sự thao túng ngân hàng bất kể thiệt hại của cổ đông thì là gì nữa.

- Chính việc phát hành trái phiếu dễ dàng thời đó là khe hở để nhiều tay tài phiệt góp vốn sở hữu nhiều ngân hàng mà thực chất không góp gì cả. Đây chính là khởi đầu của hiện trạng sở hữu chéo thành một mớ bùng nhùng mà cho đến giờ vẫn chưa gỡ ra hết.

- Hàng loạt các hoạt động khác chỉ có trong hệ thống ngân hàng thời kỳ đó như để công ty chứng khoán do chính ngân hàng thành lập mua cổ phiếu chính mình.

Đối chiếu chỉ một điểm là phát hành trái phiếu rồi sử dụng tiền đó để thao túng ngân hàng, tức không dùng tiền phát hành trái phiếu vào đúng mục đích khi phát hành thì những tội danh mà Viện Kiểm sát khép cho Bầu Kiên là không đúng thực chất và dễ bị bác bỏ.

Rõ ràng hệ thống luật pháp cho giai đoạn hậu WTO còn rất sơ khai. Nó để cho người đi vay nợ (phát hành trái phiếu) không bị ràng buộc gì về việc bảo đảm trả nợ; bất chấp quyền lợi của các chủ nợ. Nó để cho người giữ tiền ký thác (ngân hàng) xuất tiền vung vẩy, bất kể trái phiếu có bảo đảm hay không, cứ mua bừa, cả trái phiếu lẫn cổ phiếu! Luật pháp ở trạng thái ấy đã giúp người có thế lạm dụng của cải xã hội cho lợi ích riêng.

Những hành vi như kinh doanh trái phép, trốn thuế, làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng có thể chưa cấu thành tội danh vì lúc đó luật pháp còn thiếu sót.

Và đó chính là bi kịch để một kẻ từng thao túng thị trường như Bầu Kiên lại trở thành một người hùng trong mắt nhiều người quan sát phiên tòa chỉ để tìm kịch tính.


Nguồn Đọc bản đầy đủ trên TBKTSG


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới