Hủy
Tài Chính

Công ty chứng khoán mở cuộc đua tổng lực

Vũ Hoài Thứ Sáu | 12/04/2024 07:30

Các công ty chứng khoán có thể gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và tăng trưởng doanh số khi không có nguồn thu từ phí giao dịch. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

Các công ty chứng khoán không chỉ chạy đua về phí giao dịch, sản phẩm dịch vụ, mà còn tăng tốc tăng vốn để tạo lợi thế thị phần.
 

Đối với hoạt động của các công ty chứng khoán, môi giới, tự doanh và cho vay ký quỹ là 3 mảng đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu của họ. Dữ liệu thống kê của NCĐT cho thấy năm 2023, 3 mảng kinh doanh này chiếm khoảng 88% tổng doanh thu của Top 10 thị phần môi giới chứng khoán, trong đó doanh thu từ mảng môi giới chiếm hơn 23%.

Cuộc đua phí 0 đồng

Theo dữ liệu từ WiGroup, tổng doanh thu môi giới công ty chứng khoán toàn thị trường năm 2023 là hơn 12.600 tỉ đồng, giảm 22% so với năm 2022, biên lợi nhuận gộp của mảng này cũng giảm từ 28% về xấp xỉ 18%.

“Zero fee” là một nguyên nhân quan trọng lý giải cho sự sụt giảm doanh thu và biên lợi nhuận của mảng môi giới. Cuộc chạy đua về phí giao dịch ngày càng trở nên sôi động khi nhiều công ty chứng khoán như Pinetree, MBS, DNSE hay TCBS đã miễn phí giao dịch trọn đời. Hiện nay, mức phí phổ biến mà các công ty chứng khoán đang áp dụng dao động từ 0,1-0,15% trên tổng giá trị giao dịch.

Trên thực tế, mô hình “zero fee” đã được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới, như một số công ty chứng khoán lớn ở Mỹ đã giảm hoặc loại bỏ phí giao dịch đối với các loại tài sản như cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ ETF. Chia sẻ với NCĐT, ông Lê Hoàng Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán ACBS, cho biết trong mô hình kinh doanh môi giới truyền thống, phí giao dịch là nguồn thu ổn định và đóng góp tỉ trọng tương đối cao trong cơ cấu tổng doanh thu của các công ty chứng khoán, thường chỉ đứng sau doanh thu lãi cho vay margin. Tuy nhiên, tùy theo mô hình hoạt động mà các công ty chứng khoán có chiến lược và chính sách giá khác nhau đối với nguồn thu này.

“Các công ty chứng khoán này thường sẽ miễn phí giao dịch nhưng sẽ thu các loại phí khác như phí tư vấn, phí quản lý tài khoản, phí sử dụng hạ tầng... hoặc họ sẽ chuyển sang một dạng thu khác như lãi margin cao hơn mặt bằng chung”, ông Tân nói.

Cũng theo đại diện ACBS, trong mô hình hoạt động mảng dịch vụ chứng khoán bao gồm 5 nền tảng cốt lõi: năng lực tài chính, sản phẩm dịch vụ, hạ tầng công nghệ, hiệu quả tư vấn đầu tư và chính sách giá. “Zero fee” chỉ là một thành phần trong cấu trúc “chính sách giá” mà mỗi công ty chứng khoán chọn lựa. Tùy theo năng lực và chiến lược hoạt động mà các công ty chứng khoán sẽ chọn xây dựng mô hình trên các nền tảng cốt lõi nào.

Chuyển dịch mô hình kinh doanh

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng mô hình “zero fee” cũng mang theo một số rủi ro. Các công ty chứng khoán có thể gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và tăng trưởng doanh số khi không có nguồn thu từ phí giao dịch.

“Chúng tôi hiểu rằng, mục tiêu cuối cùng của nhà đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận và quản trị rủi ro hiệu quả mà mục tiêu đó không thể giải quyết qua việc miễn giảm phí giao dịch. Lợi nhuận cuối cùng mới là thước đo thành công và chất lượng dịch vụ của công ty chứng khoán dành cho khách hàng”, ông Tân chia sẻ.

Ở góc nhìn về sự chuyển dịch mô hình kinh doanh của các công ty chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng các công ty tập trung vào khách hàng cá nhân đang giảm chi phí giao dịch, chuyển sang giao dịch miễn phí hoàn toàn và thay vào đó, tạo ra lợi nhuận từ những sản phẩm khác như cho vay ký quỹ, quản lý tài sản hoặc tư vấn đầu tư.

VNDIRECT đánh giá cho vay ký quỹ cùng với đầu tư sẽ là những nguồn doanh thu chính cho các công ty trong ngành và đây cũng là mô hình kinh doanh mà nhiều công ty hướng tới. Đối với hầu hết các công ty chứng khoán, hoạt động cho vay ký quỹ đóng góp phần lớn vào lợi nhuận gộp của họ. “Chúng tôi tin rằng những công ty có thể phát triển cơ sở khách hàng cá nhân, có thị phần môi giới lớn và có khả năng huy động được lượng vốn lớn sẽ có thể phát triển hoạt động cho vay ký quỹ trong tương lai”, VNDIRECT nhận định.

Để bắt kịp sự chuyển dịch và phát triển của ngành, các công ty chứng khoán còn chạy đua tăng vốn nhằm mang lại lợi ích đa chiều cho hoạt động kinh doanh, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường. Công ty Chứng khoán Vietcap, chẳng hạn, đã trình Đại hội cổ đông phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gần 7.200 tỉ đồng. Tương tự, nhiều công ty chứng khoán khác cũng chuẩn bị kế hoạch tăng vốn từ đầu năm nay như FPTS hay SSI. ACBS đã nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỉ đồng lên mức 7.000 tỉ đồng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới