Hủy
Tài Chính

Không lo dòng tiền ngoại tệ sẽ đổ ra khỏi Việt Nam

Thứ Tư | 30/09/2015 17:08

“Nếu so sánh với lãi suất USD ở Mỹ, thì tại Việt Nam lãi suất của USD đã thấp hơn so với thị trường quốc tế"
 

Giảm sức hấp dẫn của USD

Theo Quyết định số 1938/QĐ-NHNN vừa được ban hành, NHNN sẽ giảm trần lãi suất tiền gửi USD đối với cá nhân, từ 0,75% xuống 0,25%/năm và giảm trần lãi suất đối với tổ chức từ 0,25% xuống còn 0%/năm, có hiệu lực từ ngày 28/9/2015.

Theo tuyên bố của NHNN, với quyết định này nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ để góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.

Khi hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%, NHNN kỳ vọng mức độ hấp dẫn của việc nắm giữ USD sẽ giảm đi tương ứng so với nắm giữ VND, khuyến khích người có tài sản chuyển sang nắm giữ tài sản bằng VND nhiều hơn là USD.

Ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết Chính phủ và NHNN đã thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong 10 năm, từ 2005 đến nay nhằm hạn chế sử dụng đồng USD và ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam kể cả tiền gửi và tiền vay. Ông cho biết tất cả chính sách tiền tệ của mọi quốc gia nếu như xuất hiện nhiều đồng tiền trong một nền kinh tế của mình sẽ tạo nhiều khó khăn nên đất nước nào cũng chống hiện tượng ngoại tệ hóa. Tại Việt Nam, lộ trình này được thực hiện thông qua việc giảm dần lãi suất của đồng USD để hạn chế và sử dụng đồng USD.

Lo ngại sự dịch chuyển của dòng ngoại tệ

Trong trường hợp FED điều chỉnh theo hướng tăng lên thì NHNN cũng phải có những nghiên cứu đánh giá và có những đối sách kịp thời để tiếp tục có những cam kết ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại, việc giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ làm giảm tính hấp dẫn cuả việc đầu tư tìm kiếm chênh lệch lãi suất ở Việt Nam, ảnh hưởng tới kiều hối và thậm chí khiến nhiều người dự báo dòng tiền gửi bằng ngoại tệ có thể sẽ dịch chuyển ra khỏi Việt Nam. Đặc biệt hơn là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng nâng lãi suất USD vào cuối năm nay như thông tin mà Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen vừa khẳng định vào hôm 24/9, mặc dù bà vẫn thừa nhận rằng những diễn biến bất ngờ của nền kinh tế có thể khiến FED phải thay đổi kế hoạch.

Chưa thể biết rõ việc FED sẽ tăng lãi suất vào thời điểm nào và động thái ra sao, song trong trường hợp FED có quyết định chính thức tăng lãi suất trong thời gian cuối năm thì đồng USD trên thị trường thế giới sẽ mạnh lên. Và theo đó, dù khó nhưng vẫn có thể xảy ra sự rút vốn USD đầu tư ở nước ngoài chuyển về Mỹ thì luồng vốn USD, gồm cả vốn đầu tư tìm kiếm chênh lệch lãi suất sẽ đổ ra khỏi Việt Nam có nhiều khả năng sẽ tăng hơn nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn của VTV, sau động thái cắt giảm lãi suất USD của NHNN, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cũng đánh giá: “Nếu so sánh với lãi suất USD ở Mỹ, thì tại Việt Nam lãi suất của USD đã thấp hơn so với thị trường quốc tế. Thị trường vốn là thị trường liên thông đặc biệt là với các tổ chức nước ngoài không chịu sự ràng buộc và kiểm soát về vốn giống như người dân trong nước thì họ sẵn sàng rút để chuyển phần tiền lợi nhuận, phần cổ tức, phần nhàn rỗi tại thị trường Việt Nam về các thị trường Mỹ hay là Châu Âu để hưởng lãi suất cao hơn. Đây rõ ràng là một rủi ro hiện hữu”. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại vì quy định quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện khá chặt chẽ.

Giải thích vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh, NHNN phải tiếp tục theo dõi bám sát động thái của FED đối với lãi suất. Trong trường hợp FED điều chỉnh theo hướng tăng lên thì NHNN cũng phải có những nghiên cứu đánh giá và có những đối sách kịp thời để tiếp tục có những cam kết ổn định tỷ giá.

Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu với nền kinh tế thế giới. Do đó, khi FED tăng lãi suất, Việt Nam cần duy trì mặt bằng lãi suất USD trong nước ở mức hợp lý để đảm bảo lãi suất USD tại Việt Nam không quá thấp so với mặt bằng lãi suất thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp tránh việc khó thu hút vốn vào thị trường Việt Nam hoặc các doanh nghiệp sẽ tìm cách giữ doanh thu xuất khẩu tại nước ngoài.

Với việc hạ lãi suất huy động USD sẽ tác động như thế nào đối với lượng kiều hối? – Đó là câu hỏi cũng đang được nhiều người đặt ra. Theo bộ phân phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), động thái này có thể làm tổn thương cho kiều hối khi lãi suất tiền gửi USD ở Việt Nam không khác mấy so với các nước khác (hiện nay thậm chí còn thấp hơn so với lãi suất LIBOR 2 tháng).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối về TP HCM chiếm tỷ lệ khá cao so với cả nước. Có năm chiếm tới 40%-45%, năm 2015 có thể chiếm tới 50% lượng kiều hối chuyển về trong cả nước. Tính đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối về TP HCM ước đạt 3,250 tỷ USD, cả năm 2015 khoảng 5,5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, với sự điều chỉnh tỷ giá USD/VND đảm bảo sự hấp dẫn lượng kiều hối gửi về Việt Nam so với trước. Thêm vào đó, cơ chế về kiều hối hiện nay khá thông thoáng khi người nhận có thể nhận bằng tiền mặt, chuyển khoản, có thể gửi tiết kiệm… mà không phải chịu thuế hoặc phí cũng rất thấp từ 0,2% – 0,5% cũng tạo nên sự hấp dẫn về thu hút kiều hối.

Thực tế ghi nhận, trong những năm gần đây, thu hút lượng kiều hối của Việt Nam tăng dần qua các năm. Một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối liên tục tăng là trong những năm gần đây là do chính sách ổn định tỷ giá được NHNN quan tâm chỉ đạo rất chặt chẽ và theo sát thị trường.

Tuy còn khá sớm để thấy hiệu quả và phản ứng của thị trường với đợt hạ lãi suất tiền gửi USD lần này của NHNN, nhưng có thể thấy, NHNN thêm một lần nữa điều hành chủ động trước các diễn biến sắp tới của FED cũng như nhu cầu USD của thị trường trong nước vào những tháng cuối năm.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới