Hủy

Điểm dừng của tỷ giá

Tùng Lưu Thứ Ba | 28/08/2018 14:00

Tính từ đầu năm, tiền đồng đã giảm giá khoảng 2,5% so với đồng USD.
 

Đà tăng của tỷ giá

Điều chỉnh tỷ giá: Cần tính khả năng Mỹ “nhắm thẳng tới Việt Nam”


Chiều ngày 24.8, tỉ giá VND/USD tại các ngân hàng bất ngờ tăng khá mạnh, phổ biến tăng từ 10-30 đồng/USD. Tỉ giá trung tâm tăng trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế đi lên sau 6 phiên liên tiếp giảm. Diễn biến của đồng USD sẽ tiếp tục tác động thế nào với tỉ giá VND?

Theo nhiều chuyên gia, đà giảm giá của tiền đồng thời gian qua dường như không phải vì những vấn đề nội tại của Việt Nam mà xuất phát từ bên ngoài. Tâm điểm chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Điều này đã giúp đồng USD mạnh lên. Sau khi rơi xuống mức thấp trong vòng 3 năm vào tháng 4, đồng USD đã mạnh lên gần 6%, kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump ra chính sách áp thuế với Trung Quốc. Mỹ bắt đầu chính thức đánh thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 23.8. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã chính thức áp thuế bổ sung 25% đối với 16 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Sự tăng giá của USD và giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ (NDT) còn được giới phân tích lý giải do nhà đầu tư tìm đến USD như một kênh trú ẩn an toàn hơn khi các cuộc đàm phán Mỹ - Trung không có đột phá đáng kể nào.

Tuy nhiên, về cuộc chiến tranh thương mại, theo một nghiên cứu của hai học giả Niall Ferguson và Xiang Xu, thuộc Hoover Institution của Đại học Stanford, số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc chỉ bằng khoảng 4% GDP của Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu Mỹ sang Trung Quốc chưa bằng 1% GDP của Mỹ. Tác động của việc Trung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ chỉ khiến tăng trưởng GDP của nền kinh tế số 1 thế giới giảm khoảng 0,08%. Do vậy, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế Công ty Cổ phần Chứng khoán MB, bình luận rằng chiến tranh thương mại có thể sớm chấm dứt trong thời gian tới.

Quan điểm trên cũng trùng với một số nhà phân tích trên tờ Wall Street Journal, khi họ cho rằng chiến tranh thương mại có thể chấm dứt khi cả hai bên không muốn mọi việc đi quá xa. Thực tế, quan chức hai nước đang tích cực sắp xếp những cuộc đàm phán nhằm ngăn rủi ro xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện. Đặc biệt là cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong tháng 11.

Ngoài vấn đề chiến tranh thương mại, yếu tố tác động tới đồng USD là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục nâng lãi suất. Thời gian gần đây, ông Trump liên tục công kích việc đồng USD quá mạnh và chỉ trích Trung Quốc và Liên minh châu Âu “thao túng tiền tệ”. Ông Trump thậm chí còn chỉ trích FED dưới thời Chủ tịch Jerome Powell “đã tăng lãi suất quá nhanh”. Giới phân tích quan ngại rằng ông Trump có thể làm suy yếu đồng USD nhằm đạt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại. Dù điều này có trở thành hiện thực hay không thì nó cũng đã khiến đồng USD suy yếu ngay lập tức.

Diem dung cua ty gia
 

Bên cạnh đó, thời gian qua, giới phân tích Việt Nam và thế giới luôn quan ngại khả năng tiền đồng mất giá thêm nếu xu hướng giảm giá của đồng tiền Trung Quốc tiếp tục. Diễn biến phá giá liên tiếp đồng NDT của Trung Quốc ám ảnh về cú sốc từng xảy ra vào năm 2015. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải hai lần nới rộng biên độ tỉ giá; tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD cũng liên tiếp tăng mạnh.

Tuy nhiên, gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thường giữ tỉ giá biến động trong khoảng 6,3-6,9 NDT/USD. Nếu tỉ giá chạm 1 trong 2 mức này thì PBOC sẽ can thiệp vào thị trường. Vào đầu tháng 8, PBOC đã tăng chi phí đầu cơ bán khống đồng NDT nhằm hạn chế đồng tiền này mất giá thêm. Với việc rủi ro đà giảm tiếp của NDT không quá nhiều trong thời gian tới, sức ép giảm giá VND sẽ sớm được giải tỏa.

Với biến động tiền đồng so với USD, ông Hoàng Công Tuấn nhận định: “Thực tế, chúng ta đã trải qua một năm 2017 quá yên bình, nên những biến động tỉ giá hiện tại đã khiến nhà đầu tư quan ngại, nhưng mức biến động này chưa thể bằng mức biến động như cuối năm 2016 hay giữa năm 2011”. Theo ông Tuấn, hiện tại, với mức lạm phát tại Việt Nam vào khoảng 4%, Mỹ 2%, thì 1 năm, VND/USD tăng khoảng 1,5-2%; nếu tăng trên 5% mới tác động lớn tới nền kinh tế”. Tính từ đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,5% so với đồng USD.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp can thiệp thị trường khi cơ quan này đẩy lãi suất liên ngân hàng lên rất cao, khiến cho chi phí đầu cơ USD tăng lên làm giảm khả năng sinh lời. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang quản lý tỉ giá rất sát sao. Cụ thể, trần lãi suất huy động USD 0% vẫn tiếp tục được áp dụng, cam kết ổn định tỉ giá tiếp tục được thực hiện, tín dụng ngoại tệ bị siết chặt thêm; lãi suất tiền đồng được giữ ở mức hấp dẫn... Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo lãi suất thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, với lãi suất qua đêm vẫn dao động trên 4% trong vài tháng tới.

Ngoài ra, theo số liệu cập nhật từ HSC, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 3 tỉ USD nhằm can thiệp vào thị trường. HSC nhận định: “Tiền đồng chịu tác động nhiều nhất bởi biến động của Chỉ số dollar (DXY). Rủi ro lớn nhất là khi DXY vượt mức 97”. Công ty chứng khoán này còn dự báo tỉ giá VND/USD sẽ vào khoảng 23.300 đồng vào cuối năm nay nếu DXY duy trì dưới 97 và dự báo tỉ giá sẽ tăng vượt 23.500 đồng  nếu DXY bứt phá trên 97. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ bán ra thêm khoảng 6-12 tỉ USD từ dự trữ ngoại hối, bao gồm hơn 3 tỉ USD đã bán. Do đó, VND sẽ khó có thể bị giảm giá mạnh từ nay đến cuối năm 2018.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới