34.000 tỷ đồng đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nằm trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.
Đồng thời, đây cũng là dự án nằm trong Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014).
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu phân kỳ đầu tư của Ban Quản lý dự án 1, dự án có tổng chiều dài 200,3km, điểm đầu tại Km0 trên QL1A trùng với Km54+794,07 Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Điểm cuối tại Km199+717,53 trùng với Km208+250 trên đường cao tốc Liên Khương - Prenn, tỉnh Lâm Đồng.
Phạm vi nghiên cứu của Dự án bao gồm công tác hoàn thiện nút giao giữa QL1A và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, gồm xây dựng 4 nhánh và 1 cầu vượt nứt giao.
Theo quy hoạch, sau khi xây dựng hoàn chỉnh, tuyến cao tốc trên sẽ có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 65.350 tỷ đồng.
Quy mô phân kỳ đầu tư gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 2 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư với quy mô 4 làn xe.
Dự kiến dự án sẽ đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư), có sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi dự án.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và nhu cầu vận tải, trước mắt các Bộ và tỉnh Lâm Đồng kiến nghị với Chính phủ đầu tư quy mô 2 làn xe, tốc độ khai thác đảm bảo 60 - 80 km/giờ với mức đầu tư dự kiến gần 34.000 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo, giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Ban PPP) hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư và yêu cầu Ban Quản lý dự án 1 khẩn trương báo cáo phương án đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Hướng phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 xây dựng trước 2 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp theo quy định và ưu tiên đầu tư trước những đoạn cấp bách kết nối các khu vực quan trọng.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, Ban PPP tham mưu sớm hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư; Ban Quản lý dự án 1 và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cập nhật lại số liệu, những điều chỉnh về quy mô, phân kỳ đầu tư...
Đồng thời, lập ra được kịch bản đầu tư, bao gồm cả tuyến, chia đoạn cắt ngang và đoạn nhà nước đầu tư, bảo đảm tính khả thi, hoàn vốn của dự án nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, các nội dung công việc này phải hoàn thành trước 15/9/2014.
Theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, Quốc lộ 20 là tuyến giao thông huyết mạch, trục đường duy nhất nối Lâm Đồng với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hiện đã quá tải.
Cụ thể, hiện có tới 15 nghìn xe lưu thông ngày/đêm trên tuyến đường này, dự kiến đến năm 2015 con số này là 20 nghìn xe và đến năm 2020 sẽ đạt 30 nghìn xe, vượt quá khả năng thông hành bình thường của Quốc lộ 20.
Do đó, việc sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là hết sức cần thiết để đảm bảo việc lưu thông cho tuyến huyết mạch kinh tế này.
Đối với Cảng hàng không Liên Khương, được nâng cấp đạt tiêu chuẩn 4D, cho phép máy bay A320, A321 và tương đương hoạt động.
Nhà ga có công suất 2 triệu hành khách và 100 nghìn tấn hàng hóa/năm; mỗi năm cảng hàng không này đón khoảng hơn 150 nghìn khách.
Các chuyến bay chủ yếu thuộc các tuyến bay nội địa từ Đà Lạt đi Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vinh và ngược lại.
Nguồn Bizlive
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư