Hủy
Bất động sản

Căn hộ diện tích nhỏ: Họa mi hay ổ chuột?

Thứ Ba | 04/06/2013 10:20

 
 
Sau thời gian tạm lắng, những tranh luận xung quanh câu chuyện nên hay không nên cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ lại “nóng lên”.

Câu chuyện này được khơi lại sau khi Bộ Xây dựng cho biết, sẽ đề xuất Chính phủ thí điểm làm căn hộ diện tích dưới 30 m2.

Giải pháp cho hàng tồn kho

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc xây dựng căn hộ nhỏ mà vẫn đảm bảo được sinh hoạt như chỗ ăn, ngủ, vệ sinh, phòng chống cháy nổ, kết nối hạ tầng hoàn thiện thì không có lý do gì lại phản đối. Theo ông Nam, Bộ Xây dựng sẽ cho phép triển khai nhà ở xã hội dưới dạng căn hộ nhỏ thành từng khu và kết nối hạ tầng đồng bộ, chứ không phải dạng chung cư mi ni. Để căn hộ nhỏ sớm được triển khai một cách bài bản, việc bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội sẽ không đợi đến lúc ban hành Luật Nhà ở sửa đổi, mà sẽ được điều chỉnh ngay trong Nghị định về quản lý, phát triển nhà ở xã hội.

Thật ra, không phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm qua, câu chuyện nên hay không nên cho phép xây dựng căn hộ diện tích 25 m2 đã từng được đưa ra tranh luận khá sôi nổi với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, doanh nghiệp đầu tiên xin phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ, cho rằng, việc cho phép xây dựng căn hộ 25 m2 không chỉ mang ý nghĩa giải quyết nhu cầu nhà ở thực của người dân, mà còn giúp giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn của thị trường bất động sản.

“Việc Nhà nước cho phép chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội đã hỗ trợ thị trường rất nhiều, song về cơ bản vẫn chưa giải quyết được khó khăn, vấn đề then chốt là tồn kho hàng trăm ngàn căn diện tích lớn trên 70 m2, giá bán trên 1 tỷ đồng, không phù hợp với sức mua của người dân. Vì vậy, Chính phủ nên cho phép chia nhỏ căn hộ thành những căn có diện tích 30 - 40 m2, giá bán 500 - 600 triệu đồng/căn, như vậy doanh nghiệp sẽ bán được hàng mà không cần mang danh nhà ở xã hội, mở rộng mô hình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại gọi là nhà bình dân”, ông Đực kiến nghị.

Vẫn còn nhiều tranh luận

Theo Sở Xây dựng TP. HCM, trước đây, Công ty Đất Lành đã từng có văn bản xin đầu tư xây dựng căn hộ trên 20 m2 trong dự án nhà ở thương mại, nhưng Sở không đồng tình vì không hợp với Luật Nhà ở. Mặt khác, việc cho phép xây dựng căn hộ dạng này sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị, làm tăng dân số cục bộ, ảnh hưởng đến quy mô dân số chung của Thành phố. Nhiều ý kiến khác cũng không đồng tình với quan điểm xây dựng căn hộ dưới 30 m2 vì cho rằng, sẽ hình thành những khu nhà "ổ chuột" trên cao.

Tuy nhiên, ông Đực cho biết, căn hộ nhỏ diện tích 20 - 40 m2 được xem là xu hướng của cuộc sống hiện đại. Căn hộ loại này phù hợp quy hoạch kiến trúc, được quản lý tốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu thiết yếu thì không thể là “ổ chuột”, mà đó sẽ là những “tổ chim họa mi”. Vấn đề ổ chuột là do quản lý, chứ không phải do diện tích quyết định. Không thể so sánh căn hộ nhỏ hiện đại với các căn hộ nhỏ của những căn nhà tập thể thời bao cấp.

Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải, đơn vị xây dựng nhiều dự án nhà ở tái định cư tại TP. HCM chia sẻ, TP. HCM và Hà Nội hiện đang phải tiếp nhận nhiều dân nhập cư đến làm việc và sinh sống, nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, những đối tượng này lại gặp khó khăn về tài chính, vì vậy, việc cho phép xây dựng căn hộ 25 m2 là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến quy hoạch trong tương lại.

“Chỉ nên cho phép xây dựng loại căn hộ 25 m2 x 2 = 50 m2, tức là căn hộ phải được thiết kế 50 m2 và ngăn đôi, mang tính độc lập, để khi cần thì có thể tháo dỡ tường ngăn hoặc thông cửa thì sẽ trở thành căn hộ 50 m2. Cách làm này sẽ giúp cho công tác giãn dân và chỉnh trang đô thị về sau được thuận lợi”, ông Lâm kiến nghị và cho rằng, mô hình này chỉ nên thực hiện tại các quận, huyện ngoại thành. Việc này sẽ tránh được tình trạng kẹt xe và giúp cho công tác giãn dân từ khu vực nội thành được hiệu quả hơn.

(Theo ĐTCK)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới