Hong Kong là nơi có chi phí xây dựng đắt nhất châu Á
Công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại Anh dự đoán chi phí xây dựng trung bình của Hong Kong trong năm nay sẽ tăng 4,8%. Ảnh: Eugene Lee.
Một cuộc khảo sát thị trường mới do Turner & Townsend công bố cho thấy, Hong Kong đã vượt qua Tokyo để trở thành thành phố có giá xây dựng bất động sản đắt đỏ nhất châu Á khi giá xây dựng tăng cao làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng lao động.
Công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại Anh dự đoán, chi phí xây dựng trung bình của Hong Kong trong năm nay sẽ tăng 4,8% lên 4.500 USD/m2, xếp thứ 9 trên toàn cầu trong số 91 thành phố được khảo sát.
Chỉ có các thành phố ở Mỹ và Thụy Sĩ được xếp hạng cao hơn, trong đó Thành phố New York đứng đầu với giá 5.723 USD/m2, tiếp theo là San Francisco với giá 5.489 USD và Zurich với giá 5.035 USD.
Ông Sumit Mukherjee, người đứng đầu bộ phận bất động sản khu vực châu Á của Turner & Townsend, cho biết: “Tình trạng thiếu lao động có tay nghề và nhu cầu xây dựng trong nước ổn định là những yếu tố ảnh hưởng chính đến thứ hạng của Hong Kong trong báo cáo của chúng tôi năm nay”.
Cuộc khảo sát xác định tình trạng thiếu lao động lành nghề là thách thức xây dựng lớn nhất của châu Á nói chung. Điều này đặc biệt đúng ở Hong Kong, khi ngành xây dựng của thành phố đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và hiện, thành phố phải gặp khó khăn với tình trạng dân số già.
Theo Hội đồng Công nghiệp Xây dựng Hong Kong, khoảng cách lao động có tay nghề này dự kiến lên tới 40.000 người vào năm 2027. Năm ngoái, Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hong Kong dự đoán dân số già ở nước này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh tỉ lệ sinh thấp vào năm ngoái. Báo cáo cho biết, dự kiến cứ 3 công dân thì có hơn một người ở độ tuổi 65 trở lên vào năm 2046, khiến tỉ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung giảm xuống.
Trong khi đó, công ty tư vấn PWC cho biết vào năm ngoái rằng tình trạng thiếu lao động đáng kể của thành phố cũng là kết quả của làn sóng di cư và cạnh tranh toàn cầu về nhân tài. Tính đến tháng 9, các biện pháp của chính phủ nhằm thu hút và giữ chân nhân tài trong và ngoài nước hầu như không giúp ích được gì cho vấn đề này.
Macao, một đặc khu kinh tế khác của Trung Quốc, đứng thứ 2 ở châu Á và thứ 12 trên toàn cầu, với chi phí xây dựng trung bình là 4.269 USD/m2.
Turner & Townsend cho biết, các thành phố ở Nhật thường đứng đầu bảng xếp hạng ICMS về chi phí xây dựng, trong bối cảnh đất nước này liên tục phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa và tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài.
Tuy nhiên, không có thành phố nào của Nhật lọt vào Top 10 bảng xếp hạng toàn cầu trong cuộc khảo sát năm 2024 của Turner & Townsend, mặc dù Tokyo đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng châu Á, tiếp theo là Sapporo, Osaka, Hiroshima và Fukuoka.
Ông Mukherjee cho biết, điều này là do đồng yen Nhật mất giá, khiến nền kinh tế chỉ tăng trưởng vừa phải sau đại dịch.
Nhóm tư vấn cho biết, ở cuối cuộc khảo sát về chi phí xây dựng là các thành phố ở Trung Quốc đại lục với lực lượng lao động dồi dào giúp giữ chi phí xây dựng ở mức thấp. Cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng cũng khiến ngành xây dựng Trung Quốc gần như bế tắc, làm giảm nhu cầu và chi phí.
Báo cáo cho biết, phản ứng của chính phủ Trung Quốc trước những thách thức kinh tế vẫn chưa rõ ràng, khiến tương lai của thị trường trở nên khó lường và làm giảm niềm tin đầu tư.
Có thể bạn quan tâm:
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nam Anh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ