Hủy
Bất động sản

Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản

Nhật Anh Thứ Sáu | 10/02/2023 08:51

Vốn cho thị trường bất động sản đến từ nhiều kênh. Ảnh: Quý Hòa.

 
 
Các ngân hàng đều có ý kiến sẽ tiếp tục đồng hành, cung ứng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản trên cơ sở thực hiện theo đúng quy định.

Sáng ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản với sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại, các Hiệp hội doanh nghiệp và Hiệp hội ngân hàng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì Hội nghị.

Lượng vốn lớn của ngân hàng dành cho bất động sản

Đại diện các ngân hàng giải thích rõ về những khó khăn, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên các doanh nghiệp bất động sản cần thấu hiểu hơn, có góc nhìn công bằng hơn với ngành Ngân hàng (khi doanh nghiệp gửi tiền muốn lãi suất cao trong khi đi vay muốn lãi suất thấp). Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã quan tâm và dành một lượng vốn lớn cho lĩnh vực bất động sản, tỉ trọng tín dụng bất động sản ở mức 21,2%, 3 năm qua đều có sự tăng trưởng cao. Đây là sự cố gắng bởi ngoài bất động sản, ngành Ngân hàng còn cung ứng vốn cho nhiều ngành nghề khác, vì vậy, cần cân đối hợp lý, hài hòa giữa các ngành kinh tế.

 

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cần cân nhắc thận trọng từ góc độ an toàn hệ thống và kiểm soát nợ xấu.

Văn bản pháp lý liên quan đến bất động sản rất nhiều, lại hay thay đổi, có những quy định có cách hiểu khác nhau, Hiệp hội bất động sản cần xây dựng danh mục chung về cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc cấp tín dụng. Mặt khác, Bộ xây dựng cần làm rõ khái niệm đầu cơ bất động sản để các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc cấp tín dụng.

Thời gian qua, áp lực lớn đối với tín dụng từ ngân hàng không phải do điều hành tín dụng (Ngân hàng Nhà nước không siết, không thắt chặt) mà do những khó khăn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt, ngân hàng cho rằng, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để phát triển bất động sản nhưng chọn điều kiện phát hành dễ và không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi có sự cố xảy ra. Doanh nghiệp cần cơ cấu sản phẩm hợp lý, sử dụng vốn phù hợp, cân nhắc giảm giá bất động sản để bán và có dòng tiền.

Cuối cùng, các ngân hàng đều có ý kiến sẽ tiếp tục đồng hành, cung ứng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản trên cơ sở thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và kiểm soát rủi ro của ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền.

 

Không nên coi tín dụng bất động sản có mức độ rủi ro cao hơn 

Từ góc độ của các đơn vị chức năng và lãnh đạo phụ trách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của Lãnh đạo Bộ Xây dựng đều thống nhất đánh giá: Vốn cho thị trường bất động sản đến từ nhiều kênh, các doanh nghiệp bất động sản cần thẳng thắn chỉ ra những khó khăn từ nguồn vốn khác, để từ đó giải pháp tháo gỡ khó khăn phải cùng đồng hành (có giải pháp của ngân hàng, có giải pháp của chính doanh nghiệp, của Ngân hàng Nhà nước và của các bộ, ngành và địa phương). Lý do tại sao vẫn phải kiểm soát tín dụng, Thống đốc đã trả lời chất vấn trước Quốc hội; Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị với các tổ chức tín dụng, trao đổi với các chuyên gia, một số đại biểu Quốc hội thì đều đồng tình chưa thể bỏ công cụ kiểm soát tín dụng vào thời điểm này, cần có lộ trình. Năm 2023, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất tiếp tục sử dụng công cụ này. 

Năm 2023, chỉ tiêu định hướng tín dụng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế (đặc biệt là diễn biến về tăng trưởng và lạm phát, trường hợp lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể tăng tính linh hoạt, trường hợp lạm phát cao, nếu Chính phủ chỉ đạo ưu tiên kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ có sự cân nhắc phù hợp).

Doanh nghiệp kiến nghị không nên coi tín dụng bất động sản có mức độ rủi ro cao hơn, nhưng cần phân biệt việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản là kiểm soát rủi ro về kỳ hạn (tín dụng bất động sản thường có thời hạn dài, số tiền lớn, trong khi huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, nếu không kiểm soát tốt, gặp khó khăn chi trả khi người dân đến rút tiền). 

Các quy định liên quan đến hệ số rủi ro, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đều nhằm kiểm soát rủi ro đối với thanh khoản và khả năng chi trả của hệ thống. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không có văn bản về siết hoặc thắt chặt tín dụng bất động sản, việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực bất động sản hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng, chỉ có điều cấp tín dụng làm sao vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng và không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng ban hành biện pháp tháo gỡ khó khăn về bất động sản


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới