Nhà thầu ngàn tỉ trở lại
Việc doanh nghiệp bất động sản liên tục trúng các gói thầu lớn phản ánh thị trường bất động sản đang hồi phục. Ảnh: TL.
Tính từ đầu năm tài chính 2025 tới hiện tại, Coteccons và Unicons đã trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp và cơ sở hạ tầng, với tổng giá trị lên đến 10.300 tỉ đồng. Đáng chú ý, tỉ lệ repeat sales/tổng số dự án trúng thầu lên tới 69% với loạt dự án của Sun Group, Ecopark Group, BWID, VinFast...
Liên tục trúng thầu lớn
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng công bố thông tin trúng thầu dự án Newtown Diamond với giá trị gần 1.000 tỉ đồng tại Đà Nẵng. Trước đó, Hòa Bình công bố trúng thầu dự án Eaton Park trị giá 1.900 tỉ đồng do Tập đoàn Gamuda Land làm chủ đầu tư tại thành phố Thủ Đức.
Về kế hoạch trúng thầu năm tài chính 2025, ông Trần Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc Khối Kinh doanh Thương mại Coteccons, cho biết, năm 2025 kế hoạch của Coteccons là phải trúng thầu hơn 28.000 tỉ đồng; con số này đủ để có khối lượng backlog chuyển sang năm 2026. “Quý I/2025, các dự án đang theo đuổi đấu thầu cũng đã đạt khoảng 30% con số 28.000 tỉ đồng”, ông Hải chia sẻ. Việc doanh nghiệp bất động sản liên tục trúng các gói thầu lớn phản ánh thị trường bất động sản đang hồi phục, các dự án lớn dần được tháo gỡ pháp lý và những dự án mới cũng bắt đầu triển khai. Chẳng hạn, riêng TP.HCM đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án bất động sản, nổi bật trong số đó như The Metropole Thủ Thiêm, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm, Celadon City, Metro Star... Đây đều là những dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
Từ miệng vực trở lại
Trước diễn biến trên, các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thị trường xây dựng cuối năm sẽ duy trì một mức độ tăng trưởng ổn định, nhưng sẽ có sự chậm lại nhất định do các yếu tố như khó khăn về vốn, biến động giá vật liệu và chính sách tín dụng. Mặc dù vậy, đây vẫn là tín hiệu tích cực trong bối cảnh ngành xây dựng gần như tê liệt trong thời gian dài.
Cách đây vài tháng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, còn lo lắng doanh nghiệp xây dựng, bất động sản “vô cùng khó khăn”. Có tới 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải nằm im chờ thời hoặc giải tán bớt nhân viên; số còn lại phải tìm mọi cách để tồn tại.
Đứng bên bờ vực phá sản, các nhà thầu đã tìm kiếm đầu ra từ những phân khúc khác, hướng vào các công trình bất động sản công nghiệp, hạ tầng, đầu tư công, tìm các dự án ở nước ngoài... Vì vậy, ngành xây dựng đang đứng trước ánh sáng cuối đường hầm khi những dự án lớn được kích hoạt. Các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, phát triển hạ tầng đô thị và tái phát triển các khu vực đô thị hứa hẹn sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường xây dựng dân dụng trong tương lai gần. Đặc biệt, về phát triển hạ tầng đô thị, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, cũng như đối với ngành xây dựng. Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67,34 tỉ USD, dự án sẽ trở thành cú hích lớn đối với các ngành như xây lắp, vật liệu...
“Trong dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khối lượng xây lắp chiếm đến hơn 33 tỉ USD. Tại Việt Nam chưa bao giờ thực hiện dự án nào có vốn quy mô lớn như vậy. Cho nên, đây có thể là cơ hội thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng”, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhận định.
Đầu năm 2025 được đánh giá sẽ là điểm rơi của khá nhiều khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp xây lắp, đặc biệt là những đơn vị trúng thầu mới trong năm 2024. Trong xu hướng này, ông Đỗ Thanh Sơn, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Mirae Asset, đánh giá nhóm doanh nghiệp xây dựng đầu tư công như Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, Lizen, FECON... chờ những chất xúc tác mới như tiến độ giải ngân đầu tư công mạnh hơn vào cuối năm 2024.
Nhóm xây lắp công nghiệp cũng có điểm sáng với những câu chuyện từ dân dụng chuyển đổi sang công nghiệp. Chẳng hạn như Coteccons với các dự án thi công nhà máy khối FDI hay Searefico với các công trình kho logistics công nghệ cao... Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp xây dựng dân dụng sẽ dần khởi sắc cùng nhịp với thị trường bất động sản nhà ở trong ngắn hạn. Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBankS, mặc dù thị trường đang phục hồi nhưng tỉ lệ hấp thụ vẫn còn chậm và tạo ra một bức tranh khó thăm dò cho ngành bất động sản nhà ở. Do đó, những doanh nghiệp có các dự án vừa và nhỏ sẽ mở bán thận trọng.
Có thể bạn quan tâm
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 11 tháng đạt gần 31,4 tỉ USD
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Văn Kim
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hải Đăng