Thị trường bất động sản Việt Nam 2025: Chuyển dịch và Cơ hội
Ông Marc Townsend, Cố vấn cấp cao tại Arcadia Consulting.
Giữa bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức và nền kinh tế địa phương đang chuyển dịch sâu sắc, vào tháng 11/2024, ông Marc Townsend, Cố vấn cấp cao tại Arcadia Consulting, đã đưa ra những phân tích sắc xảo, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư tái định hình chiến lược để tận dụng cơ hội ở cả khu vực và toàn cầu thông qua sự kiện Dự báo Táo bạo 2025: Thị trường Bất động sản Việt Nam - Sự hào nhoáng táo bạo, Những thách thức khốc liệt, Những thay đổi kịch tính và Hiện thực không khoan nhượng.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu
Việt Nam đang đứng trước cơ hội định hình tương lai kinh tế thông qua các chiến lược tăng trưởng bền vững và đa dạng. Theo ông Marc Townsend, việc khai thác những lĩnh vực mới đòi hỏi phải thay đổi sâu sắc trong tư duy chiến lược. Ông nhận định: “Chuyển đổi từ ngành dệt may, chiếm 16% GDP vào năm 2019, sang lĩnh vực công nghệ, đóng góp 16,5% GDP vào năm 2023, là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng cần những chiến lược tiên phong, vượt xa các ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo và bất động sản ven biển.”
Ông Townsend đặc biệt chỉ ra hai phân khúc bất động sản tiềm năng, bao gồm bất động sản phục vụ chuyên biệt cho sinh viên (Purpose-Built Student Accommodation - PBSA) và nhà ở cho người cao tuổi (Senior Living). Đây không chỉ là những giải pháp đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn mang lại giá trị kinh tế dài hạn.
Khám phá cơ hội và đa dạng hoá đầu tư ra nước ngoài
Trong bối cảnh các tập đoàn lớn nhất Việt Nam đang từng bước mở rộng hoạt động ra nước ngoài, môi trường kinh tế đang thay đổi, cần phải có cách tiếp cận chiến lược toàn diện hơn. Arcadia Consulting khuyến nghị rằng các doanh nhân, nhà đầu tư và gia đình Việt Nam nên tự trở thành những "chuyên gia tư vấn" cho chính mình.
Ông Marc Townsend nhấn mạnh: “Mỗi người nên tự làm chuyên gia tư vấn cho mình. Dù Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng đáng kể, việc khám phá các chiến lược đầu tư thay thế và thị trường quốc tế có thể giúp đa dạng hóa rủi ro và mang lại lợi nhuận ổn định ngoài các kênh truyền thống". Ông cũng đưa ra góc nhìn so sánh khi nói rằng: giống như các nhà sản xuất hàng may mặc Việt Nam nên cân nhắc thiết lập nhà máy tại Bangladesh, và các công ty công nghệ cần tìm đến các cơ sở ở Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, các nhà đầu tư bất động sản cũng nên phân tích các xu hướng khu vực đang tác động đến lĩnh vực của họ.
“Những doanh nghiệp có khả năng thích ứng sẽ tìm thấy cơ hội vươn lên bằng cách tích hợp các xu hướng khu vực và toàn cầu vào chiến lược phát triển của mình”, ông Marc Townsend nhận định. Ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện tại, một sự phục hồi nhanh chóng và tự động là điều khó có thể xảy ra. Những thách thức, từ sự trì hoãn trong phê duyệt dự án đến chi phí tài chính leo thang, đang giới hạn đáng kể tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của thị trường. Đối với bất động sản phục vụ chuyên biệt cho sinh viên và nhà ở cho người cao tuổi, ông tiếp tục khẳng định: “Thị trường bất động sản Việt Nam cần sẵn sàng thích nghi và đổi mới khi bước vào giai đoạn tái cấu trúc quan trọng.”
Từ dệt may đến công nghệ - Bước tiếp theo của Việt Nam là gì?
Ngành sản xuất của Việt Nam đã thành công chuyển mình từ trọng tâm dệt may sang trở thành một mắt xích quan trọng trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, với những thay đổi mang tính toàn cầu như sáng kiến Make in India hay xu hướng đưa sản xuất trở lại Mỹ, Việt Nam hiện đang đứng trước thời khắc quyết định để định hình hành động tiếp theo. Theo ông Townsend, “Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu 2024 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới xếp Việt Nam thứ 2 trong các quốc gia thu nhập trung bình thấp, và đứng thứ 46 trong tổng số 133 quốc gia, cho thấy cơ hội lớn trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để khai thác được những lĩnh vực này, Việt Nam cần thay đổi sâu sắc về tư duy.”
Ông cũng đồng thời cảnh báo: “Những gì đã hoạt động hiệu quả trong quá khứ không còn đủ để duy trì lợi thế cạnh tranh. Liên Hợp Quốc dự báo rằng 25% dân số Việt Nam sẽ trên 60 tuổi vào thời điểm thế hệ trẻ hôm nay tốt nghiệp đại học. Các lĩnh vực bất động sản mới mẻ đòi hỏi sự tập trung chiến lược và hỗ trợ tương tự như cách các ngành công nghiệp trước đây từng nhận được. Thích nghi chủ động sẽ là yếu tố sống còn để Việt Nam duy trì tính cạnh tranh". Bằng cách xây dựng các giải pháp mang tính thích ứng, Việt Nam không chỉ duy trì vị thế hiện tại mà còn tạo dựng một nền tảng bền vững để cạnh tranh và dẫn đầu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp. Thị trường không đứng yên, và sự thích nghi nhanh chóng là yếu tố quyết định để chuyển đổi những thách thức thành cơ hội.
Có thể bạn quan tâm:
Doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi nhờ tháo gỡ pháp lý phân khu C4
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư