Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn lạc quan?
Ảnh: Internet
Trước tác động nặng nề của virus corona, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng có khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,96% trong năm 2020, giảm 0,8 điểm phần trăm so với ước tính trước đó. Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam bớt 0,4 điểm phần trăm trong tuần trước.
Tuy nhiên, quỹ Vinacapital lại đánh giá: “Ước tính trên vẫn còn quá lạc quan. Tác động của virus corona đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ còn tệ hơn nhiều, vì những tác động đến ngành du lịch (chiếm 12% GDP) và lĩnh vực sản xuất (20% GDP)”.
Thay vào đó, Vinacapital dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm trong trường hợp Chính phủ không hành động đủ mạnh để bù đắp một phần tác động từ virus corona.
Vinacapital đề cập đến trường hợp của Thái Lan. Quốc gia này tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch tương tự với Việt Nam, tỷ trọng đóng góp sản xuất cao hơn không nhiều. Nhưng Thái Lan lại giảm đến 1,2 điểm phần trăm. Đây là nguyên nhân vì sao Vinacapital cho rằng dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn quá lạc quan.
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, ngành du lịch chiếm 7% GDP, nhưng nếu tính cả những khoản đóng góp gián tiếp của ngành du lịch, con số thực tế lên đến 14%.
Hiện số lượng du khách đến Việt Nam đã giảm 50-60% vì virus corona, tỷ lệ lấp phòng tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng theo định hướng du lịch chỉ quanh quẩn 20%, thấp hơn quá nhiều so với mức thông thường 80% tại thời điểm này trong năm.
Vinacapital ước tính số lượng du khách đến Việt Nam sẽ giảm 5-10% trong năm nay sau khi tăng trưởng 23% trong năm 2019. Sụt giảm 5-10% về lượng khách du lịch sẽ khiến tăng trưởng GDP Việt Nam giảm 1 điểm phần trăm trong năm nay.
Về ngành sản xuất, Vinacapital ước tính sản xuất đóng góp 20% vào GDP Việt Nam, dù con số chính thức chỉ là 16%.
Những dự báo tăng trưởng từ Bộ KH&ĐT và Standard Chartered đều dựa trên giả định tăng trưởng ngành sản xuất giảm 2,3-3,3%. Theo Vinacapital, đánh giá này là hợp lý trong điều kiện hiện tại, nhưng sự suy giảm sản xuất như thế này sẽ khiến tăng trưởng GDP Việt Nam giảm 0,5 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 sẽ bị kìm chế nhờ các đợt bơm thanh khoản của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Vinacapital tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể dễ dàng bù đắp một phần tác động của virus corona bằng cách đẩy mạnh chi tiêu cơ sở hạ tầng.
* Nhìn xa hơn, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thiệt hại từ virus corona
“Trong cái rủi có cái may”
Trong năm 2019, nhiều công ty quốc tế đã tính tới chuyện chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc đến Việt Nam vì chiến tranh thương mại.
Còn đột ngột và bất ngờ hơn cả chiến tranh thương mại, sự bùng phát virus cororna chủng mới đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo dành cho các công ty quốc tế về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Vinacapital tin rằng khi nỗi lo ngại lắng xuống, dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò là chất xúc tác còn lớn hơn cả thương chiến trong việc thôi thúc các công ty chuyển dây chuyền sản xuất tới Việt Nam vì tác động tâm lý của dịch bệnh tới các chủ doanh nghiệp.
Thực ra, nhiều công ty đang đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất tới Việt Nam.
“Tác động khó lường từ virus corona chắc chắn sẽ đẩy các nhà sản xuất thiết bị điện tử tìm tới các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc”, một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asian Review. “Chẳng ai có thể ngó lo rủi ro sau tất cả chuyện này… Tổn thất không chỉ là chi phí đâu mà là sự liên tục của chuỗi cung ứng”.
Mới đây, Nikkei Asian Review đưa tin Google và Microsoft đang nỗ lực chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Google dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất – dự kiến có tên là Pixel 4A – với các đối tác ở phía Bắc Việt Nam ngay trong tháng 4/2020. Ngoài ra, Google cũng lên kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh thế hệ kế tiếp – Pixel 5 – trong nửa sau năm 2020 ở Việt Nam,.
* Google và Microsoft đẩy nhanh quá trình rời Trung Quốc về Việt Nam và Đông Nam Á
Ngoài ra, Microsoft dự kiến bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm Surface – bao gồm máy tính xách tay và máy tính bàn - ở phía Bắc Việt Nam sớm nhất là trong quý 2/2020, dựa trên nguồn tin thân cận.
Lợi ích của việc sản xuất tại Việt Nam còn được thấy rõ qua trường hợp của Samsung. Trong khi những đối thủ đang chật vật do hoạt động sản xuất đình trệ tại Trung Quốc thì Samsung nhờ đầu tư sản xuất tại Việt Nam vẫn hoạt động sản xuất bình thường.
Đây chỉ mới là hai trường hợp nhận thấy rõ và còn có thêm nhiều công ty khác đang xem xét chuyển sản xuất tới Việt Nam.
Vì thế, Vinacapital tin rằng trong dài hạn, Việt Nam sẽ hưởng lợi khi các công ty đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Kim Dung - Thanh Hằng
-
Minh Đức