Hủy
Chứng khoán

Năm 2020, "chọn mặt gửi vàng" cổ phiếu nào? (Phần 2)

Vũ Hoài Thứ Năm | 02/01/2020 17:09

Ảnh: freepik.

 
 
Trước những diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán trong năm 2019, việc lựa chọn cổ phiếu nào để đầu tư là vấn đề luôn được quan tâm...

Trong báo cáo chiến lược của mình, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra những cổ phiếu tiêu biểu cho năm 2020. Thông tin này có giá trị như một nguồn tài liệu để nhà đầu tư tham khảo khi quyết định đầu tư, mua bán cổ phiếu.

Cổ phiếu của Ngân hàng VPBank (VPB) với giá mục tiêu 28.000 đồng/cổ phiếu

 

Đánh giá chung về ngành Ngân hàng, VDSC nhận xét rằng sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu, các ngân hàng Việt Nam gần như đã xử lý xong nợ xấu (sau khi bán cho VAMC) phát sinh trong thời kỳ bong bóng tài sản (những năm trước 2012). Tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong giai đoạn 2017-2019 của các Ngân hàng, không chỉ nhờ chi phí dự phòng giảm mà còn nhờ tăng trưởng doanh số mảng dịch vụ với danh mục sản phẩm đa dạng hơn. Mặc dù các quy định gần đây của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) có thể hạn chế khả năng cải thiện NIM, các sản phẩm bán chéo sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ.

Trong năm 2020, VDSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận của VPB tăng trưởng 18,7% và 20%. Theo đó, mức giá mục tiêu đối với VPB ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tỷ suất sinh lời 42,5%.Theo đánh giá của VDSC, các ngân hàng tư nhân có vẻ rẻ hơn các ngân hàng quốc doanh (SOBs) khi xem xét định giá dựa trên tài sản (PBR).

Ngoài ra, trong nhóm Ngân hàng VDSC còn ưa thích cổ phiếu của Ngân hàng BIDV (BID) với giá mục tiêu 50.000 đồng/cổ phiếu, ứng với mức sinh lời 21%.

PVD, PVS, những cái tên được quan tâm trong nhóm Dầu khí

Đầu tư khai thác dầu khí giảm mạnh trong những năm gần đây, khiến có thời điểm sản lượng khai thác giảm về mức thấp nhất trong 20 năm là 11 triệu tấn. Do sản xuất dầu khí chiếm tỷ trọng cao trong cấu phần GDP cũng như nguồn thu ngân sách của Nhà nước, VDSC cho rằng đã đến lúc các dự án khai thác bị trì hoãn cần được khởi động lại.

Sau khi ổn định nhân sự cấp cao tại PVN, VDSC kỳ vọng tiến độ đầu tư dự án sẽ rõ ràng hơn. VDSC đánh giá nhóm công ty thăm dò và khai thác sẽ là nhóm đầu tiên được hưởng lợi, trong đó có cổ phiếu của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD).

 

Bên cạnh đó, theo quan điểm của VDSC, những cái tên mà nhà đầu tư có thể quan tâm khác là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ được hưởng lợi một khi các hoạt động khai thác và sản xuất được đẩy mạnh, cũng như kỳ vọng vào việc xây lắp tại Nam Côn Sơn 2, Sao Vàng Đại Nguyệt và dự án LNG Thị Vải. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc tăng tốc ở Nam Côn Sơn 2, Nhà máy lọc dầu Long Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt và các dự án nhỏ khác có thể sẽ tạo nên câu chuyện hồi phục cho CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB)và CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS).

Cổ phiếu Nam Long (NLG) kỳ vọng sinh lời hơn 42%

Theo nhận định của VDSC, năm 2020 có thể là một năm không dễ dàng cho các nhà phát triển bất động sản do khan hiếm quỹ đất ở các thành phố cấp 1 như HCM và Hà Nội khiến việc tích lũy quỹ đất mới trở nên đắt đỏ hơn, ngay cả ở các tỉnh lân cận. Đồng thời, Các vấn đề pháp lý làm hạn chế nguồn cung căn hộ và chi phí vay tăng do các chính sách của NHNN nhằm siết dòng tín dụng vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, xét trong dài hạn, triển vọng vẫn khả quan. Do vậy, VDSC cho rằng các chủ đầu tư tích cực tích lũy quỹ đất để bắt kịp xu hướng này, đặc biệt ở các tỉnh ngoại thành, sẽ là doanh nghiệp nắm lợi thế.

VDSC dự phóng doanh thu của NLG giảm gần 26% trong năm 2020, tuy nhiên lãi sau thuế được dự phóng tăng hơn 25% trong năm này.

VDSC kỳ vọng mức giá mục tiêu của NLG đạt 38.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức sinh lời hơn 42%.

Hòa Phát (HPG) trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng ngành thép

Theo đánh giá của VDSC, nhờ sở hữu tổ hợp nhà máy thép Dung Quất, HPG trở thành một điểm sáng quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành thép Việt Nam. Đầu tiên, tổ hợp này sẽ giúp Công ty mở rộng thị trường miền Nam. Thứ hai, năng lực ở mảng thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ giúp HPG trở thành nhà cung ứng trong chuỗi giá trị thép phẳng, trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất thép mạ trong nước. Cuối cùng, thép thanh chất lượng cao và thép PC, sản phẩm cạnh tranh hàng nhập khẩu, sẽ góp phần mở rộng danh mục sản phẩm thị trường ngách trong lĩnh vực thép xây dựng của HPG.

Mức giá mục tiêu của cổ phiếu HPG được kỳ vọng ở mức 33.400 đồng/cổ phiếu, tương đương mức sinh lời 40,3%.

►Năm 2020, "chọn mặt gửi vàng" cổ phiếu nào? (Phần 1)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới