3 sắc thái di cư toàn cầu
Với 3.500 triệu phú dự kiến di cư đến trong năm 2024, Singapore tiếp tục củng cố vị thế là điểm đến hàng đầu cho cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở châu Á. Ảnh: shutterstock.com
“Mẹ ơi, khi nào mình sẽ đi Mỹ?”, đó là câu cô con gái lớn sinh năm 2011 thường xuyên hỏi bà B.N cách đây vài năm. Học trường quốc tế hệ song ngữ từ nhỏ, cô bé hướng ngoại thích thú với nền văn hóa xứ cờ hoa sau vài mùa hè theo mẹ qua thăm họ hàng và học hè. Bà B.N cùng chồng điều hành một doanh nghiệp gia đình hoạt động trong ngành xây dựng. Sau chục năm, con số tài sản tích lũy của 2 vợ chồng đã lên đến vài triệu USD.
Vào mùa hè năm 2023, ước mơ của cô con gái lớn cuối cùng cũng được thực hiện, khi hồ sơ xin quốc tịch theo diện đầu tư của vợ chồng bà B.N nộp trước đó 5 năm được thông qua. Tạm biệt chồng, bà cùng 2 cô con gái bay nửa vòng trái đất, ổn định việc học hành tại một trường công lập thuộc bang California, trong khu vực nơi em gái út của bà đang sinh sống.
Gia đình bà B.N là một trong số hàng trăm người giàu Việt Nam tìm kiếm quốc tịch thứ 2 tại các quốc gia phát triển. Con số này tăng đều mỗi năm, từ 100 gia đình vào năm 2021 lên gấp đôi vào năm 2022, rồi gấp 3 vào năm 2023. Một báo cáo được Henley & Partners công bố gần đây cho biết Việt Nam có tốc độ tăng số lượng triệu phú đông nhất thế giới trong thập niên qua, ở mức 98%. Dường như có mối liên hệ giữa việc tăng lượng tài sản với xu hướng sở hữu thêm một hộ chiếu.
Giới trung lưu: Tìm nền giáo dục tốt
Ngày nay, Việt Nam là nơi sinh sống của 19.400 triệu phú, trong đó 58 người có tài sản hơn 100 triệu USD và 6 người là tỉ phú USD - minh chứng cho sự tiến bộ kinh tế của đất nước. Đối với nhiều triệu phú Việt Nam, mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn bắt đầu từ giáo dục. Mặc dù đất nước đang phát triển, nhưng hệ thống trường học ở đây vẫn chưa thể so sánh với các trường quốc tế, khiến những phụ huynh giàu có phải tìm kiếm các lựa chọn tốt hơn ở nước ngoài.
Cũng theo Chỉ số Cơ hội Henley, với các gia đình giàu có, di cư đầu tư có thể tạo ra cơ hội đáng kể cho các thế hệ tương lai bằng cách cho phép họ mở rộng mạng lưới toàn cầu và tối đa hóa tiềm năng nghề nghiệp và thu nhập, cũng như tính di động kinh tế, để đạt được thành công và thịnh vượng hơn trong suốt cuộc đời.
Sự gia tăng trong làn sóng di cư của các triệu phú đang thúc đẩy sự bùng nổ tương ứng trong lĩnh vực di cư đầu tư. Việc tìm kiếm quốc tịch thứ 2 của các triệu phú từ quốc gia đang phát triển như Việt Nam nằm trong xu hướng của làn sóng tìm kiếm quốc tịch trên toàn cầu, đến từ mọi nền kinh tế, từ các nền kinh tế đang phát triển cho đến đã phát triển. Henley & Partners đã nhận được mức kỷ lục về các yêu cầu liên quan đến chương trình thường trú và quốc tịch thông qua đầu tư trong 12 tháng qua từ gần 200 quốc gia khác nhau.
Chẳng hạn, cũng giống như những người từ nhiều quốc gia đang phát triển khác, bao gồm Brazil, Việt Nam, Nam Phi và Nigeria, những triệu phú Ấn Độ thường rời khỏi tiểu lục địa này để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, môi trường an toàn và sạch hơn, cũng như tiếp cận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cao cấp hơn. Ở những nơi khác, các mối đe dọa trong khu vực và sự không chắc chắn về lập trường an ninh của Mỹ sau chiến thắng tiềm tàng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 có nghĩa là Hàn Quốc và Đài Loan tiếp tục chứng kiến dòng tiền ròng chảy ra của những người có tài sản ròng cao.
Sự gia tăng trong làn sóng di cư của các triệu phú đang thúc đẩy sự bùng nổ tương ứng trong lĩnh vực di cư đầu tư. Ảnh: shutterstock.com |
Những quốc gia có mức tăng trưởng lớn nhất về số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao vẫn là những quốc gia ưu tiên các chính sách được thiết kế để thu hút triệu phú đến đất nước của họ. “9/10 quốc gia thu hút nhiều triệu phú nhất vào năm 2024 có các chương trình di cư đầu tư chính thức và tích cực khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài để đổi lấy quyền cư trú hoặc quyền công dân”, Henley & Partners cho biết.
Trong hầu hết trường hợp, những gia đình triệu phú bán hết tài sản để đi định cư cả gia đình hoặc gần như toàn bộ, chỉ để lại một người ở lại để kiếm tiền. “Việt Nam có rất nhiều cơ hội để kinh doanh”, ông Jacky Poh, Trưởng khu vực Đông Nam Á tại Henley & Partners, trả lời NCĐT từ văn phòng tại Singapore. Chồng bà B.N ở trên vẫn tiếp tục điều hành công ty gia đình của mình và chu cấp toàn bộ sinh hoạt phí cho cuộc sống của 3 mẹ con bên Mỹ.
Bài toán mà những gia đình này đặt ra thường là so sánh khoản chi học phí cho các con. Phương án định cư với chi phí rơi vào khoảng 100.000-200.000 USD (tương đương 2,5-5 tỉ đồng), chưa tính khoản tiền đầu tư, được cho là sẽ có lợi nếu so với khoản học phí một gia đình 2 con cần chi trả cho việc học trường quốc tế tại Việt Nam, ở mức 500 triệu mỗi năm với gia đình bà B.N. “Càng đông con, tuổi con càng nhỏ, gia đình sẽ càng có lợi”, đại diện một công ty tư vấn phân tích với những khách hàng tiềm năng.
“Gần như mỗi người chỉ có một cơ hội nộp hồ sơ định cư Mỹ, vì vậy nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn các đơn vị uy tín, dày dặn kinh nghiệm để chuẩn bị tốt nhất cho việc đầu tư và bộ hồ sơ của mình”, ông Nguyễn Xuân Sinh, chuyên gia tư vấn đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm, lưu ý.
Vị chuyên gia này cho biết việc đầu tư đi kèm với rủi ro, vì vậy các gia đình cần tìm hiểu kỹ rủi ro là gì. Vai trò của công ty tư vấn là cần làm rõ rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải và giúp họ vượt qua được những bất trắc này.
Theo chia sẻ của ông Jacky Poh tại Henley & Partners, các đơn đăng ký từ công dân Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2018 và giảm xuống trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Số đơn đăng ký hiện đang tăng trở lại với mức tăng 80% trong giai đoạn 2022-2023 và dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa vào năm 2024. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, số đơn đăng ký đã bằng 80% của năm trước đó.
Các chương trình phổ biến được công ty tư vấn định cư có văn phòng trên cả 5 châu lục ghi nhận là Malta, Bồ Đào Nha, Antigua & Barbuda, Grenada và St. Lucia. “Công dân Việt Nam yêu cầu về một loạt các chương trình bao gồm Panama, Malaysia, Grenada, Hy Lạp và Latvia”, ông Jacky Poh nói thêm trong cuộc phỏng vấn trực tuyến qua Zalo, một nền tảng chỉ thông dụng với người Việt.
Giới lao động: Thu nhập là tất cả
Ở đầu kia của cuộc tìm kiếm cơ hội thay đổi môi trường sống nhưng không có nhiều tiền, một số chọn giải pháp xuất khẩu lao động. Khác với trường hợp đầu, đa phần dòng tiền sẽ đi một chiều từ Việt Nam ra các gia đình ở nước ngoài, dòng tiền từ xuất khẩu lao động sẽ mang sắc thái hỗn hợp. Một số gửi tiền về nhà để tích lũy tài sản, số khác tìm kiếm cơ hội định cư tại quốc gia đang làm việc.
“Quan trọng là họ sẽ được trao cơ hội”, Tiến sĩ Trần Tùng Giang, nhà sáng lập AIM, một công ty tư vấn xuất khẩu lao động Úc, kiêm giảng viên tại Đại học New South Wales, nói về khả năng những người xuất khẩu lao động tìm được cách để có quốc tịch tại quốc gia họ đến. Con đường vòng cần phải trả bằng mồ hôi và nước mắt, nhưng không ít người sẵn sàng đánh đổi.
Khoảng 45 năm trước, ông Giang đã cùng gia đình đặt bước chân đầu tiên đến nước Úc. Cậu bé 10 tuổi sinh trưởng trong một gia đình nhà nông nhưng chỉ mới học hết lớp 2, cũng không thành thạo tiếng Anh đã có khởi đầu vất vả trong việc học ngôn ngữ, học văn hóa. Nhìn lại quãng đường gần 5 thập kỷ đã đi qua trên nước Úc, Tiến sĩ Giang cho biết bước ngoặt trong cuộc đời của ông đến từ việc có cơ hội tại một nền kinh tế phát triển và ông nung nấu ý định mang cơ hội đến cho những người “muốn thay đổi và có quyết tâm tạo dựng cuộc sống mới”.
“Cơ hội ở vùng thôn quê rất lớn”, ông Giang nói về việc ông chọn những thành phố nhỏ, có dân số khoảng 100.000-200.000 người, để kết nối cơ hội việc làm với những nhà tuyển dụng địa phương. Những vị trí mà AIM kết nối chỉ yêu cầu ứng viên tốt nghiệp lớp 12, sau đó họ đào tạo 2 thứ mà ông Giang đã trầy trật trong thời gian đầu đến Úc - tiếng Anh và nghề thông qua một chương trình đào tạo chính thức được nhượng quyền và công nhận.
Đa phần là công việc tay chân vốn bị người bản xứ kén chọn hoặc thiếu hụt nhân lực trầm trọng, như ngành nhà hàng - khách sạn, điều dưỡng và có thể là ngành xây dựng. “Nếu biết tiết kiệm và chăm chỉ, người đi xuất khẩu lao động có thể trả hết chi phí trong vòng nửa năm”, một người thân cận với ông Giang cho biết.
Vị tiến sĩ đam mê làm kinh tế thành lập AIM sau ấn tượng từ chuyến đi đến một địa điểm hẻo lánh ở miền Bắc nước Úc vào năm ngoái. Ông đã lái xe cả một quãng đường dài 6.000 km, phải đi phà qua sông, để rồi ngạc nhiên khi bước vào một quán bar và gặp 4 người Việt đang phục vụ tại đó với visa du lịch. “Tôi thấy thông cảm cho các bạn trẻ Việt Nam”, ông chia sẻ về việc trở về quê nhà thành lập một trung tâm tư vấn xuất khẩu lao động vào Úc, mà trọng tâm là khép kín chuỗi giá trị từ đào tạo nghề, tư vấn luật đến tìm kiếm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Đa phần dòng tiền sẽ đi một chiều từ Việt Nam ra các gia đình ở nước ngoài, dòng tiền từ xuất khẩu lao động sẽ mang sắc thái hỗn hợp. Ảnh: shutterstock.com |
Mục tiêu của những chương trình xuất khẩu lao động như của AIM không dừng lại ở việc tìm kiếm thu nhập cao ở nước ngoài. Họ mong muốn những người lao động chăm chỉ và kiên định với giấc mơ đổi đời để có cơ hội gia hạn hoặc ký mới hợp đồng sau khi hợp đồng đầu tiên kết thúc, với đích đến cuối cùng là chứng nhận thường trú nhân. “Sau đó, họ có thể đi đâu tùy thích”, ông Giang nói.
Vì người Việt đa phần sẽ khó tự làm nên thường phải chấp nhận nhờ một bên dịch vụ hỗ trợ. Chi phí có diện này rất khó để nhận định, thị trường tự định giá, thấp cao có đủ từ 20.000 USD đến 200.000 USD. “Bạn cần phải chọn lựa công ty uy tín để không bị lừa tiền mất tật mang”, ông Nguyễn Xuân Sinh nhấn mạnh.
Giới thượng lưu: Kế hoạch B
Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến lý tưởng để đầu tư và kinh doanh. Vì vậy, trong khi những gia đình làm công ăn lương thuộc giới trung lưu mong muốn tìm kiếm một cuộc sống mới cho cả gia đình ở một quốc gia phát triển, những người đang điều hành và sở hữu việc kinh doanh gia đình thịnh vượng không có ý định rời bỏ mảnh đất màu mỡ đang mang đến cho họ sự sung túc.
Nhưng họ vẫn cân nhắc về quốc tịch thứ 2. Một yếu tố khác thúc đẩy làn sóng di cư của triệu phú Việt Nam là hộ chiếu tương đối yếu của quốc gia. Chỉ số Henley Passport Power Index (HPP) cho Việt Nam số điểm 6%, nghĩa là công dân Việt Nam chỉ được miễn thị thực đối với 6% GDP thế giới. Để so sánh, Bồ Đào Nha có điểm HPP hơn 74%, giúp người sở hữu hộ chiếu Bồ Đào Nha được miễn thị thực đối với 74% GDP toàn cầu.
Thêm vào bất lợi về sức mạnh hộ chiếu, các doanh nhân Việt Nam thường phải đối mặt với các đơn xin thị thực đầy thách thức, thời gian chờ đợi lâu và bỏ lỡ cơ hội khi đi du lịch đến những quốc gia có chính sách hạn chế. Các chương trình di cư đầu tư đưa ra giải pháp cho những thách thức này. Với hộ chiếu thứ 2 mạnh hơn, một doanh nhân Việt Nam có thể dễ dàng đi lại để gặp gỡ đối tác kinh doanh ở các châu lục khác mà không phải lo lắng về đơn xin thị thực và khả năng bị từ chối.
“Họ có thể tiếp cận các thị trường mới, xây dựng quan hệ đối tác và cải thiện triển vọng kinh doanh của mình. Ngoài ra, họ có thêm cơ hội bảo toàn tài sản bằng việc đầu tư ra nước ngoài”, ông Jacky Poh nói.
Xu hướng phòng vệ bằng “Kế hoạch B” không chỉ phổ biến tại những nước đang phát triển như Việt Nam, mà ngay tại các nước phát triển như Mỹ, giới nhà giàu cũng sẵn sàng chi tiền cho dịch vụ này. Henley & Partners cho biết họ đã nhận được mức tăng 125% trong số đơn đăng ký của người Mỹ trong khoảng thời gian từ quý cuối cùng của năm 2023 đến quý đầu tiên của năm 2024.
Trong khi đó, theo chuyên gia Kim Je Kyung, cố vấn trưởng của Công ty Bất động sản Tumi, cho rằng gánh nặng thuế thừa kế có thể là một lý do khác khiến giới nhà giàu Hàn Quốc xin quốc tịch thứ 2, vì ngày càng nhiều người ở đây đã già và muốn truyền lại tài sản cho con cái trước khi qua đời.
Bà Judi Galst, Quản lý Văn phòng Henley & Partners tại New York, nói với Business Insider rằng hộ chiếu thứ 2 là một loại “chính sách bảo hiểm” cho khách hàng, chứ không phải là nơi họ dự định chuyển đến sống vĩnh viễn. Bà cho biết sự quan tâm đến hộ chiếu thứ 2 đã tăng lên trên toàn cầu trong vài năm qua và bắt đầu từ đại dịch COVID-19.
Tại quốc gia điểm đến, Henley & Partners cho rằng những triệu phú di cư mang đến nhiều lợi ích, từ ngoại hối đến tạo công ăn việc làm. “Những triệu phú di cư là nguồn thu nhập ngoại hối quan trọng vì họ có xu hướng mang theo tiền khi chuyển đến một quốc gia mới”, hãng tư vấn này phân tích. Khoảng 1/5 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao là doanh nhân và người sáng lập công ty, những người thường khởi nghiệp kinh doanh ở quốc gia mới của họ và do đó tạo ra việc làm tại địa phương. Tỉ lệ này tăng lên hơn 60% đối với các tỉ phú USD và những triệu phú có tài sản hơn 100 triệu USD.
Mặt khác, hãng tư vấn lưu ý số liệu di cư của triệu phú cũng là một chỉ báo tổng thể quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế, đặc biệt là về phía dòng tiền chảy ra. Ví dụ, nếu một quốc gia mất đi một lượng lớn triệu phú do di cư, thì có lẽ là do những vấn đề nghiêm trọng ở quốc gia đó. “Nó cũng có thể là một dấu hiệu tiêu cực cho tương lai, vì những người giàu có thường là những người đầu tiên rời đi”, Henley & Partners phân tích.
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh cuộc cạnh tranh giữa các nước để thu hút người giàu và nhân tài. Nhiều trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như Mỹ, Hong Kong, Singapore, Thụy Sĩ, Luxembourg, UAE đang tích cực thúc đẩy chương trình đổi đầu tư lấy quyền cư trú. Theo đó, trong vài năm qua, đầu tư di cư đã trở thành một sản phẩm hoạch định tài sản khi ngày càng nhiều người sử dụng các chương trình đầu tư và nhập quốc tịch để tiếp cận những cơ hội mà trước đây bị hạn chế và bảo vệ tài sản cũng như di sản của họ.
Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến lý tưởng để đầu tư và kinh doanh. Ảnh: shutterstock.com |
Với 3.500 triệu phú dự kiến di cư đến trong năm 2024, Singapore tiếp tục củng cố vị thế là điểm đến hàng đầu cho cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở châu Á. Ông Jacky Poh tiết lộ văn phòng Singapore đã nhận được những yêu cầu từ công dân Ukraine. “Mặc dù Singapore mở cửa cho mọi người đến kinh doanh, nhưng khách hàng cần một quốc tịch để ổn định cuộc sống sau khi chạy khỏi quê nhà đang chiến tranh”, ông giải thích và cho biết những vị khách này thích các chương trình thường trú của châu Âu hơn, vì đó là cách nhanh nhất để có một quốc tịch mới.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, ông Jacky Poh kể về những vị khách mới gặp gần đây là 2 cha con thuộc giới siêu giàu, sở hữu doanh nghiệp gia đình đa ngành tại Việt Nam. Khi hỏi tại sao họ muốn có quốc tịch thứ 2, ông nhận được câu trả lời: “Tại sao không?”
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
-
Vũ Hoài - Quảng Định
-
Thanh Hằng
-
Huy Vũ - Bảo Hân - Kim Dung
-
Công Sang