Vốn xanh tìm startup
Có thể thấy các nguồn lực đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là doanh nghiệp cần làm gì để tiếp cận dòng vốn này? Ảnh: stock.adobe.com.
Dòng vốn xanh toàn cầu đang có xu hướng đa dạng hơn khi không còn đổ vào một vài lĩnh vực nhất định và Việt Nam đang là một trong những điểm đến đầy tiềm năng.
Những tín hiệu lạc quan
Giữa tháng 8, Công ty Cổ phần Phúc Sinh công bố nhận vốn tài trợ 25 triệu USD từ Quỹ Green (Hà Lan). Công ty này được biết đến là một trong các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào vùng nguyên liệu ở miền núi, điển hình như Sơn La. Đây là khu vực có vùng trồng cà phê với diện tích lớn, có sẵn sản lượng cà phê Arabica chất lượng. Với nguồn vốn mới huy động, đại diện Phúc Sinh cho biết sẽ xây thêm 2 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nâng tổng số nhà máy lên con số 8.
Không lâu sau đó, Công ty Every Half, chuyên rang xay và bán lẻ cà phê, công bố nhận tài trợ vòng hạt giống từ Openspace Ventures và Quỹ DSG Consumer Partners. Công ty được biết đến với việc phát triển giống cà phê có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu Starmaya (Điện Biên) và Liberica (Đắk Lắk) dự kiến sẽ thu hoạch trong 2 năm tới.
Arabica, giống cà phê được tiêu thụ chính trên thế giới, phát triển tốt ở nhiệt độ 140C đến 200C nhưng nhiệt độ trái đất nóng lên ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng giống cà phê này. Theo dự báo của các giáo sư thuộc Đại học Humboldt (Đức), vào năm 2050 sẽ có khoảng 50% diện tích trồng cà phê Arabica bị mất đi, ảnh hưởng đến đời sống của người trồng.
Việc phát triển các giống cà phê có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu là điều cần thiết và cũng là cơ hội cải thiện đời sống của nông dân trước tình trạng trái đất nóng lên. Trước mắt, Every Half vẫn sử dụng Robusta để phục vụ 8 cửa hàng bán lẻ (chủ yếu ở TP.HCM), nhưng nhờ vận hành và tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng như hậu thu hoạch, sơ chế, rang xay..., Công ty tiết kiệm được khoảng 20% chi phí và dùng nó vào việc thu mua giá tốt cho nông hộ và giữ giá bán lẻ ở mức phù hợp.
Thời gian tới, Công ty có thể tiết kiệm chi phí thêm vài phần trăm nhờ chủ động hợp tác với các trường đại học nghiên cứu con men dùng để lên men cà phê trước khi phơi khô (hiện chủ yếu vẫn đang nhập từ các nước phát triển). “Khoản tiết kiệm sẽ tiếp tục được tái đầu tư vào người nông dân và giá bán lẻ”, ông Võ Duy Phú, đồng sáng lập Every Half, cho biết.
Khoảng 4 tháng trước, Alternō, một công ty khởi nghiệp chống biến đổi khí hậu khác, cũng nhận được 1,5 triệu USD đầu tư từ The Radical Fund (Singapore), Touchstone Partners (Việt Nam) và nhiều nhà đầu tư khác. Đơn vị này cung cấp giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát phục vụ cho công nghiệp nhằm giải bài toán năng lượng cho các nông trại hướng đến giảm phát thải carbon.
Còn có thể kể đến một số tên tuổi và giải pháp ấn tượng khác của Việt Nam như AirX Carbon (sản xuất đế giày, pallet gỗ từ bã cà phê), Neorice (quy trình canh tác gạo hữu cơ theo chuẩn USDA, tiết kiệm chi phí và giảm phát thải), Tép Bạc (hệ thống nuôi trồng thủy sản và quản lý trang trại thông minh, giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng). Đặc biệt là Tép Bạc với vòng gọi vốn 2,5 triệu USD vào năm ngoái. Ông Trần Duy Phong, sáng lập Tép Bạc, cho biết Công ty đang trong vòng gọi vốn mới với số vốn huy động từ 10-20 triệu USD.
Có thể nói sau phong trào startup về trí tuệ nhân tạo thì chống biến đổi khí hậu đang là lĩnh vực được nhắc nhiều trong giới đầu tư ở Việt Nam. Đây là nhóm thế chỗ startup kinh tế chia sẻ sau cơn khủng hoảng dòng vốn bắt đầu từ sự cố Silicon Valley Bank hồi tháng 3 năm ngoái.
Giải thích về việc này, theo bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập Touchstone Partners, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển. Thứ nhất, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới. Điều này có nghĩa là những giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu khi triển khai hiệu quả ở Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng sang thị trường Đông Nam Á.
Thứ 2, từ quan sát của Touchstone, Việt Nam có nguồn nhân lực về deep tech (công nghệ sâu) và hardware (phần cứng) rất dồi dào. Đối với các giải pháp công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ cần phát triển nhanh, mà còn phải được thương mại hóa ở quy mô lớn và có nguồn lực tại chỗ dồi dào để thực hiện mục tiêu. “Chính vì thế, không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp nước ngoài cũng chung tay giải quyết bài toán biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, bà Tú nói.
Ông Victor Wong, Giám đốc Văn phòng Phát triển bền vững UOB Asset Management (UOBAM), cho biết đầu tư ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) tại Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở các nước khác nhưng Việt Nam có tiềm năng thu hút vốn lớn cho lĩnh vực này do Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và đầu tư vào năng lượng tái tạo hướng đến cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thêm vào đó, nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng và nhà đầu tư tại Việt Nam đối với phát triển bền vững ngày càng cao. Đặc biệt, đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, các doanh nghiệp phải đối mặt với những yêu cầu cao về tiêu chuẩn ESG của các đối tác đến từ các quốc gia phát triển hơn. “Điều này cũng góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển ESG tại Việt Nam”, ông Victor Wong nhận định.
Dịch chuyển cùng dòng vốn ESG toàn cầu
Theo báo cáo của PitchBook và PwC (tính đến quý III/2023), tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp chống biến đổi khí hậu giảm 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điểm sáng là tỉ trọng các công ty chống biến đổi khí hậu tư nhân trong vốn cổ phần đầu tư của các quỹ, công ty tư nhân tăng 11,4% trong quý III/2023 và tỉ trọng này này tăng dần qua các năm xét trong giai đoạn 2013-2023. Đồng thời, các quỹ lần đầu tiếp xúc khái niệm startup chống biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục tham gia các vòng đầu tư quy mô lớn.
Một điểm thay đổi nữa là từ năm 2023, nhà đầu tư vào công ty khởi nghiệp chống biến đổi khí hậu đã đa dạng hơn và đang có xu hướng phân bổ vốn cho mục tiêu phát thải từ các ngành công nghiệp. Mức đầu tư đã thay đổi từ mức 8% vốn (từ quý I/2013 đến quý III/2022) lên mức 14% kể từ quý IV/2022.
Theo báo cáo State of Climate Tech 2023 của PwC, điều này đến từ việc mất cân xứng giữa tiềm năng giảm phát thải của công nghệ (ERP) và dòng vốn đầu tư đang có xu hướng điều chỉnh tỉ lệ này lại. Trong 5 năm qua, công nghệ có ERP thấp hơn như xe điện chạy bằng pin hạng nhẹ hay công ty khởi nghiệp về năng lượng mặt trời và gió chiếm chủ yếu dòng vốn tài trợ lớn. Giờ đây, nhà đầu tư thay đổi khi cắt giảm dòng vốn đầu tư vào những lĩnh vực nói trên. Ở Mỹ, tỉ lệ tài trợ khởi nghiệp công nghệ khí hậu dành cho lĩnh vực di động đã giảm từ 59% vào năm 2018 xuống chỉ còn 24,4% vào năm 2023 (đến hết quý III).
Nhà đầu tư vào công ty khởi nghiệp chống biến đổi khí hậu đã đa dạng hơn và đang có xu hướng phân bổ vốn cho mục tiêu phát thải từ các ngành công nghiệp. Ảnh: stock.adobe.com. |
Tương tự như vậy ở Trung Quốc, nguồn tài trợ khởi nghiệp cho lĩnh vực di chuyển, từ 94% đầu tư vào công nghệ khí hậu năm 2018 xuống còn 71,5% vào năm 2023. Nhìn chung, nhà đầu đổ nhiều vốn hơn vào công ty khởi nghiệp hoạt động trên các công nghệ ERP cao hơn như thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); môi trường xây dựng (17% lượng khí thải); thực phẩm, nông nghiệp và sử dụng đất (22% lượng khí thải).
Tuy nhiên, xu hướng này chỉ diễn ra ở Mỹ và Trung Quốc; còn khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện diễn ra chậm hơn, các starup di chuyển năng lượng mới vẫn hấp dẫn. Điều này lý giải vì sao ở Việt Nam, các công ty xe điện từ tập đoàn lớn như VinFast cho đến những công ty khởi nghiệp như Dat Bike, Selex vẫn là tên tuổi sáng giá trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu trong 2 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, một hạn chế trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu mà Việt Nam phải đón nhận đó là vốn đầu tư vào những công ty ở vòng Early Stage (giai đoạn sớm) đang giảm dần. Bằng chứng là số lượng startup chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam rất hiếm các thương vụ đầu tư hàng chục triệu USD, phần lớn vẫn ở mức trên dưới 2 triệu USD - một con số khiêm tốn so với các startup internet ở Việt Nam dù rằng trong lĩnh vực ESG, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế hơn.
Ở cấp độ toàn cầu, giai đoạn 2018-2019, các giao dịch ở vòng Early Stage chiếm 2/3 tổng số giao dịch, thì đến năm 2023, con số này giảm hơn một nửa. Trong khi đó, giao dịch ở giai đoạn tiếp theo vẫn tương đối ổn định.
Có 2 lý do dẫn đến việc này. Một là từ bản thân nhà đầu tư vì sự hoài nghi với các dự án chống biến đổi khí hậu nên có xu hướng tham gia các vòng lớn hơn khi mọi thứ như sản phẩm, thị trường đã định hình. Thứ 2 là đến từ các nhà sáng lập, họ không muốn huy động vốn trong bối cảnh thị trường đang suy yếu như hiện nay vì có thể ảnh hưởng đến mức định giá.
Cụ thể, họ lo ngại nhà đầu tư tham gia các vòng cấp vốn ở vòng Middle Stage (giai đoạn giữa) sẽ định giá công ty thấp hơn mức định giá của nó so với các vòng trước, do đó làm giảm giá trị cổ phần của các cổ đông hiện tại. “Vì vậy, họ sẽ có xu hướng thực hiện những vòng gọi vốn nội bộ hoặc phương thức nào khác”, báo cáo viết. Nhưng thực tế, tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài có thể làm giảm khả năng thành công của các công ty khởi nghiệp chống biến đổi khí hậu. Bởi tính liên kết chuỗi, khi đầu vào ở vòng Early Stage giảm dần thì đầu ra ở các vòng tiếp theo sẽ khan hiếm.
Vốn xanh trong chuỗi cung ứng
“Cần thúc đẩy dòng vốn xúc tác nhiều hơn nữa vào Việt Nam”, đại diện của Touchstone Partners nói với NCĐT. Bởi vì, từ nguồn vốn xúc tác ban đầu, các startup cũng dễ dàng huy động thêm vốn không pha loãng từ khoản tài trợ phi lợi nhuận (đóng vai trò giảm thiểu rủi ro cho khoản đầu tư ban đầu). Đây là cách giúp doanh nghiệp có thêm vốn, thị trường để vượt qua giai đoạn đầu khi dòng vốn đầu tư vào vòng Early Stage vẫn đang có xu hướng giảm.
Cần thúc đẩy dòng vốn xúc tác nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Ảnh: stock.adobe.com. |
Đó cũng là lý do chính để hằng năm Touchstone tổ chức cuộc thi “Thách thức Net Zero” nhằm thu hút startup tham gia đồng thời kết nối với nhà đầu tư nước ngoài. Xa hơn, Touchstone mong muốn hướng tới việc thiết lập nền tảng mở cho khởi nghiệp xanh (open innovation platform), giúp các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ chống biến đổi khí hậu có thể hỗ trợ và hợp tác hiệu quả.
Theo đó, khi doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề nào trong chuỗi cung ứng theo xu hướng bền vững, họ có thể đưa ra yêu cầu và kết nối với nhiều startup cung cấp giải pháp thông qua nền tảng này. Cách làm trên cũng đồng thời kết nối các tập đoàn với những công nghệ xanh, hỗ trợ các nhà sáng lập huy động thêm nguồn vốn xanh, nhằm hỗ trợ công nghệ khí hậu giai đoạn đầu tại Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển ở quy mô lớn.
Mô hình này gần giống với mô hình CVC (corporate venture capital - vốn đầu tư mạo hiểm của công ty) khá phổ biến ở Nhật. Các tập đoàn Nhật sẽ đổ vốn vào CVC để nhóm này đầu tư vào những công ty khởi nghiệp trong nước. Từ những tập đoàn công nghệ như Sony đến các công ty hóa chất Nhật như Asahi Kasei, Mitsubishi Chemical… đều dùng CVC để tiếp cận các công ty tiềm năng.
Theo báo cáo “Japan’s CVS industry find its footing” từ Global Corporate Venturing, hầu hết các CVC của Nhật dưới 4 năm hoạt động, quy mô vốn từ 50-100 triệu USD. Gần đây, khi quy định ESG được thắt chặt ở Nhật, các CVC bắt đầu dịch chuyển nguồn vốn tập trung vào những startup chống biến đổi khí hậu.
Lý do đầu tư CVC thay vì trực tiếp đầu tư startup của Nhật có thể là gợi ý cho thị trường Việt Nam. Đầu tiên là thiếu nhân tài, kể từ sau thời kỳ hậu chiến, tư duy làm việc cả đời cho các tập đoàn lớn đã không còn, mỗi năm lại có nhiều người đến làm việc tại các công ty khởi nghiệp và năm sau cao gấp đôi năm trước.
Thứ đến, startup cũng rất khó mở rộng dịch vụ khi hoạt động dưới danh nghĩa một tập đoàn vì xung đột quyền lợi. Trong khi đó, thông qua CVC, công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận nhu cầu, nguồn lực và nguồn vốn cần thiết để phát triển. “Nhiều công ty Nhật bắt đầu nhận ra rằng tự mình không thể đổi mới. Họ cũng nhận ra để giữ chân nhân tài trong nội bộ cần kết nối với các công ty khởi nghiệp”, báo cáo viết.
Không chỉ quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ startup, nhiều ngân hàng hoạt động ở Việt Nam cũng đưa ra chương trình tín dụng xanh hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn. Ví dụ như Ngân hàng HSBC có kế hoạch hỗ trợ 12 tỉ USD cho thị trường Việt Nam đến năm 2030; cuối năm 2023 đã giải ngân được 2 tỉ USD. Thậm chí, HSBC hợp tác cùng Temasek (Singapore) để hậu thuẫn cho Quỹ Pentagreen chuyên tài trợ cho các dự án giảm thải carbon ở Đông Nam Á và Nam Á. Theo ông Surendra Rosha, đồng Tổng Giám đốc HSBC châu Á - Thái Bình Dương, năm ngoái Pentagreen đã hoàn tất giao dịch đầu tiên, tài trợ 6 dự án điện mặt trời trên đảo Luzon của Philippines.
Việt Nam đặt tham vọng phát triển nền kinh tế xanh, dự kiến tăng từ 6,7 tỉ USD vào năm 2020 lên 300 tỉ USD vào năm 2050, bên cạnh cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như đã cam kết tại COP26. Để đạt các mục tiêu liên quan, ước tính Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỉ USD cho cả giai đoạn đến năm 2040, tương đương 20 tỉ USD mỗi năm.
Vì vậy, nhiều ngân hàng tại Việt Nam cũng tham gia cuộc đua tài trợ tín dụng xanh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân 22%/năm. Tính đến ngày 31/3/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Bà Trần Tường Vân, Giám đốc Tư vấn, Công ty Tư vấn EY Việt Nam, cho rằng các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay, các ngân hàng cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn. Nguồn vốn xanh có thể đến từ các tổ chức quốc tế, vay ngân hàng đối tác...
Có thể thấy các nguồn lực đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là doanh nghiệp cần làm gì để tiếp cận dòng vốn này? Lãnh đạo của Every Half cho biết tiêu chuẩn về con người rất được các quỹ đầu tư quan tâm, nó thể hiện không chỉ qua việc công ty cung cấp đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm, y tế mà còn là khả năng thăng tiến của nhân viên trong công việc. Về phía sản phẩm, bên cạnh khả năng chống biến đổi khí hậu, cung cấp việc làm bền vững cho người nông dân, còn phải có mức giá mà thị trường chấp nhận được. “Doanh nghiệp định hướng theo ESG như xe lửa vậy, ban đầu khởi động chậm nhưng sau đó sẽ tăng tốc nhanh và bền vững”, lãnh đạo của Every Half nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Lâm, sáng lập Judyhouse, đơn vị cung cấp các sản phẩm tiêu dùng chiết xuất từ tinh dầu, cho rằng cần có cái nhìn toàn diện hơn về phát triển sản phẩm nông nghiệp không chỉ bền vững với môi trường mà còn phải có mô hình kinh doanh bền vững, tức là có đầu ra ổn định.
Theo ông Lâm, nếu không có yếu tố này, sau thời gian nuôi trồng, người nông dân sẽ không tham gia vì cơ bản không có lợi ích gì cho họ. Điều này tạo tiền lệ rất xấu cho các doanh nghiệp đến sau muốn kêu gọi hợp tác. “Nông dân cần thu nhập ổn định, không làm hại đất trồng. Người tiêu dùng cần sản phẩm tốt cho sức khỏe với mức giá phù hợp. Nhân viên cần được chi trả xứng đáng cho những gì họ tạo ra. Đó là mô hình kinh doanh bền vững theo quan điểm của tôi”, ông Lâm nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
-
Vũ Hoài - Quảng Định
-
Thanh Hằng
-
Thanh Hằng
-
Huy Vũ - Bảo Hân - Kim Dung