A.I tạo sinh: Thù hay bạn?
Thực vậy, những người đã sử dụng A.I tạo sinh cho rằng công cụ sẽ chỉ thay thế những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại.
“Hãy giúp tôi làm bảng khảo sát”, Thùy Dương, Giám đốc Marketing và Truyền thông của một công ty chứng khoán gõ vào khoảng trống ở góc dưới màn hình ChatGPT thêm một dòng mô tả về sản phẩm cô muốn. Chưa đầy 10 giây sau, màn hình đưa ra 5 câu hỏi liên quan đến ngành chứng khoán của cô. Thêm 2 vòng hỏi đáp như thế là Thùy Dương đã có đủ câu hỏi để hoàn thiện bảng khảo sát cô muốn, một việc trước đây thường khiến cô mất ít nhất nửa ngày.
Sau màn ra mắt của ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (A.I) tạo sinh đã trở thành một công cụ nóng trong nhiều ngành nghề. Trong khi một số phấn khởi trước sự hỗ trợ mà A.I tạo sinh có thể mang lại, một số khác lại tỏ ra bi quan trước mối đe dọa đến công việc của họ. Vậy A.I tạo sinh có thực sự là mối nguy cho nguồn nhân lực trong tương lai?
Đừng sợ A.I!
“Các bạn đừng sợ A.I sẽ thay thế công việc của mình”, chị Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Bộ phận Nhân sự Bosch Global Software Technologies, chia sẻ. Việc phụ trách một công ty phần mềm có 4.000 nhân viên khiến 30 người trong bộ phận nhân sự của chị Thúy Hằng thường xuyên ngập trong những câu hỏi liên quan đến chính sách của công ty, như khi nào được tăng lương, lỡ đi làm trễ thì phải điểm danh thế nào... Đã nửa năm kể từ lúc ứng dụng A.I được bộ phận nhân sự đặt hàng nội bộ được tung ra, chị Thúy Hằng thấy khối lượng công việc của họ giảm đi đáng kể. “Những người đặt câu hỏi nhận được câu trả lời nhanh hơn, còn chúng tôi có nhiều thời gian hơn để tập trung cho việc phát triển”.
Trong khi đó, cuộc họp đầu quý III tại một công ty sáng tạo nội dung đầy căng thẳng khi người chịu trách nhiệm của công ty (không muốn nêu tên) không hài lòng trước sự đứng yên của đội ngũ của mình. “Chỉ trong vài phút, A.I có thể làm xong bài viết mà các bạn mất vài ngày để viết... Nếu không thay đổi, các bạn sẽ sớm bị A.I thay thế”, vị này nói.
Khác với trạng thái bi quan kể trên, một khảo sát của Deloitte tiết lộ hơn phân nửa người được khảo sát cảm thấy phấn khích trước tương lai của A.I mang lại và phần lớn đều nôn nóng được ứng dụng A.I vào hoạt động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa họ là mức độ sẵn sàng đến đâu.
Phần lớn người được Deloitte khảo sát là những người cấp quản lý trở lên. Có thể giải thích tâm lý lạc quan của họ dựa trên sự đo lường về hiệu quả công việc, và việc ứng dụng AI tạo sinh vừa tiết giảm chi phí về nhân lực, vừa rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho biết 42% quản lý và lãnh đạo cấp cao tham gia khảo sát rất chủ động trong việc tìm hiểu AI và công cụ để tối đa hoá việc vận hành của họ”, bà Võ Kim Thoa, Quản lý cấp cao, Trưởng Bộ phận tư vấn Nguồn Nhân lực, Deloitte Consulting Đông Nam Á giải thích thêm về kết quả khảo sát.
Đứng ở góc độ cá nhân người lao động, họ thậm chí còn lạc quan hơn. Một báo cáo về kỹ năng số của PwC cho biết 89% người phản hồi có cảm giác tích cực về tác động của công nghệ lên công việc của họ. Một tỉ lệ tương tự nghĩ rằng những tiến bộ công nghệ sẽ giúp cải thiện triển vọng công việc ở tương lai trong 5-10 năm tới.
Thực vậy, những người đã sử dụng A.I tạo sinh cho rằng công cụ sẽ chỉ thay thế những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại. “A.I giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong lĩnh vực của chúng ta”, Phó Giáo sư Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn quản trị tại Đại học RMIT Việt Nam, bình luận. “Thời gian tiết kiệm đó sẽ giúp mình nâng cao kiến thức, làm những việc khác để đem lại thêm giá trị cho bản thân cũng như nguồn thu nhập mới”, ông nói thêm.
Đối với những công việc sáng tạo, A.I tỏ ra là một trợ thủ lý tưởng cho việc tìm kiếm dữ liệu và tổ chức thông tin. “Nhưng có những việc A.I không làm được, đó là đi ra thực tế và gặp gỡ con người để có thông tin... Và góc nhìn của bạn là duy nhất”, bà Thoa bình luận. “Quan điểm của tôi là A.I hỗ trợ lực lượng lao động, nghĩa là con người sử dụng A.I”, nữ quản lý của Deloitte nhấn mạnh.
A.I tạo sinh được Deloitte định nghĩa là một loại A.I có thể sáng tạo nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm nhạc từ những phác thảo. Theo một báo cáo của Gartner, thị trường A.I tạo sinh toàn cầu dự kiến đạt 46,3 tỉ USD vào năm 2025, tăng từ 11,3 tỉ USD vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự phát triển của các công nghệ A.I mới, chẳng hạn như học sâu (deep learning) và nhu cầu ngày càng tăng về các ứng dụng A.I tạo sinh trong nhiều lĩnh vực. Những ngành ứng dụng A.I tạo sinh phổ biến nhất hiện nay bao gồm giải trí, giáo dục, y tế và kinh doanh.
Deloitte, trong một báo cáo về A.I tạo sinh phát hành năm nay, cho rằng A.I tạo sinh có thể vừa tạo ra vừa thay thế việc làm. Một mặt, A.I tạo sinh tạo ra những việc làm mới trong những lĩnh vực như phát triển mô hình, ứng dụng mô hình và khai thác dữ liệu. Mặt khác, nó có thể tự động hóa những nghiệp vụ đang được con người đảm nhiệm, dẫn đến việc thay thế công việc trong những lĩnh vực đó.
Tương lai nguồn nhân lực
“Cả doanh nghiệp nhỏ và lớn đều có thể tận dụng A.I cho công việc của mình”, bà Thoa của Deloitte nhận định về khả năng ứng dụng. Nếu những doanh nghiệp lớn với quy mô vài ngàn đến vài chục ngàn nhân viên có sẵn ngân sách để đầu tư xây dựng công cụ hoàn toàn mới cho riêng họ, thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ với ngân sách hạn chế có thể trang bị cho mình những công cụ có sẵn thông qua việc mua bản quyền.
“Sự phát triển của khoa học dữ liệu tạo ra nhiều ứng dụng khác nhau, A.I chỉ là một trong số đó”, Tiến sĩ Lương Thanh Thảo, giảng viên ngành quản trị nguồn nhân lực, Đại học RMIT Việt Nam, nhận xét. Bà Thảo cho rằng khi học để biết được sức mạnh của A.I, người dùng cũng cần học cách dùng chúng có trách nhiệm và ý thức được những rủi ro khi sử dụng. “Suy cho cùng, A.I được con người tạo ra, chúng là một thuật toán được tạo ra để mô phỏng suy nghĩ, hành vi của con người”, bà Thảo nhận xét.
“Con người có rất nhiều ưu điểm so với máy. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn cần đến nghệ thuật tạo ra từ con người”, bà Thảo phân tích. A.I có thể vẽ nhưng chúng ta vẫn muốn mua những bức tranh do họa sĩ vẽ. “Chúng ta có những cảm xúc mà máy không thể có được... Có nhiều quyết định cần dựa vào lý trí, trực giác, trách nhiệm xã hội hay nền tảng đạo đức”, bà Thảo nói thêm. Đó là vùng đất mà A.I vẫn chưa đạt đến được.
Ngoài ra, giảng viên của Đại học RMIT cho rằng việc dùng A.I cần có sự quan tâm chặt chẽ của các bên, đặc biệt là Nhà nước. “Nhà nước cần tham gia vào, chứ không để câu chuyện chỉ cho người dân và doanh nghiệp. Vai trò của Chính phủ không dừng ở chuyện giám sát, mà còn kết nối... để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Thảo nói.
Làm việc trong môi trường công nghệ, chị Thúy Hằng (Bosch Global Software Technologies) được tạo điều kiện để xây dựng một chatbox cho riêng bộ phận của mình. Đã 2 năm kể từ khi yêu cầu đầu tiên được đưa ra và vẫn còn một chặng đường hoàn thiện phía trước. Thùy Dương cũng vẫn đang thử nghiệm nhiều công cụ tương tự như ChatGPT trong công việc sáng tạo của mình. “Quan trọng, không phải A.I sẽ thay thế bạn hay không, mà là bạn có biết cách sử dụng A.I chưa?”, Thùy Dương hồ hởi trước một tương lai cùng với A.I.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Công Sang
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Trực Thanh
-
Thái Tuệ