Hủy
Công Nghệ

Amazon Global Selling “lội ngược dòng" tại Việt Nam, giữa bức tranh công nghệ toàn cầu u ám

Văn Đạt Thứ Năm | 17/08/2023 10:30

Ông Gijae Seong, CEO Amazon Global Selling Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tiêu dùng do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức. Ảnh: Amazon Global Selling Việt Nam

Bất chấp làn sóng suy giảm công nghệ trên toàn cầu, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt.
 

Làn sóng suy thoái trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu khiến thương mại điện tử suy giảm, nhưng hoạt động của Amazon Global Selling tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Trao đổi với NCĐT, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, nhận định tiềm năng tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam còn rất lớn.

Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của Amazon tại Việt Nam như thế nào, trong bối cảnh thương mại điện tử trên toàn cầu có chiều hướng đi xuống do lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, và suy thoái kinh tế?

Amazon Global Selling thành lập đội ngũ chuyên trách đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2019. Chỉ 3 năm sau khi đặt chân đến Việt Nam, chúng tôi ghi nhận những thành tích khá ấn tượng. Năm 2022 là thời điểm có nhiều thách thức cho kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam, nhưng số lượng doanh nghiệp tại đây tham gia bán hàng trên Amazon vẫn tăng trưởng ở mức 80%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua Amazon cũng tăng 45%.

Số lượng doanh nghiệp tham gia và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam trên Amazon tăng đáng kể, cho thấy sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam trong những năm khá ấn tượng và còn rất nhiều tiềm năng phía trước.

Đông Nam Á là nơi TMĐT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong 2-3 năm vừa qua, đối với mảng bán hàng toàn cầu qua Amazon, so sánh trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất nếu so sánh với 4 nước bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Chưa có con số cụ thể, nhưng so với thời điểm năm 2019 đến nay, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon tăng trưởng vượt bậc.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Theo ông, những yếu nào đóng góp vào sự tăng trưởng kỳ diệu của thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam?

Như đã đề cập, Việt Nam là nước có tốc độ phát triển TMĐT xuyên biên giới qua Amazon nhanh hàng đầu khu vực. Nhu cầu chuyển đổi số, khai thác thương mại điện tử trong kinh doanh vô cùng “nóng”. Việt Nam hiện có năng lực sản xuất dồi dào, nhiều thương hiệu quốc tế đã chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, cho thấy sản phẩm “Made-in-Vietnam” có thể tạo nên giá trị quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam có cộng đồng người bán và khởi nghiệp trực tuyến lớn và tích cực với hàng trăm nghìn người.

Từ khi thành lập đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam, chúng tôi đã làm việc và hỗ trợ hàng ngàn đối tác bán hàng Việt Nam, trong đó có nhiều nhà sản xuất truyền thống tên tuổi, các chủ thương hiệu trẻ, các khởi nghiệp năng động & nhạy bén với kinh doanh online. Họ là những doanh nhân có tầm nhìn toàn cầu, dám khám phá cơ hội mới, mở đường cho TMĐT xuyên biên giới. Họ khéo léo tận dụng thế mạnh của mình để tạo ra những sản phẩm Made-in-Vietnam độc đáo và đưa chúng ra thị trường toàn cầu thông qua Amazon.

Đâu là những thành tựu ấn tượng nhất Amazon đã đạt được trong 4 năm hoạt động ở Việt Nam?

Chúng tôi rất vui nhìn thấy TMĐT xuyên biên giới đã mở ra cơ hội thực sự cho doanh nghiệp & doanh nhân Việt, thúc đẩy họ nắm bắt sức mạnh của kinh doanh trực tuyến và cơ hội xuất khẩu để tăng doanh thu và phục hồi sau đại dịch. Amazon Global Selling vẫn tiếp tục vai trò là một đối tác tin cậy trên hành trình vươn ra toàn cầu của doanh nhân, doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt - cung cấp nguồn tài nguyên, công cụ và dịch vụ giúp họ thành công trong thương mại quốc tế. Sự tham gia đa dạng của các đối tác bán hàng từ nhiều quy mô và ngành hàng khác nhau cho thấy, TMĐT xuyên biên giới giờ đây không còn là sân chơi chỉ dành cho những thương hiệu lớn mà rộng mở cho tất cả.

Các nỗ lực của Amazon Global Selling Việt Nam dành cho các nhà bán hàng đã mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế số Việt Nam, góp phần nâng tầm vị thế hàng hóa và giá trị thương hiệu “Made-in-Vietnam”, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt nâng cao trách nhiệm xã hội đồng thời hỗ trợ tạo ra công ăn việc làm tại nhiều địa phương.

Thương mại điện tử xuyên biên giới giờ đây không còn là sân chơi chỉ dành cho những thương hiệu lớn ở Việt Nam. Chúng tôi rất ấn tượng với sự khởi sắc của năm 2022 bởi có đến hơn 10 triệu sản phẩm Made-in-Vietnam được bán cho khách hàng của Amazon trên toàn cầu.

Thương hiệu AnEco chính thức có mặt trên Amazon với sự đầu tư kỹ càng để tiếp cận trực tiếp 300 triệu khách hàng tại các thị trường Bắc Mỹ. Ảnh: Amazon Global Selling
Thương hiệu AnEco chính thức có mặt trên Amazon với sự đầu tư kỹ càng để tiếp cận trực tiếp 300 triệu khách hàng tại các thị trường Bắc Mỹ. Ảnh: Amazon Global Selling Việt Nam

Ông có nghĩ các sản phẩm Made-in-Vietnam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế?

Thương mại điện tử xuyên biên giới góp phần giúp doanh nghiệp và doanh nhân Việt thay đổi tư duy với tầm nhìn dài hạn lẫn khả năng phản ứng nhanh nhạy với thị trường. Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới với năng lực sản xuất dồi dào, đa dạng ngành hàng từ nội thất, thủ công mỹ nghệ, dệt may – thời trang, máy móc công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, điện tử công nghệ, nông sản... Theo tôi, doanh nghiệp Việt cần lưu ý những yếu tố sau đây để gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Made-in-Vietnam trên thị trường toàn cầu.

Các nhà sản xuất, chủ thương hiệu Việt Nam phải hiểu được khách hàng quốc tế, từ đó cung cấp những sản phẩm với tính năng, thiết kế mà họ cần, các dịch vụ mà khách hàng mong muốn. Họ phải đọc vị được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng quốc tế, thông qua tận dụng công nghệ số.

Họ phải đổi mới và tạo ra sản phẩm mang tính đột phá. Thông thường, các nhà sản xuất chỉ có thể lắng nghe phản hồi từ thị trường thông qua các kênh trung gian. Quy trình thay đổi sản phẩm và đáp ứng số lượng hàng mới ra thị trường quốc tế có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm. Nhưng với thương mại điện tử, quá trình này có thể rút ngắn lại chỉ còn một vài tháng, mà không cần chờ báo cáo tổng kết lượt bán hàng trong 6 tháng đến 1 năm mới có thể thay đổi.

Cuối cùng, ở sân chơi toàn cầu, chất lượng sản phẩm là một khía cạnh bắt buộc, nhưng làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm bằng giá trị thương hiệu? Khi hiểu được khách hàng, khi đổi mới sản phẩm, và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Xuất khẩu là trụ cột của kinh tế Việt Nam. Thông qua Amazon, hoạt động xuất khẩu mở ra 1 con đường mới là “xuất khẩu online”. Ông có thể chia sẻ thêm về tiềm năng và dư địa của xuất khẩu online của Việt Nam?

Kết quả khảo sát mới nhất của công ty tư vấn Access Partnership, ước tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 80 ngàn tỉ đồng. Cũng theo báo cáo này, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 ngàn tỉ đồng vào năm 2027.

Dư địa “xuất khẩu online” của Việt Nam còn rất lớn khi chỉ mới chiếm phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu online của Việt Nam còn rất lớn. 

Theo cáo cáo của AlphaBeta, xuất khẩu trực tuyến, hay TMĐT xuyên biên giới đang cho thấy đây là cơ hội mới cho Việt Nam với quy mô tăng trưởng tiềm năng lớn trong 5 năm tới, dự báo mức tăng trưởng hơn 20%/năm. TMĐT xuyên biên giới có thể mang lại cơ hội để thay đổi toàn diện từ tư duy, vận hành, phát triển của doanh nghiệp. TMĐT xuyên biên giới tạo ra giá trị mới, không chỉ là “Made-in-Vietnam”, mà sẽ là “Thương hiệu Việt Nam” trên thị trường quốc tế.

Không chỉ còn là một khái niệm hay xu hướng kinh doanh mới, TMĐT xuyên biên giới hứa hẹn sẽ là một “bình thường mới”, một phong trào cho các doanh nghiệp Việt Nam và là một động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế xuất khẩu.

Thương hiệu AnEco chính thức có mặt trên Amazon với sự đầu tư kỹ càng để tiếp cận trực tiếp 300 triệu khách hàng tại các thị trường Bắc Mỹ. Ảnh: Amazon Global Selling Việt Nam

Lafooco – thương hiệu hạt điều Việt Nam cũng đã chuyển mình hướng ra thị trường quốc tế với thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon. Ảnh: Amazon Global Selling Việt Nam

Trước Việt Nam, ông từng là một trong những nhân sự đầu tiên đặt nền móng cho Amazon tại Hàn Quốc và Singapore. Ông thấy thị trường Việt Nam có gì khác? Đâu là thế mạnh của Việt Nam?

Tôi có duyên với Việt Nam từ trước khi Amazon Global Selling được thành lập tại đây. Năm 2017, tôi có chuyến công tác đến Việt Nam để tham dự một sự kiện dành cho nhà bán hàng TMĐT xuyên biên giới do một bên thứ ba tổ chức. Tôi thực sự ấn tượng với khung cảnh hàng ngàn khách tham dự với nguồn năng lượng vô cùng tích cực và nhiệt huyết. Tôi cảm nhận người dân tại đây có đầy nhiệt huyết và muốn hòa nhập vào dòng chảy chung của xu thế thương mại mới trên toàn thế giới.

Năm 2019, Amazon Global Selling thành lập đội ngũ chuyên trách tại Việt Nam; thời điểm đó tôi vẫn làm việc tại Singapore và hỗ trợ Việt Nam từ xa. Năm 2021, tôi chính thức đảm nhận vị trí điều hành & quản lý trực tiếp. Đến nay, chúng tôi đã có hai đội ngũ nhân sự tại TP.HCM & Hà Nội, đã & đang hỗ trợ hàng ngàn đối tác bán hàng Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Đại dịch đã tạo ra thay đổi lớn về thói quen và xu hướng mua sắm trực tuyến, từ đó tạo đà phát triển cho nền kinh tế số ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam phản ánh các mức độ phát triển TMĐT khác nhau.

Hàn Quốc là một trong những thị trường TMĐT lớn nhất thế giới với các thương hiệu và ngành hàng đã tạo được dấu ấn đậm nét trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, Singapore tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến TMĐT quan trọng ở châu Á với tinh thần kinh doanh và làm chủ thương hiệu mạnh mẽ. Đối với Việt Nam, chúng ta có năng lực sản xuất dồi dào, ngành hàng đa dạng và cộng đồng người bán online & khởi nghiệp lớn, họ sẵn sàng đón nhận các mô hình mới, thử nghiệm mới.

Mặc dù ở các giai đoạn phát triển khác nhau của thương mại điện tử, điểm giống nhau mà tôi nhận thấy giữa 3 quốc gia là đây đều là các nước có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Tuy thế, mức độ nhận thức về cơ hội đến từ TMĐT xuyên biên giới so với TMĐT trong nước và vẫn ở các mức độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia.

Xin cảm ơn ông!


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới