Hủy
Công Nghệ

Bên trong nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới

Thứ Năm | 22/11/2012 09:04

Công ty Đài Loan Hon Hai, hay còn gọi là Foxconn hiện đang trở thành tâm điểm của dư luận sau hàng loạt vụ công nhân tự tử, bạo loạn tại nhiều cơ sở sản xuất của công ty.
 

Bí mật của Foxconn bị lôi ra ánh sáng

Dư luận Trung Quốc và nhiều nước bắt đầu chú ý vấn đề của Foxconn hai năm trước, khi một loạt vụ tự tử, bạo loạn diễn ra tại các cơ sở sản xuất tường cao hào sâu của công ty này.

Riêng tại nhà máy ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), 11 công nhân nhảy lầu tự sát trong 5 tháng đầu năm 2010. Những vụ tự tử khiến báo chí vào cuộc và ngay lập tức, thế giới bí mật của Foxconn bị lôi ra ánh sáng.

Đầu tháng 10, khoảng 4.000 công nhân tham gia đình công tại nhà máy của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, khiến cơ sở này phải ngừng sản xuất một ngày.

Những người trong cuộc nói rằng, vụ đình công xảy ra chủ yếu là do các cấp quản lý cố tình bỏ qua hoặc không biết gì về những áp lực kinh khủng mà công nhân phải chịu đựng khi phải cố gắng tìm lỗi trong những bộ phận nhỏ (kích thước 0,02mm) của điện thoại iPhone 5. Trong khi đó, sản lượng của nhà máy ngày càng tăng.

Cuối tháng 9 xảy ra vụ xô xát lớn giữa hàng nghìn công nhân Foxconn và lực lượng bảo vệ tại nhà máy ở tỉnh Sơn Tây, khiến 40 người bị thương. Vụ xung đột chỉ chấm dứt khi hàng nghìn cảnh sát xuất hiện và can thiệp.

Tất cả những vụ việc trên một lần nữa thể hiện căng thẳng leo thang giữa Foxconn và hơn một triệu nhân viên, những người đòi hỏi thay đổi cách thức quản lý ngày càng khắc nghiệt của công ty.

Công nhân bất bình

Một công nhân Foxconn ở Thâm Quyến viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc: “Thay vì được coi là một thành viên của công ty, chúng tôi đơn giản chỉ là máy móc mà công ty mua về để giữ cho dây chuyền lắp ráp hoạt động”.

Ngoài bản chất công việc đơn điệu và áp lực đạt chỉ tiêu sản xuất ngày càng tăng, cách thức quản lý theo kiểu quân sự của Foxconn bị công nhân khắp nơi kêu ca, oán trách. Nhiều công nhân nói rằng họ cảm thấy mình bị tước đoạt mọi tự do trong đời.

Công nhân sản xuất cáp nối trong nhà máy Foxconn ở tỉnh Giang Tây.
Công nhân sản xuất cáp nối trong nhà máy Foxconn ở tỉnh Giang Tây.

“Hầu như chẳng công nhân Foxconn nào tự hào là đã sản xuất ra những chiếc iPhone được cho là rất tuyệt vời, rất thời thượng. Điều chúng tôi cảm thấy đơn thuần là quan hệ mua - bán. Chẳng ai coi nhà ở tập thể của chúng tôi là ngôi nhà ấm cúng, khi mà bảo vệ có thể đẩy cửa vào bất kỳ lúc nào để kiểm tra an ninh”, công nhân họ Huang viết trên blog được nhiều đồng nghiệp đọc thường xuyên.

Các công nhân này gọi khuôn viên nhà máy là nhà tù, nơi hàng trăm nhân viên bảo vệ bảo đảm an ninh, trật tự bằng chính sách bàn tay sắt, thường xuyên bắt nạt những người trực tiếp sản xuất.

Ngày nay, ngày càng nhiều công nhân tìm đến Internet để bày tỏ than phiền, khiếu nại, với hy vọng nhận được sự trợ giúp của xã hội để thay đổi tình trạng của họ. Nhiều công nhân miêu tả đời sống máy móc của họ trên blog, trên diễn đàn trực tuyến.

Thông qua những bài viết trên blog kiểu như nhật ký, những chi tiết nhỏ trong đời sống thường nhật của công nhân ghép thành bức tranh tổng thể về điều kiện làm việc tại các nhà máy của Foxconn khắp Trung Quốc. Theo một số bài viết, nhân viên bị ép làm việc hơn 100 giờ mỗi tuần.

Một số công nhân dùng các diễn đàn online để kêu gọi sự ủng hộ của xã hội hoặc sự hỗ trợ đối với những người đang đòi Foxconn bồi thường trong trường hợp bị tai nạn lao động.

Mỗi khi có sự kiện lớn diễn ra tại "Tử cấm thành" Foxconn, như đình công, bạo loạn, tự tử…, tin tức lại được cập nhật trực tuyến theo thời gian thực.

Thiếu công nhân

Hồi giữa tháng 10, Foxconn thừa nhận đã thuê trẻ em làm việc tại nhà máy Yantai ở tỉnh Sơn Đông và hứa sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với vi phạm này.

Vụ bê bối thể hiện khó khăn mà công ty gặp phải trong việc tuyển dụng công nhân, dù đã đưa ra nhiều chiến lược thu hút nhân viên để tận dụng lao động giá rẻ ở Trung Quốc đại lục. Foxconn đưa ra điều kiện tuyển dụng rất đơn giản: không có hình xăm hoặc vết sẹo trên cơ thể và từ 18 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, khác giai đoạn đỉnh điểm, khi Foxconn mỗi ngày tuyển 3.000 công nhân mới, công ty ngày càng khó tìm được người sẵn sàng làm việc trong lĩnh vực sản xuất đơn điệu này.

Công nhân khắp nơi kêu ca, oán trách về cách quản lý của Foxconn
Công nhân khắp nơi kêu ca, oán trách về cách quản lý của Foxconn

Tại tỉnh Hà Nam, Foxconn và chính quyền địa phương dùng tiền để khuyến khích việc tuyển dụng. “Thông thường, mỗi công nhân mới được công ty trợ cấp 500 nhân dân tệ, trong đó công nhân được giữ 400 nhân dân tệ coi như tiền thưởng ban đầu, còn 100 tệ dành cho người giúp tuyển được người”, Zhang Minqiang, quản đốc nhà máy Taiyuan của Foxconn, nói. Ông Zhang khuyến khích mọi nhân viên giúp tìm công nhân mới.

Mới đây, Foxconn tuyên bố sẽ đưa tổng cộng 1 triệu robot vào dây chuyền lắp ráp trong vòng 3 năm. “Chúng tôi không thể nói rằng, công việc sản xuất hấp dẫn công nhân. Nó nhàm chán, đòi hỏi sự cần cù, nên chúng tôi phải thay đổi điều đó, thay vì hy vọng công nhân thay đổi, Louis Woo, người phát ngôn của Foxconn, nói sau vụ bạo loạn ở nhà máy Taiyuan.

Tại phân xưởng của ông Zhang Minqiang, nơi sản xuất các miếng kim loại tròn cho iPhone 4 và iPhone 4S, mỗi dây chuyền lắp ráp có 30-40 robot. Nhưng ông Zhang cho biết, có một số công đoạn không thể làm bằng máy.

“Robot chủ yếu được dùng để đục lỗ, ví dụ lỗ tai nghe và cổng USB. Tuy nhiên, trong các lỗ này, có thể có những sợi xơ nhỏ cần được làm nhẵn. Việc này chỉ có con người mới làm được”, ông Zhang nói.
Biện pháp đối phó

Để đối phó sự chỉ trích của công luận về cung cách quản lý của Foxconn (khét tiếng về môi trường làm việc khắc nghiệt, mọi công nhân đối mặt áp lực cao), ban lãnh đạo công ty này áp dụng một loạt biện pháp để doanh nghiệp có bộ mặt nhân đạo hơn.

Kể từ năm 2010, Foxconn ba lần nâng lương cơ bản của công nhân đứng máy, từ 900 nhân dân tệ (144 USD) thời điểm trước các vụ tự sát lên mức hiện nay là 2.200 nhân dân tệ.

Đầu năm nay, Foxconn làm việc với hãng Apple để rà soát độc lập về điều kiện làm việc của công nhân. Theo đó, Hiệp hội Lao động Công bằng thực hiện “kiểm toán tự nguyện đặc biệt” đối với các nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến và Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên).

Dựa trên kết quả kiểm toán hồi tháng 3, Foxconn cam kết sửa chữa những hành vi vi phạm Bộ quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của Apple, như bắt nhân viên làm việc hơn 60 giờ/tuần, thuê lao động dưới 16 tuổi… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những động thái của Foxconn phần lớn chỉ nhằm đối phó sự xem xét kỹ lưỡng của dư luận và những khách hàng lớn Apple, Dell…

“Về cơ bản, cấp quản lý của Foxconn chưa bao giờ cố gắng xử lý gốc rễ của vấn đề bằng cách giải quyết yêu cầu của công nhân. Foxconn giỏi tính toán thời gian trên các dây chuyền lắp ráp, chính xác đến từng phút để đảm bảo hiệu suất và lợi nhuận cao nhất. Làm việc tại các dây chuyền không ngừng nghỉ, công nhân giống máy móc hơn là con người”, Liu Kaiming, Giám đốc Viện quan sát đương đại (tổ chức xã hội dân sự của Trung Quốc chuyên thúc đẩy phát triển lao động và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), nhận định.

Nguồn Tienphong


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới